Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất, hiện cơ quan này chưa nhận được thông tin liên quan của chủ sở hữu lô vũ khí lớn nhất vừa được khám phá.
Trước đó, ngày 27/7, chi cục phát hiện nghi vấn lô hàng gồm 3 kiện không có trong Manifest do Hãng hàng không Turkish Airlines vận chuyển từ Cộng hòa Séc (người gửi là Ceska Zbrojovka A.S) về sân bay Tân Sơn Nhất.
Hai ngày sau, chi cục ra quyết định khám xét số 2021/QĐ-SB, đồng thời chủ động phối hợp với Cục An ninh Kinh tế tổng hợp (Bộ Công an) kiểm tra lô hàng trước sự chứng kiến của đại diện Hãng hàng không Turkish Airlines tại TP HCM và đại diện Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC).
Kết quả kiểm tra thực tế, lực lượng phối hợp phát hiện 94 khẩu súng ngắn ký hiệu CZ P-07, được đóng trong 94 hộp của nhà sản xuất, ghi xuất xứ: Czech Repuplic.
Số súng đạn bị Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện. Ảnh: Hải quan sân bay cung cấp. |
Kiểm tra từng thùng hàng lực lượng chức năng phát hiện mỗi hộp có 1 súng kèm 1 hộp tiếp đạn 9 mm bên trong súng và 2 hộp tiếp đạn 9 mm, 1 cây thông nòng, 1 cây dụng cụ làm vệ sinh, 4 nắp nhựa và catalogue kèm 1 đĩa CD, tất cả hộp tiếp đạn không chứa đạn. Ngoài ra, còn có 284 hộp tiếp đạn rời 9 mm không chứa đạn. Trị giá hàng vi phạm khoảng 36.190 EUR (theo Invoice số 31504078 do Turkish Airlines cung cấp).
Như vậy, lô hàng được chuyển bằng đường hàng hóa thuộc diện bình thường không nằm trong trường hợp đặc biệt có giấy phép nhập khẩu của Thủ tướng. Khi Hải quan phát hiện sự việc, lô hàng đã được chuyển vào trong kho chứ không phải tìm thấy chúng trên máy bay như thông tin trước đó.
Trước thông tin lô vũ khí được Singapore nhập về từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng quá trình vận chuyển đã gửi nhầm sang Việt Nam, lãnh đạo Chi cục cho rằng điều này là cực kỳ khó, bởi theo điều 5 Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định các trường hợp hàng hóa nhập khẩu là ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc (Bảng I trong Công ước cấm vũ khí hóa học) thì không được nhầm lẫn trong quá trình nhập khẩu, gửi hàng hóa; quá trình mua bán phải qua những thủ tục và quy trình rất chặt chẽ.
“Nếu là của Singapore thì chắc chắn họ đã liên hệ với các cơ quan chức năng Việt Nam. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào lên tiếng”, lãnh đạo chi cục Hải quan khẳng định.
Cũng theo vị lãnh đạo này, tại thời điểm kiểm tra hàng hóa, đại diện Hãng hàng không Turkish Airlines tại TP HCM không xuất trình được giấy phép của Thủ tướng Chính phủ đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Hãng hàng không Turkish Airlines đã đưa vào Việt Nam vũ khí thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Căn cứ khoản 5b, khoản 6, điều 14 Nghị định 127/2013/NĐ-CP, nếu hành vi này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính theo khung phạt từ 30 triệu đến 60 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tang vật.
Lãnh đạo của chi cục cho biết, do tính chất đặc biệt nghiêm trọng toàn bộ hồ sơ vụ việc đã được bàn giao cho Bộ Công an mở rộng điều tra.