Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàn Quốc vẫn đổ lỗi nạn nhân bị bám đuôi do 'không đủ nhận thức'

Bộ Tư pháp Hàn Quốc sẽ lấp lỗ hổng pháp lý cho phép kẻ bám đuôi thoát tội nếu có thể thương lượng hoặc buộc nạn nhân tha thứ cho mình.

Lỗ hổng của luật chống rình rập ở Hàn Quốc có thể giúp thủ phạm thoát tội. Ảnh: South Korea Police.

Hôm 16/9, Tổng thống Yoon Suk-yeol yêu cầu Bộ Tư pháp sửa đổi luật chống rình rập chỉ một năm sau khi chính thức có hiệu lực. Động thái này được đưa ra sau vụ án nữ nhân viên ga Seoul Metro bị sát hại bởi nam đồng nghiệp, cũng là kẻ bám đuôi cô, gây chấn động dư luận, theo SCMP.

Min Go-eun, luật sư của nạn nhân, chỉ trích những hạn chế của luật hiện hành trong việc ngăn chặn tội ác tương tự.

“Tôi cảm thấy thất vọng trước sự bất lực của cơ quan thực thi pháp luật và tòa án trong việc chủ động hơn để ngăn chặn vụ giết người” cô nói.

Cho đến những năm gần đây, Hàn Quốc vẫn coi hành vi bám đuôi như lỗi vi phạm nhỏ, có thể bị phạt 100.000 won (71 USD), trước khi bị gây sức ép phải cứng rắn hơn với bạo lực trên cơ sở giới.

Luật chống rình rập được ban hành tháng 10/2021, quy định người phạm tội có thể ngồi tù 5 năm. Tuy nhiên, luật vẫn không đủ sức răn đe khi các nhà chức trách tiếp tục xử lý khoảng 5.400 tội phạm liên quan tính đến cuối tháng 6.

Ít nhất 3 phụ nữ tìm kiếm sự giúp đỡ để thoát khỏi kẻ đeo bám mình đã bị sát hại trong 6 tháng đầu năm nay.

Các nhà phê bình cho rằng luật chống rình rập hiện hành có một lỗ hổng: thủ phạm có thể thoát tội nếu đạt được thỏa hiệp với nạn nhân bằng cách tác động hoặc buộc họ phải tha thứ.

Theo chỉ thị của tổng thống, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tìm cách lấp lỗ hổng này.

Trong vụ án xảy ra mới đây, Jeon Ju-hwan (31 tuổi) đâm chết đồng nghiệp 28 tuổi sau khi bám theo cô vào nhà vệ sinh công cộng tại ga Sindang, nơi cả 2 làm việc.

Nghe thấy tiếng kêu cứu của nạn nhân, các nhân viên nhà ga lao vào khống chế Jeon. Cô gái xấu số được đưa đến bệnh viện gần đó nhưng không qua khỏi vì vết thương quá nặng.

Jeon bắt đầu theo dõi nữ đồng nghiệp từ năm 2019, ngay sau khi được nhận vào làm cho Seoul Metro. Nạn nhân đã 2 lần nộp đơn khiếu nại cho cảnh sát, cáo buộc Jeon rình rập, quay lén và dọa giết cô.

Vụ việc đau lòng xảy ra chỉ một ngày trước khi tòa án dự kiến ​​tuyên án Jeon, người bị bắt vào tháng 10/2021 nhưng được tại ngoại, với mức án 9 năm tù do cơ quan công tố kêu gọi.

Vụ việc càng gây phẫn nộ khi Kim Hyun-sook, Bộ trưởng Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, phủ nhận đây là tội ác trên cơ sở giới.

Phát ngôn của Kim khiến các nhóm bảo vệ quyền phụ nữ phẫn nộ. Họ nhấn mạnh gần 80% nạn nhân bị rình rập ở Hàn Quốc là nữ giới, khiến đây không thể phủ nhận là tội ác trên cơ sở giới.

Kim cũng bị cáo buộc đổ lỗi cho nạn nhân khi cho rằng vụ giết người có thể đã không xảy ra nếu cô nhận thức rõ hơn về các biện pháp bảo vệ do Bộ của bà đưa ra.

Đại diện Kim Han-gyu của Đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc nói: “Vai trò của chính phủ là tập trung vào việc tách kẻ rình rập khỏi nạn nhân, thay vì khuyên nạn nhân làm thế nào để không bị hại. Thật sự có vấn đề khi Bộ Bình đẳng giới và Gia đình mong các nạn nhân tự bảo vệ mình”.

Phụ nữ Hàn Quốc không dám đi toilet công cộng

Sau những vụ án mạng, tấn công tình dục kinh hoàng, nhà vệ sinh công cộng trở thành nơi đáng sợ đối với phụ nữ xứ kim chi.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm