Ê-kíp mổ tri ân người hiến tạng trước khi phẫu thuật. Ảnh: BVCC |
Hơn 10 ngày trước, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân L.T.S. (trú tại Hà Nam, công nhân lái máy xúc) trong tình trạng hôn mê sâu và nguy kịch.
Buổi chiều 16/10, anh bị đau đầu dữ dội, mất cảm giác và ý thức dẫn đến ngừng thở, ngừng tim. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9 lúc 21h39 cùng ngày khi đã ngừng tuần hoàn ngoại viện.
9 ngày tận lực cứu chữa
Anh S. được cấp cứu ngừng tuần hoàn tích cực. Sau cấp cứu, tim của người đàn ông đập trở lại, tái lập được tuần hoàn tự nhiên nhưng vẫn hôn mê sâu.
Sau đó, anh tiếp tục được chuyển sang Trung tâm Đột quỵ nhưng vẫn hôn mê, ngừng tuần hoàn do chảy máu dưới nhện lan tỏa mức độ nặng (Hunt Hess V) nghi ngờ vỡ dị dạng mạch não.
Các y bác sĩ trong ca phẫu thuật nhận tạng hiến từ người cho chết não. Ảnh: BVCC. |
Hội đồng hội chẩn đa chuyên khoa quyết định can thiệp nút tắc túi phình cấp cứu bằng Coils. Sau can thiệp, anh S. vẫn hôn mê sâu, sốt cao liên tục, không đáp ứng với điều trị, mặc dù được tiến hành hồi sức, chống phù não, kiểm soát điện giải, kiểm soát thân nhiệt bằng biện pháp tích cực.
Người đàn ông được chuyển lên Trung tâm hồi sức tích cực điều trị tiếp với chẩn đoán hôn mê sau ngừng tuần hoàn, xuất huyết não do vỡ phình động mạch đốt sống phải, viêm phổi.
Chuyển giao sự sống
Sau 9 ngày nỗ lực điều trị và hồi sức tích cực, tình trạng người bệnh không cải thiện, hôn mê sâu dần, mất các phản xạ và có nguy cơ chết não.
Qua nhiều cuộc hội chẩn toàn viện, với nhận định người bệnh có nguy cơ cao chết não đến gần, bệnh viện đã giải thích về tiên lượng người bệnh với gia đình. Đồng thời, các bác sĩ cũng trao đổi với gia đình về chương trình hiến mô, bộ phận cơ thể người với mục đích mang lại sự sống cho những người bệnh cần ghép tạng và ý nghĩa nhân văn cao đẹp là cứu người "cho đi là còn mãi".
Gia đình bệnh nhân S. bày tỏ nguyện vọng được hiến tạng của anh để cứu những người bệnh đang chờ ghép, mang lại sự sống cho họ. Đây là sự hy sinh quý giá, thể hiện lòng nhân ái, đem lại phép màu cho những người bệnh đang chịu đau đớn, tuyệt vọng.
5h30 ngày 26/10, anh S. được kết luận chết não.
PGS.TS Đào Xuân Cơ bày tỏ sự tri ân sâu sắc tới gia đình người hiến mô, tạng. Ảnh: Phương Anh. |
Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng Quốc gia, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế… đã phối hợp phẫu thuật lấy tạng của người bệnh để chuyển cho người nhận.
Chuyến bay ngày 26/10 đã khởi hành sớm 10 phút để kịp vận chuyển trái tim anh S. vào Bệnh viện Trung ương Huế, tiến hành ghép tim cho một người bệnh suy tim.
Gan được vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để ghép cho người bệnh suy gan. Còn 2 quả thận được các thầy thuốc của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sang triển khai ghép ngay tại Bệnh viện Bạch Mai cho hai người bệnh suy thận giai đoạn cuối.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ trong 2 ngày cuối tuần vừa rồi, 4 cuộc đời có sự sống đang tính bằng ngày đã được "hồi sinh".
Đây cũng là lần đầu tiên cơ sở y tế này triển khai thành công kỹ thuật lấy đa tạng (tim, gan, 2 quả thận) từ người cho chết não.
"Trái tim của anh L.T.S. đã đập lại trong lồng ngực của bệnh nhân được ghép. Hai bệnh nhân được ghép thận cũng đã ổn định, thận hoạt động bài tiết nước tiểu. Gan được ghép cho bệnh nhân cũng đã hoạt động và thực hiện chức năng bình thường", PGS Đào Xuân Cơ nói.
Ông Cơ cũng cho hay bệnh viện sẽ nhận chăm sóc sức khoẻ cho gia đình anh S.. Ngoài ra, đơn vị này cũng tạo điều kiện việc làm cho vợ anh S. để có thu nhập ổn định, thay anh phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi con.
Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.