Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở New York, trung tâm Getty ở Los Angeles, bảo tàng Smithsonian’s Hirshhorn và công viên điêu khắc ở Washington DC là những điểm du lịch của Mỹ đã áp dụng lệnh cấm vì lo ngại thiết bị này có thể gây nguy hiểm cho các tác phẩm nghệ thuật cũng như chính bản thân du khách.
Julie Jaskol, Phó phòng Quan hệ công chúng ở trung tâm Getty, cho biết: “Gậy selfie bị cấm do có nguy cơ làm hư hại các tác phẩm, hoặc làm du khách bị thương trong không gian hẹp”.
Một du khách chụp selfie ở quảng trường Thời Đại. |
Đại diện của bảo tàng Hirshhorn, Kelly Carnes, cũng cho biết: “Các loại chân máy ảnh, gậy selfie bị cấm sử dụng tại Hirshhorn để bảo vệ an toàn cho các tác phẩm và du khách”.
Một số các bảo tàng lớn của Mỹ, trong đó có bảo tàng Nghệ thuật Boston, phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia, bảo tàng Hàng không và vũ trụ quốc gia, bảo tàng thiết kế Cooper Hewitt ở New York, cũng như bảo tàng Nghệ thuật Dallas và bảo tàng Học viện thiết kế đảo Rhode cũng áp dụng chính sách cấm sử dụng gậy selfie.
Biển báo cấm gậy selfie của một bảo tàng. |
Trong khi các bảo tàng sợ thiết bị này làm hư hại tác phẩm trưng bày, những địa điểm khác, bao gồm các sân bóng của giải Premier League, cấm gậy selfie để phòng chống bạo lực. Elaine Sigrist của CLB Arsenal cho biết ban quản lý cho rằng gậy selfie có thể được sử dụng như một vũ khí tấn công. Phát ngôn viên của CLB cũng cho biết bất cứ thứ gì “có thể được sử dụng như vũ khí hay có nguy cơ đe dọa an toàn công cộng” sẽ không được đưa vào sân Emirates.
Năm 2014, chính phủ Hàn Quốc đã ra lệnh cấm bán gậy selfie chưa qua kiểm định do tín hiệu từ Bluetooth có thể ảnh hưởng tới các thiết bị sử dụng cùng tần số radio. Những đơn vị kinh doanh vi phạm có thể bị phạt tới 27.000 USD và 3 năm tù.