Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng loạt ngoại ngữ vào trường học

Tiếng Nhật, Hàn, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức sẽ được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông tại Hà Nội, TP.HCM.

Theo đề án “Dạy tiếng Nhật trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2016-2026”, đến năm 2026, sẽ có khoảng 300 trường tiểu học và 10.000 học sinh tiểu học được học tiếng Nhật.

Tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật là ngoại ngữ thứ nhất

Từ ngày 15/9, 4 trường tiểu học của Hà Nội và 1 trường tiểu học của TP.HCM bắt đầu khai giảng lớp học tiếng Nhật dành cho học sinh lớp 3.

Đó là các trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm), tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa), tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ), tiểu học Quốc tế Gateway (trường tư thục) ở Hà Nội và một trường ở TP.HCM là trường Quốc tế Việt Úc.

Các trường này sẽ dạy tiếng Nhật như một môn ngoại ngữ thứ nhất với thời lượng 4 tiết mỗi tuần. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), môn tiếng Nhật sẽ lần lượt nhân rộng trên cả nước, đặc biệt là những địa phương có nguyện vọng và điều kiện triển khai.

hoc ngoai ngu anh 1
Một số trường đẩy mạnh việc học ngoại ngữ trong năm học mới. Ảnh minh hoạ.

Bà Bùi Thị Diệu Ngọc - hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Du (Hà Nội) - cho hay trường này hiện thí điểm dạy tiếng Nhật với 2 lớp 3.

“Bước đầu chưa thể nói gì nhiều nhưng tôi tin học sinh sẽ hào hứng với ngoại ngữ mới này. Các cô giáo của đề án ngoại ngữ 2020 đều rất nhiệt tình với học sinh” - bà Ngọc nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Thượng (Hà Nội) - cho biết trước khi chính thức tham gia thí điểm dạy tiếng Nhật, lãnh đạo nhà trường đã họp với toàn bộ phụ huynh học sinh 2 lớp 3 tham gia thí điểm chương trình.

“Chúng tôi đã giải đáp các thắc mắc của phụ huynh về việc học này có ảnh hưởng đến các môn khác không, có nặng quá với các em hay tham gia thí điểm thì có quyền lợi gì...? Sau khi giải đáp các thắc mắc thì gần như 100% học sinh tham gia” - bà Hà cho biết.

Hiệu trưởng này cũng nói thêm hiện hai lớp thí điểm đã học được 4 giờ tiếng Nhật đầu tiên, các giáo viên rất nhiệt tình và học sinh thì khá hứng thú.

Nói thêm những băn khoăn về chất lượng giáo viên cũng như giáo trình học, bà Hà cho hay toàn bộ giáo viên tham gia thí điểm đều có được Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 tuyển chọn.

“Chúng tôi chỉ ký hợp đồng với giáo viên về thời lượng và nội dung, còn chi phí cho giáo viên trong năm đầu tiên thì Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 sẽ chi trả. Tóm lại trong năm đầu tiên, giáo viên và sách giáo khoa chúng tôi được miễn phí.

Nếu năm sau không còn bao cấp mà chương trình vẫn triển khai thì chúng tôi sẽ tiến hành xã hội hóa, tất nhiên là phải được sự đồng ý của phụ huynh học sinh” - bà Hà nói.

Theo lộ trình của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm dạy tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ nhất. Bên cạnh việc thí điểm dạy tiếng Nhật từ năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017.

Bộ cũng sớm thẩm định và ban hành chương trình này để làm cơ sở biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa và học liệu phục vụ việc dạy và học trong trường phổ thông.

Thí điểm dạy tiếng Hàn, Pháp, Đức

Theo Bộ GD&ĐT, tiếng Hàn, tiếng Pháp sẽ được thí điểm giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai. Năm học 2016-2017, tiếng Hàn được thí điểm ở lớp 6 và lớp 10 tại một số trường có nguyện vọng ở Hà Nội và TP.HCM.

Giai đoạn 2017-2025, ngoại ngữ này sẽ lần lượt được triển khai ở các lớp tiếp theo của cấp THCS và cấp THPT. Sau thí điểm, các trường có đủ điều kiện và nhu cầu thì có thể tiếp tục duy trì việc dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ thứ hai.

Từ năm học 2016-2017, Bộ GD&ĐT cũng sẽ chuẩn bị triển khai dạy học thí điểm chương trình tiếng Đức như ngoại ngữ thứ hai, để tới năm sau triển khai dạy tiếng Đức từ lớp 6 ở các địa phương đang tiến hành giảng dạy môn này (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng), sau đó lần lượt mở rộng tới các địa phương khác.

Môn tiếng Pháp cũng được xác định giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai theo hướng: đổi mới chương trình song ngữ tiếng Pháp từ cấp tiểu học đến THPT theo hướng tinh giản và hiện đại hóa; hoàn thiện bộ sách tiếng Pháp ngoại ngữ 2 quyển 1 với sự hợp tác của tổ chức quốc tế Pháp ngữ phù hợp với bối cảnh Việt Nam; tiếp tục củng cố và phát triển 4 chương trình giảng dạy tiếng Pháp: ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, chuyên ngữ và song ngữ...

Hiện nay tại TP.HCM, các trường phổ thông đang dạy ngoại ngữ thứ hai các môn tiếng Pháp, Đức, Nhật, Trung và nay thêm tiếng Hàn. Riêng tiếng Hàn có khoảng hơn 500 học sinh theo học tiếng Hàn trong 4 trường, gồm THCS Hoa Lư (quận 9), THCS Bình Thọ (quận Thủ Đức), trường THPT Thủ Đức và trường THPT Bùi Thị Xuân.

Từ năm học 2016-2017, TP.HCM bắt đầu thí điểm dạy tiếng Hàn trong các trường THCS và THPT. Tuy nhiên, việc thí điểm dạy tiếng Hàn trong các trường phổ thông ở TP.HCM hiện vẫn gặp nhiều khó khăn như chưa có biên chế chính thức về giáo viên tiếng Hàn như là ngoại ngữ thứ hai, sĩ số lớp học đông, các trường chưa có phòng học chuẩn cho dạy ngoại ngữ thứ hai, chưa biết cách tính điểm tiếng Hàn thế nào cho hợp lý...

Theo bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Phó trưởng Ban Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD&ĐT), tùy theo tình hình thực tế của mỗi trường, các trường có thể chọn lựa cách tính điểm tiếng Hàn cho học sinh như một môn học bình thường của học sinh trong bậc phổ thông hoặc cũng có thể cộng điểm ưu tiên vào ngoại ngữ thứ nhất (tiếng Anh) khi học sinh học thêm tiếng Hàn.

Theo báo cáo tổng kết năm học 2015-2016 của Sở GD&ĐT TP.HCM, việc tổ chức dạy học tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung tiếp tục nhận được sự quan tâm và phát triển. Năm học 2015-2016, đã phối hợp với Đại sứ quán Đức và tổ chức ZFA triển khai dạy học ngoại ngữ thứ nhất tiếng Đức (5 tiết/tuần) cho 42 học sinh khối 6 trường THCS Lê Quý Đôn.

Tùy tình hình mỗi tỉnh để dạy ngoại ngữ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 trước mắt tập trung vào nâng cao chất lượng tiếng Anh và khuyến khích các tỉnh tùy vào tình hình thực tế để dạy học thêm các ngoại ngữ khác.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nhấn mạnh việc học ngoại ngữ muốn tiến triển nhanh thì người học cần phải được mở rộng giao lưu với giáo viên bản ngữ, sinh viên nước ngoài. Học tiếng gì phải tiếp cận với người nói tiếng đó.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết kinh phí để thực hiện thí điểm giảng dạy các ngoại ngữ trên là kinh phí thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo phần cấp ngân sách hiện hành và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Đề án 10.000 tỷ đồng và tranh luận dạy tiếng Nga, Trung Quốc

Theo độc giả Lê Nguyên, giới trẻ hội nhập cần giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp. Vì vậy, việc dạy tiếng Nga và tiếng Trung Quốc trong trường phổ thông là lạc hậu.

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hang-loat-ngoai-ngu-vao-truong-hoc-20160919223448158.htm

Theo Yến Anh - Đặng Trinh/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm