Ngoài việc thay đổi số điện thoại, các cô cũng đồng loạt đổi cả các thông tin trên mạng xã hội. Sự biến mất của các cô gái này khiến những kẻ buôn người tiếp tục… “bốc hơi”.
Vị “ân nhân” trong căn nhà số 49/40/19/16E1
Chúng tôi gặp Nguyễn T.H.Nh. (SN 1996, ngụ xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, Cần Thơ) để tìm hiểu quá trình cô bỏ nhà lên TP.HCM tìm “mối” lấy chồng Hàn Quốc (HQ). 18 tuổi, nghỉ học từ lớp 6, Nh. đã có gần bốn năm đi làm công nhân và phục vụ quán cà phê ở TP.HCM.
Do thích kết bạn qua mạng internet nên mỗi khi bạn bè rủ đi chơi, Nh. lại bỏ việc. Lần cuối cùng đi làm, Nh. xin vào một công ty thủy sản ở Cần Thơ và quen cô bạn tên Nghi.
Cuối năm 2013, sau khi Nh. đã nghỉ việc, Nghi lên thăm Nh. và hẹn gặp ở một quán cà phê tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Chỉ sau vài phút tỉ tê tâm sự, Nghi đã thuyết phục được Nh. và cho cô số điện thoại của một người đàn ông tên Chiến ở quận Tân Phú, TP.HCM. Trở về nhà, Nh. không nói cho gia đình biết ý định đi lấy chồng mà chỉ bảo với mẹ “con lên TP.HCM tìm việc làm”.
Nạn nhân Nh. |
Đầu năm 2014, Nh. gọi điện cho người đàn ông tên Chiến và tìm đến căn nhà ở số 49/40/19/16E1 Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú. Khi Nh. đến, Chiến giới thiệu một phụ nữ tên Hiền là vợ mình và cả hai nói qua cho Nh. nghe những “điều kiện” để được lấy chồng Hàn Quốc.
“Chú Chiến nhiệt tình lắm, chú với cô Hiền đã hướng dẫn em đi xin giấy chứng nhận độc thân và hộ chiếu trước khi lên thành phố. Cô chú còn cho em ở lại nhà với một số bạn nữa”, Nh. nói.
Tại căn nhà của vợ chồng Chiến - Hiền, Nh. đăng ký học thêm tiếng Hàn với cô giáo tên Mí, học phí 300.000 đồng/tháng. Lớp học có gần 20 người, đều trạc tuổi Nh. và rất háo hức được lấy chồng HQ.
Do căn nhà không đủ chỗ nên Chiến và Hiền thuê thêm ba nhà trọ khác gần đó cho các “cô dâu” tương lai ở. Không phải đóng tiền nhà, học phí rẻ, lại có người vẽ cho tương lai đầy nhung lụa, Nh. và các bạn xem Chiến - Hiền như… những ân nhân nên nhất nhất nghe lời.
Chiến buộc các cô gái khi đi đâu, gặp ai đều phải báo cáo cho “cô Hiền” biết. Các cô không được nói chuyện với người lạ. Mỗi ngày đến 22g là phải tắt điện và tuyệt đối giữ im lặng. Dù làm mọi cách để “không gây sự chú ý” nhưng bí ẩn trong căn nhà này vẫn tạo sự nghi ngờ với những gia đình chung quanh.
Cuối tháng 8/2014, sau nhiều ngày lần tìm manh mối, PV có mặt tại căn nhà số 49/40/19/16E1 Trịnh Đình Trọng nói trên. Căn nhà nằm ở gần cuối hẻm cụt, đi vòng vèo từ đường lớn qua năm ngã rẽ và phải hỏi dò nhiều người dân chúng tôi mới tìm ra. Khi chúng tôi tìm được, căn nhà lại… khóa trái cửa.
Khách sạn trên đường Phạm Đình Hổ - nơi Chiến "xe ôm" tổ chức cho người Trung Quốc tuyển vợ Việt Nam. |
Thấy chúng tôi định bỏ về, một người dân gần đó sau khi nhìn quanh đầy cảnh giác đã tiến tới rỉ tai: “Tụi nó ở trong nhà đó chú, ngoài đầu đường có "ăng-ten" mà, ai đến tìm thằng Chiến biết ngay, mấy đứa nhỏ vẫn ở trong nhà đó”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn nhà nói trên được Chiến giao toàn quyền cho một phụ nữ tên Tú coi ngó. Ngoài việc giữ con cho Chiến và Hiền, Tú còn có trách nhiệm dặn dò các “cô dâu”, sắp lịch cho “cô dâu” mỗi khi có đoàn “chú rể” hẹn xem mặt.
Mọi thỏa thuận, chỉ có Chiến, Hiền và Tú biết. Khoảng tháng 6/2014, Chiến móc nối được một nhóm môi giới từ Sơn Đông, Trung Quốc (TQ) do Hạ Vĩnh Lôi (SN 1979) dẫn đầu sang Việt Nam tìm “cô dâu”.
Từ TP.HCM, Chiến điện thoại báo cho một phụ nữ tên Sương ở Tây Ninh, là chân rết chuyên đi lừa các cô gái miền Tây để bán sang HQ, TQ. Trong lúc chờ Sương tìm thêm “nguồn hàng”, Chiến ra giá với nhóm của Hạ Vĩnh Lôi 200-250 triệu đồng cho một cô dâu được chọn.
Trước đó, Chiến cũng đã áp dụng giá này với các “khách hàng” HQ. Dù ăn tiền trên số phận các cô gái như vậy nhưng khi trở về điểm tập kết, Chiến vẫn diễn vai trò của một ân nhân, thậm chí các “con mồi” còn phải trả tiền để Chiến giúp đỡ cho xuất ngoại.
Trao đổi với chúng tôi, T.Ng. (SN 1989, ngụ Củ Chi) từng ở trong căn nhà của Chiến cho biết: “Chú Chiến tốt bụng lắm, chú hứa giúp em đi HQ theo diện hợp tác lao động mà chi phí rẻ lắm, khoảng 20 triệu đồng thôi”. Cô gái này không biết rằng, tên của mình nằm trong danh sách cung cấp vợ mà Chiến gửi cho “khách hàng” HQ với giá chào bán hàng trăm triệu đồng.
Những con thiêu thân
Cuối tháng 10/2014, đường dây mua bán người do Du Quốc Thắng (SN 1969, ngụ Bình Chánh, TP.HCM) và Nguyễn Thị Ngọc Hiền (SN 1980, quê Đồng Nai) bị CA tỉnh Tây Ninh và Cục cảnh sát Hình sự Bộ công an triệt phá.
Qua xác minh, hai cái tên Thắng và Chiến… là một - người được các nạn nhân xem như ân nhân trong suốt thời gian dài. Ngoài Chiến và Hiền, trinh sát cũng bắt khẩn cấp hai đối tượng khác là Nguyễn Thị Sương (SN 1958, quê Tây Ninh) và Nguyễn Thị Tắt (còn gọi Thu, SN 1975, quê Kiên Giang).
Nguyễn Thị Tắt và Nguyễn Thị Sương - hai “chân rết” buôn người thuộc đường dây đã bán trót lọt hơn 160 phụ nữ qua Hàn Quốc và Trung Quốc. |
Ngoài điểm tập kết cố định ở phường Phú Trung, quận Tân Phú, trinh sát còn phát hiện hàng loạt khách sạn khác ở quận 6, Tân Phú, 8… được Chiến thuê làm “sàn” môi giới mua bán người. Một trong những điểm này là khách sạn ở số 64A Phạm Đình Hổ, phường 2, quận 6.
Qua tìm hiểu của PV, các chân rết khác của đường dây này đã hoành hành suốt nhiều năm qua. Các đối tượng buôn người trưng dụng nhiều khách sạn trên đường Bãi Sậy, quận 6 để hẹn người HQ và TQ đến xem mặt cô dâu. Để tránh bị phát hiện, Chiến chỉ cho đàn em tập kết từng tốp nhỏ từ hai-ba cô dâu.
Sau khi đường dây của Chiến bị triệt phá, những cô gái từng coi Chiến là ân nhân vẫn tiếp tục hành trình dang dở, quyết tâm tìm cơ hội khác để xuất ngoại. Thậm chí, các cô còn “tinh ranh” hơn, cắt hết liên lạc với bạn bè, gia đình. Chưa hết, các cô gái cũng đồng loạt đổi cả thông tin trên mạng xã hội như Facebook, Tango… vốn thường xuyên sử dụng trước đó.
Trong số gần 20 nạn nhân đã bị dẫn dụ vào đường dây buôn người của Chiến, chúng tôi phát hiện có nhiều cô đã theo đuổi giấc mơ lấy chồng ngoại suốt ba năm. Trường hợp Lê Thị Diễm M. (SN 1993, ngụ ấp 5, xã Thuận Hòa, Long Mỹ, Hậu Giang) từ cuối năm 2012 đến năm 2013 được chính người cậu ruột của mình là ông Nguyễn Văn Phết nhiều lần môi giới và hướng dẫn làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài nhưng không thành.
Đến tháng 5/2014, ông Phết hướng dẫn M. tiếp tục làm đơn xác nhận tình trạng độc thân với lý do xin việc làm nhưng sau đó mang đến Sở tư pháp Hậu Giang để đăng ký kết hôn với người HQ thì bị cơ quan này từ chối.
Đồng thời M. cũng làm đơn xin rút lại hồ sơ xin đăng ký kết hôn với người nước ngoài vào năm 2013, sau đó về địa phương xin xác nhận lại lần hai rồi tổ chức kết hôn với người đàn ông HQ tên Seok Jimjeong (SN 1972) vào tháng 7/2014.
Sau khi đường dây môi giới của Chiến bị bóc gỡ, chúng tôi đã liên hệ gia đình M. thì mọi người trong gia đình không ai hay biết con cháu mình đang làm gì, ở đâu. Một người dì của M. cho hay, hiện chỉ biết M. đang ở TP.HCM một mình và vẫn quyết tâm lấy chồng ngoại. Tuy nhiên, gia đình không biết địa chỉ chính xác mà M. đang ở.
Trên thực tế, dù Chiến, Hiền đã bị bắt giữ, các “chân rết” còn lại của đường dây này vẫn tiếp tục điều hành và dẫn dắt các cô gái theo lộ trình ban đầu. Cho đến thời điểm này, vẫn còn hơn 10 cô gái trong đường dây của Chiến đã làm đám cưới “chui” với người HQ tiếp tục “bám trụ” ở TP.HCM.
Các cô đồng loạt thay đổi chỗ ở, trong số này có Mỹ T. (SN 1991, quê Kiên Giang), M.C. (SN 1996, quê Đồng Nai), Bé B. (SN 1993, quê Bạc Liêu). Trường hợp nạn nhân M.C. quê Đồng Nai, sau khi được cơ quan chức năng giải cứu tại một khách sạn ở TP.HCM hiện cũng đã mất liên lạc với gia đình.
Vào đầu tháng 11/2014, qua xác minh tại địa bàn quận 6, chúng tôi tìm ra địa chỉ mà M.C. tạm trú cùng bạn trai. Qua đó, M.C. cho biết, đã có người yêu nhưng gia đình ép lấy chồng HQ nên không muốn về nhà.
Đại tá Lý Hồng Sinh, Phó giám đốc công an tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay các đường dây môi giới hôn nhân trái phép hoạt động vô cùng tinh vi với chân rết rộng khắp các tỉnh thành.
Mỗi phụ nữ bán “trót lọt” sang HQ, TQ, Malaysia thành công, các đối tượng mua bán người nhận về từ 150-250 triệu đồng. Số tiền này được trích ra cho “cò mồi” từ 20-30 triệu. Nhưng đáng nói nhất, khi các cô gái nhẹ dạ xuất ngoại, phần lớn đều vỡ mộng vì lấy phải những người chồng tàn tật, tâm thần, quá lớn tuổi và cuộc sống gia đình chồng còn khổ cực hơn ở Việt Nam.
Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, hiện thành phố là điểm đến của tình trạng mua bán người ở các tỉnh phía Nam do ngày càng nhiều nạn nhân di chuyển qua sân bay Tân Sơn Nhất. Trong nhiều vụ công an TP.HCM khám phá, nhiều phụ nữ còn không chịu hợp tác do họ đã xem các đối tượng buôn người là ân nhân giúp họ đổi đời. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra không thể xử lý hình sự các đối tượng môi giới hôn nhân trái phép, trong khi đó mức xử phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng là quá thấp, không đủ sức răn đe.
Một điều tra viên chuyên thụ lý án mua bán người cho hay, mức xử phạt hành chính hiện nay không chỉ thấp mà còn khó thực hiện. Lý do, theo quy định xử phạt hành chính, thì những vụ việc liên quan đến yếu tố nước ngoài có nhiều tình tiết phức tạp (điều 66) thì có thể phải gia hạn đến 30 ngày để củng cố hồ sơ. Như vậy, đến lúc ủy ban ra quyết định xử phạt hành chính thì các đối tượng người nước ngoài buộc phải thi hành đã kịp… về nước.