Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng chục người dân vùng cao vượt gần 100 km dự tòa

Sau nhiều lần tạm hoãn, sáng 12/12, nhiều người dân ở huyện Sơn Tây đi xe máy vượt gần 100 km đến dự phiên tòa xử vụ án cố ý làm trái liên quan đến đền bù dự án thủy điện Đăkđrinh.

Dân Quảng Ngãi khốn khổ vì vượt 100 km dự tòa xử vụ cố ý làm trái Nhiều người dân huyện vùng cao Sơn Tây phải vượt gần 100 km về TP Quảng Ngãi dự phiên tòa xử vụ cố ý làm trái liên quan đến đền bù, tái định cư thủy điện Đăkđrinh.

Ngày 12/12, TAND tỉnh Quảng Ngãi đưa vụ Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án thủy điện Đăk đrinh ra xử sơ thẩm. Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 3 ngày (12-14/12).

Liên quan vụ án này, HĐXX tiếp tục triệu tập 241 người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, sáng nay chỉ có 58 người có mặt tại phiên tòa, 183 người vắng mặt không có lý do.

Dan vung cao du toa anh 1
 Người dân vùng cao huyện Sơn Tây đến dự phiên tòa sáng 12/12. Ảnh: M.Hoàng.

Ông Đinh Văn Tem (ngụ xã Sơn Liên), cho hay phiên tòa liên tục tạm hoãn kéo dài khiến người dân đi lại tốn kém tiền bạc và vất vả, mất nhiều thời gian. "Chúng tôi phải thức dậy từ 3h chạy xe máy giữa sương mù giá lạnh trên đường núi quanh co nguy hiểm. Từ huyện Sơn Tây xuống TP Quảng Ngãi gần 100 km", ông Tem than thở. 

Còn bà Đinh Thị Bứt (ngụ xã Sơn Long), bộc bạch bà cùng cháu trai thức dậy sớm chạy xe máy mất hơn 3 giờ mới đến TP Quảng Ngãi dự phiên tòa. "Phiên tòa cứ tạm hoãn kéo dài khiến dân làng mất nhiều thời gian xuống núi dự. Ai cũng nghèo khó nên phải cùng nhau góp tiền thuê nhà nghỉ ở TP Quảng Ngãi. Mỗi phòng qua đêm phải chen chúc 6-8 người", bà Bứt nói. 

Trong số 241 người HĐXX triệu tập có hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ, lãnh đạo cấp ngành ở nhiều địa phương liên quan việc bồi thường, hỗ trợ của dự án thủy điện Đăkđrinh. Đây là vụ án có số lượng người liên quan đông nhất từ trước đến nay ở một vụ án mà TAND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra xét xử.

Theo cáo trạng, trong quá trình lập hồ sơ đền bù, tái định cư cho người dân ba xã Sơn Liên, Sơn Dung và Sơn Long (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) trong diện giải tỏa của dự án thủy điện Đăkđrinh từ năm 2008, nhiều cán bộ, lãnh đạo huyện Sơn Tây đã làm sai quy định, gây thiệt hại trên 26 tỷ đồng của Nhà nước.

Theo đó, ông Tô Cước, Phó chủ tịch UBND huyện  Sơn Tây (đã mất), cùng các phó chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư gồm: Hà Văn Tiên (Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Anh Dũng (Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây) có liên quan đến vụ án này. Ngoài ra, các bị cáo Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh, Trần Minh Việt là cán bộ địa chính các xã Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Dung cũng được xác định có liên đới.

Dan vung cao du toa anh 2
Thức dậy sớm, chạy xe máy vượt đường xa gần 100 km từ huyện Sơn Tây về TP Quảng Ngãi dự phiên tòa, quá mệt mỏi một số người tranh thủ chợp mắt trong giờ giải lao. Ảnh: M.Hoàng.

Trước đó, ngày 17/4, TAND tỉnh Quảng Ngãi đưa vụ án ra xét xử ngày song do những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, các nhân chứng trong vụ án vắng quá nhiều nên HĐXX đã hoãn phiên tòa.

Giữa tháng 5, TAND tỉnh Quảng Ngãi cũng từng đưa ra xét xử vụ án này kéo dài đến 9 ngày. Đầu tháng 6, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên bố trả lại hồ sơ vụ án thủy điện Đăkđrinh, để cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan. 

Sau đó, do bị cáo Hà Văn Tiên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Tây bị ốm nằm viện nên phiên tòa tiếp tục hoãn cho đến nay.

Điều 165 Bộ luật hình sự quy định: 

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.



Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm