Quyền bản quyền tác giả tại Việt Nam là vấn đề được quan tâm trong nhiều năm qua. Bên cạnh việc các tác giả bị xâm hại tác phẩm, vi phạm bản quyền (đạo nhạc)… một vấn đề nổi cộm khác chính là việc không trả tiền tác quyền cho các nhạc sĩ, người hoạt động sáng tác.
Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đại diện cho 3,5 nghìn tác giả trong nước và hơn 3 triệu tác giả trên thế giới vẫn chưa quản lý tốt được vấn đề này.
Tăng trưởng cao, thất thoát không ít
2015 là năm khá “ăn nên làm ra” của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với tổng số tiền thu được hơn 69 tỷ đồng chưa bao gồm thuế VAT, tăng 12,9% so với tổng số tiền thu được năm 2014. Những thông tin này được nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC đưa ra trong buổi gặp báo chí sáng 29/1.
Số tiền Trung tâm tiến hành nhập liệu phân phối, trích hành chính và chi trả cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (trong và ngoài nước) là 62,1 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm trước. Theo đó, người nhận ít nhất là 319.000 đồng; người nhận nhiều nhất là 623 triệu đồng trong năm 2015.
Nhìn vào bản tổng kết đưa ra, nhiều người có thể thấy có sự tăng trưởng rõ ràng. Nhạc sĩ Phó Đức Phương tự tin khẳng định: “Trong hoàn cảnh khó khăn nhưng trung tâm đã vượt được ba tổ chức của các nước trong khu vực về thu nhập như Thái Lan, Phillipines và Indonesia. Tuy nhiên trung tâm bảo vệ quyền tác giả tại các nước này thành lập gấp đôi thời gian so với Việt Nam”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam |
Để đạt được tăng trưởng này, VCPMC đã đưa vào hai thác một số lĩnh vực mới và đạt doanh số cao như karaoke file midi (đạt 8,8 tỷ đồng), phòng karaoke - phòng thu âm (đạt 7,5 tỷ đồng)... Tuy nhiên, các lĩnh vực khai thác trong nhiều năm qua lại có sự sụt giảm. Tiền tác quyền từ các vũ trường, phòng trà giảm 26%; trang web và ứng dụng nghe nhạc giảm 12%; nhạc chuông, nhạc chờ giảm 9%...
Tăng trưởng vượt quá chỉ tiêu nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng tốc độ còn chậm và bị thất thoát rất nhiều tiền bạc, ảnh hưởng trực tiếp đến người sáng tác. Ông cho biết: “Trong các năm vừa qua, có hàng nghìn chương trình biểu diễn không trả tiền tác quyền cho tác giả. Có rất nhiều chương trình được cấp phép nhưng lại chây lười hoặc không chi trả tiền cho các nhạc sĩ”.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đưa ra ví dụ cụ thể: “Một chương trình biểu diễn ca nhạc lớn tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội hay SVĐ quốc gia Mỹ Đình là 200 triệu đồng. Mức đóng tiền tác quyền tác giả này dựa trên số phần trăm thu nhập được từ bán vé. Tuy nhiên, các đơn vị tổ chức lần lữa trong việc chi trả. Thậm chí, họ đặt ra mức giá 50 triệu đồng trong khi họ phải đóng gấp 4 lần như vậy”.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng tiền tác quyền âm nhạc thu được mới chỉ bằng 1/10 con số thực tế. “Với dân số và thu nhập bình quân của người dân thì trung tâm phải thu được tiền bản quyền cho các tác giả trong và ngoài nước là 30 triệu USD/năm, gấp khoảng 10 lần” – ông cho biết.
Khó khăn trong việc quản lý
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết, tình trạng thất thoát nhiều tiền của, ảnh hưởng trực tiếp đến các tác giả là do VCPMC gặp khó khăn nhiều mặt trong việc quản lý.
Trước tiên, đó chính là nghị định 79/2012/NĐ-CP đã phần nào khiến cho các đơn vị tổ chức, cá nhân chây lười trong việc thể hiện nghĩa vụ của mình khi sử dụng tác phẩm của người khác. VCPMC đang kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những sửa đổi trong việc cấp phép biểu diễn nhằm không "để lọt" việc thất thoát việc đóng tiền tác quyền.
"Phải có tiếng nói của các nhạc sĩ còn một mình trung tâm chưa thể thực hiện được triệt để về trả tiền bản quyền tác giả. Chúng tôi đại diện gần 3.500 nhạc sĩ trong nước và gần 3 triệu tác giả thế giới cùng tham gia công ước Bern... Lắm lúc chúng tôi thấy đơn độc quá" - ông Phó Đức Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng thẳng thắn thừa nhận về những khó khăn trong nghiệp vụ, triển khai. "Chúng tôi đã và đang mời thêm chuyên gia từ bên ngoài để hỗ trợ trung tâm thực hiện tốt nhất có thể các hoạt động nghiệp vụ này" - ông cho biết.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 5 năm liên tục nhận tiền bản quyền tác giả cao nhất. |
Ngoài những khó khăn trong chính Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả kể trên, sự phát triển của truyền thông, kỹ thuật cũng gây khó khăn không nhỏ trong việc quản lý quyền tác giả. Các dịch vụ truyền hình trả tiền; chương trình âm nhạc mua bản quyền nước ngoài hay các website, ứng dụng nghe nhạc trực tuyến phát triển chóng mặt cũng là thách thức.
Tuy vậy, vấn đề thất thoát tiền bản quyền tác giả đang có những dấu hiệu khả quan hơn. Ngoài Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đi đầu, còn có những tổ chức khác đi sau như Hiệp hội ghi âm, Hiệp hội quyền tác giả văn học, Hiệp hội sao chép và sắp tới là Hiệp hội những người biểu diễn sẽ cùng vào cuộc về vấn đề này.