Hôm 15/7, một nữ sinh viên năm nhất được tìm thấy đã tử vong trong tình trạng khỏa thân ở khuôn viên trường Đại học Inha. Nghi phạm là nam sinh viên năm nhất cùng trường, đối mặt với cáo buộc cưỡng hiếp và sát hại cô gái, theo The Korea Herald.
Cuộc tấn công xảy ra khi hai người uống rượu cùng nhau. Lợi dụng tình trạng say xỉn của nạn nhân, nghi phạm được cho đã cưỡng hiếp, quay phim hành động phạm tội và đẩy ngã cô gái từ tầng 3 của một tòa nhà. Những tình tiết được công bố khiến dư luận phẫn nộ.
Nếu bị kết tội hiếp dâm và gây ra cái chết cho nữ sinh viên, nghi phạm có thể bị phạt tù 11-14 năm và nhiều khả năng được giảm thời hạn và ân xá sau đó.
Suy đoán này càng khiến dư luận thêm giận dữ và lần nữa đặt câu hỏi: Tội phạm tình dục, tội phạm bạo lực có đang bị trừng phạt thích đáng hay không?
Cái chết của nữ sinh viên tại Đại học Inha khiến dư luận Hàn Quốc phẫn nộ. Ảnh: Yonhap. |
Mềm mỏng với tội phạm?
Cuộc tranh cãi tương tự cũng dấy lên vào mùa hè năm ngoái khi một người đàn ông ở độ tuổi 20 tấn công tình dục hai nữ sinh cấp hai và cưỡng hiếp một người khác, nhưng đã được tòa án Daejeon cho hưởng án treo.
Điều này có nghĩa là người đàn ông được tự do sau một tội danh hiếp dâm và hai tội lạm dụng tình dục. Tất cả nạn nhân đều là trẻ vị thành niên.
Trong phán quyết của mình, tòa án cho biết đã xem xét rằng nghi phạm "không gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các nạn nhân". Người này không có tiền án vào thời điểm đó và đã đạt được thỏa thuận với các nạn nhân sau khi gửi 75 lá thư xin lỗi.
Sau khi công chúng phản đối kịch liệt với phán quyết ban đầu, tuần trước, tòa phúc thẩm đã kết án hung thủ 5 năm tù.
Trước làn sóng chỉ trích hình phạt mềm mỏng với tội phạm tình dục, Hàn Quốc đã nỗ lực nâng mức phạt.
Năm 2020, nước này sửa đổi luật cho phép trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với bạo lực tình dục liên quan đến tội phạm quay lén. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các hình phạt nặng hiếm khi được áp dụng.
Năm ngoái, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) và Ủy ban Kết án đã tổ chức một diễn đàn chung về các hành động trừng phạt chống lại tội phạm liên quan đến giới.
Số liệu công bố cho thấy 59,1% tội phạm tình dục được hưởng án treo vào năm 2019, tăng từ 46,3% vào năm 2010.
Trong các bản án bị phạt tù, thời gian ngồi tù trung bình là 45,2 tháng vào năm 2019, giảm từ 61 tháng vào năm 2015.
Park Bok-soon, nhà nghiên cứu cấp cao của KWDI, nói rằng "hình phạt nhẹ" đối với tội phạm tình dục có thể là do tòa án tập trung nhiều hơn vào các tình tiết giảm nhẹ, cùng với sự thiếu nhạy cảm về giới từ cơ quan tư pháp.
Kẻ ấu dâm khét tiếng Cho Doo-soon được thả tự do sau 12 năm ngồi tù. Ảnh: AP. |
Năm 2020, Cho Doo-soon, kẻ cưỡng hiếp và gây thương tích nghiêm trọng với một bé gái 8 tuổi vào năm 2008, đã được thả tự do. Những hành vi bạo hành trẻ em như vậy có thể lãnh án tù đến suốt đời, nhưng người này được giảm án xuống còn 12 năm vì được kết luận đầu óc không tỉnh táo do nghiện rượu.
Người dân kiến nghị tái thẩm nhưng vô hiệu, vì Cho đã được trả tự do vào tháng 12 năm đó.
Còn những trường hợp như vụ Đại học Inha, việc thiếu bằng chứng về ý định giết người của thủ phạm thường khiến nhà chức trách không thể buộc tội giết người.
Kể từ năm 2010, Hàn Quốc tiết lộ thông tin cá nhân của tội phạm bạo lực, bao gồm khuôn mặt, tên, tuổi của một nghi phạm về các tội bạo lực cụ thể, những hành vi "đã được thực hiện một cách dã man và gây thiệt hại về vật chất".
Năm ngoái, cảnh sát nước này đã tiết lộ thông tin cá nhân của 10 tên tội phạm, con số cao nhất kể từ khi luật có hiệu lực. Cảnh sát cho biết điều này là do yêu cầu gia tăng từ công chúng, nói thêm rằng họ nhận được khoảng 1.500 kiến nghị liên quan kể từ năm 2017.
Tranh cãi về án tử hình
Bản án nghiêm khắc hơn có thể giúp nạn nhân đòi công lý, nhưng chưa hẳn giúp giảm thiểu tội phạm.
Trong cuộc tranh luận gần đây về việc liệu án tử hình có hợp hiến hay không, nhiều chuyên gia chỉ ra các nghiên cứu cho thấy án tử không có tác dụng răn đe.
Nghiên cứu Does the death penalty save lives được công bố trên Criminology & Public Policy, đã phân tích dữ liệu từ năm 1977 đến năm 2006 và phát hiện ra rằng tội phạm hiếm khi suy nghĩ về những rủi ro dài hạn trong quá trình ra quyết định.
Nói một cách đơn giản, hầu hết người phạm tội không nghĩ đến khả năng bị bắt hay bị kết án.
Kim Dae-geun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Tội phạm học và Tư pháp Hàn Quốc, người đã nói chuyện với 33 tử tù, cho biết không ai trong số những người ông phỏng vấn từng cân nhắc mình sẽ bị trừng phạt như thế nào trước khi phạm tội.
Các chuyên gia nhận định việc chỉ áp dụng các hình phạt nặng hơn đối với tội phạm là không đủ để giảm thiểu tội phạm nghiêm trọng.
Các chuyên gia cho rằng tăng nặng hình phạt với hung thủ không phải là giải pháp để hạn chế tội phạm. Ảnh: The Korea Herald. |
Lee In-young, giáo sư luật tại Đại học Hongik, nói rằng Hàn Quốc đã gia tăng hành động trừng phạt dựa trên yêu cầu của công chúng về các biện pháp mạnh mẽ chống lại tội phạm bạo lực.
Nhưng bà không tìm thấy mối tương quan đáng kể nào giữa tỷ lệ tội phạm và việc nâng mức hình phạt, ngay cả trong giai đoạn 2010-2014 khi các mức án trung bình đối với tội phạm giết người, cướp tài sản và tình dục đều gia tăng.
"Ngăn chặn tội phạm không phải điều có thể đơn giản đạt được thông qua việc tăng cường các hình phạt hoặc áp đặt những trừng phạt nặng nề. Sửa đổi hệ thống pháp luật cũng không nên được coi là một cách dễ dàng nhằm xoa dịu sự lo lắng của công chúng".
Theo bà Lee, giải pháp cơ bản để giảm thiểu tội phạm là phải ngăn chặn trước khi nó xảy ra.
Choi Jeong-hak, giáo sư luật tại Đại học Mở Quốc gia Hàn Quốc, cũng đồng ý rằng tăng nặng hình phạt không phải là cách làm hiệu quả.
"Điều này không có nghĩa là chúng ta nên khoan dung hơn đối với tội phạm. Nhưng sự tức giận quá mức với một số tội phạm nhất định cuối cùng sẽ dẫn đến một hệ thống pháp luật không hiệu quả và chỉ có thể áp dụng trong một số trường hợp nhất định", giáo sư Choi giải thích.