Ngày 25/3, Tập đoàn điện lực Hàn Quốc (KEPCO) ký một biên bản ghi nhớ với thành phố Jeju và công ty SK Telecom để cung cấp dịch vụ an sinh xã hội dựa trên big data, theo Koreabizwire.
Dịch vụ mới này sẽ tiến hành phân tích dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI) về các thói quen sử dụng điện và dữ liệu liên lạc của hộ gia đình chỉ có một người sinh sống. Nếu phát hiện điều bất thường, các thông tin sẽ được gửi cho chính quyền địa phương.
Ví dụ, dịch vụ này có thể phát hiện sự sụt giảm bất thường trong việc sử dụng điện hoặc cuộc gọi điện thoại/tin nhắn, từ đó phán đoán, dự báo nguy hiểm hoặc rủi ro về chủ nhân căn hộ.
Dịch vụ của ngành điện Hàn Quốc được hy vọng sớm phát hiện những cái chết cô độc. |
Dựa trên thỏa thuận, KEPCO và SK Telecom sẽ chung tay thu thập dữ liệu về sử dụng điện và thông tin liên lạc đồng thời thiết lập một trang web chính thức. Động thái này được hy vọng có thể phần nào ngăn chặn những cái chết cô độc ở xứ kim chi - những người sống một mình bất ngờ qua đời nhưng không được phát hiện kịp thời.
Tại một số nước châu Á, tình trạng những người sống một mình qua đời trong cô độc đã trở thành vấn đề đáng lo ngại những năm gần đây. Hiện tượng này được gọi là kodokushi ở Nhật Bản hay godoksa ở Hàn Quốc, chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi song đang có xu hướng trẻ hóa.
Ở xứ Phù Tang, một nhóm chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu NLI ước tính có 30.000 người trên khắp nước này đã qua đời trong cô độc, không ai hay biết.
Theo điều tra dân số của Hàn Quốc năm 2016, hộ gia đình chỉ có một người chiếm 27,9%, tăng so với 27,2% năm 2015.
Khi chia theo độ tuổi, những người trên 70 tuổi chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các hộ gia đình một người, ở mức 17,8%. Trong khi đó, những người trong độ tuổi 60-69 lại có tỷ lệ sống một mình tăng cao nhất, từ 670.000 năm 2015 lên 740.000 năm 2016.