Một trung sĩ Hải quân Hàn Quốc bị nhóm 7 đồng nghiệp giam giữ hơn hai giờ tại Donghae, tỉnh Gangwon trước ngày xuất ngũ. Nạn nhân bị đứt dây chằng và bầm tím khắp cơ thể, điều trị kéo dài 4 tuần.
Trước đó 1 tháng, 4 nữ sinh trung học bị cảnh sát bắt giữ vì hành hung bạn học tại công trường xây dựng ở Cheonho-dong, Seoul. Vụ việc xảy ra vào sinh nhật của nạn nhân.
Dù có vẻ không liên quan, 2 trường hợp trên lại có một điểm chung: thủ phạm cho rằng bạo lực là một cách chúc mừng nạn nhân trong những dịp trọng đại, theo The Korea Herald.
Thương cho voi cho rọt
Có thể dễ dàng tìm thấy video trên mạng với nội dung “saengil-bbang” - thanh thiếu niên Hàn đánh bạn bè trong khi chúc mừng sinh nhật. “Saengil” là sinh nhật trong tiếng Hàn, và từ “bbang” được sử dụng để chỉ bạo lực.
Đầu những năm 2000, saengil-bbang thậm tệ hơn nhiều. Nạn nhân bị bạo lực mạnh, sỉ nhục ở nơi nơi công cộng và thậm chí bị ép khỏa thân.
Năm 2007, đài truyền hình KBS đưa nhiều hình ảnh và video thực tế xoay quanh vấn đề trên. Một đoạn clip mô tả nhóm người đứng quây một người khác thành vòng tròn và liên tục đấm đá. Một bức ảnh khác cho thấy một cô gái bị trói vào cột đường bằng băng keo và đổ bột mì lên người.
Năm 2010, báo JoongAng Ilbo trích lời Tổng thống Lee Myung-bak, ông gọi những bữa tiệc kỉ niệm tốt nghiệp của thanh thiếu niên là “căn bệnh của xã hội Hàn”. Trước đó đã xảy ra hàng loạt vụ việc nam sinh tuổi teen xé đồng phục của nhau tại các buổi lễ tốt nghiệp vì "joleop-bbang". “Joleop” là từ tiếng Hàn chỉ lễ tốt nghiệp.
Vỏ bọc mới của bạo lực
Khác với lứa tuổi teen, các thanh niên đi nghĩa vụ phải đối mặt với áp lực khác, “jeonyeok-bbang”, hay lễ xuất ngũ bạo lực.
Ham Young-wok (30 tuổi), nhân viên văn phòng ở Seoul, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 2015, cho biết hoạt động này thường diễn ra trong bữa tiệc chia tay những người lính sắp xuất ngũ.
“Một đồng đội đã đập bánh vào mặt tôi. Họ đứng thành hàng đá vào mông tôi, hết người này đến người khác. Họ không đánh quá mạnh vì đây chỉ là trò đùa. Mọi việc có thể nguy hiểm hơn nhiều nếu chúng tôi uống rượu”, Ham nói.
Thanh niên Hàn tham gia nghĩa vụ quân sự phải đối mặt với các lễ kỉ niệm bạo lực. |
Có rất ít thông tin cụ thể, nhưng thói quen này được cho là hình thành vào những năm 1990.
Koo Jung-woo, giáo sư môn Xã hội học tại Đại học Keimyung, nhận xét văn hóa phổ biến này có thể khiến quân nhân chọn bạo lực để bộc lộ cảm xúc. “Nhiều đơn vị quân đội Hàn Quốc dùng nhục hình để trừng phạt những lỗi nhỏ. Việc tiếp xúc nhiều lần với bạo lực đã dẫn đến những cách giao tiếp bạo lực”.
Kim Sung-chul, giáo sư khoa Truyền thông ở Đại học Hàn Quốc, chỉ ra mọi người thường coi đây là trò đùa vui. “Mặc dù quân đội cần hệ thống cấp bậc và kỷ luật nghiêm ngặt, nhưng điều đó không cho phép ta coi nhẹ việc sử dụng bạo lực”.
“Có nhiều diễn viên đánh nhau trên các chương trình truyền hình để giải trí cho người xem. Việc nhận hình phạt dội xô nước lên đầu hay búng tay vào trán cũng khá phổ biến”, giáo sư nói thêm.
Hai nghệ sĩ Hàn Quốc Kim Jong-guk và Jeong Jun-ha đánh nhau trong một tập của chương trình tạp kỹ “Running Man”. Ảnh: SBS. |
Giáo sư cũng lưu ý hình ảnh trên các phương tiện truyền thông có thể khiến người xem hiểu sai về bạo lực và coi nó là trò đùa. Hơn nữa, bạo lực để kỉ niệm những dịp đặc biệt có thể dẫn đến bắt nạt.