Từ 7h sáng 23/6, hơn 250 cán bộ, giảng viên ĐH Luật TP.HCM đã tập trung tại trường để lên xe di chuyển về địa phương. Năm nay, cán bộ, giảng viên ĐH Luật TP.HCM sẽ "làm thi" tại tỉnh Sóc Trăng.
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết tất cả cán bộ, giảng viên đều về địa phương trong sáng nay. Thầy cô sẽ có mặt tại khách sạn hoặc nhà nghỉ gần điểm thi.
Giảng viên ĐH Sài Gòn về các tỉnh làm nhiệm vụ thi THPT quốc gia 2019. |
Cũng theo ông Hiển, sau khi thi xong, 26 cán bộ ở lại tiếp tục tham gia ban chấm thi. “Trường đã phối hợp Sở GD&ĐT Sóc Trăng chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giảng viên. Mọi di chuyển của cán bộ từ chỗ ở tới điểm thi đều có xe đưa rước tập trung”, ông Hiển nói.
Cũng trong sáng nay, hơn 500 giảng viên, cán bộ ĐH Kinh tế TP.HCM cũng lên đường về tỉnh Vĩnh Long.
Thạc sĩ Thái Kim Phụng - Phó trưởng khoa Công nghệ Thông tin - Kinh doanh - người giữ vai trò phó trưởng điểm thi tại Vĩnh Long - chia sẻ so với năm nay, Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều quy định chặt chẽ hơn nên giảng viên có trọng trách và áp lực lớn hơn.
ĐH Kinh tế TP.HCM phụ trách coi thi tại 18/23 điểm, trong đó có một thành phố và 5 huyện trực thuộc tỉnh.
Trong sáng 23/6, Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh đã điều động 9 ôtô lên tận ĐH Sài Gòn chở cán bộ, giảng viên về địa phương này làm nhiệm vụ tại 25 điểm thi của tỉnh.
Đoàn công tác có 353 cán bộ, giảng viên làm công tác coi thi, 20 cán bộ làm công tác thanh tra, 15 người chấm thi trắc nghiệm, 9 cán bộ phụ trách phúc khảo bài thi trắc nghiệm.
Tuy nhiên, để hỗ trợ việc di chuyển từ điểm thi về các chỗ ăn ngủ, ĐH Sài Gòn đã điều 5 xe trường và thuê thêm 10 xe tại Trà Vinh để hỗ trợ đưa đón.
PGS.TS Phạm Hoàng Quân - Hiệu trưởng ĐH Sài Gòn - dặn dò, động viên các cán bộ, giảng viên đi làm nhiệm vụ coi thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: ĐH Sài Gòn. |
Kỳ thi THPT quốc gia 2019 diễn ra trong 3 ngày, từ 25 đến 27/6, như năm 2018. Chiều 24/6, thí sinh sẽ đến trường thi làm thủ tục, nghe phổ biến quy chế.
Trước đó, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT - cho biết đề thi THPT quốc gia 2019 được xây dựng theo ngưỡng vừa cơ bản để đạt mục đích xét tốt nghiệp, đồng thời sẽ có độ phân hóa phù hợp để xét tuyển ĐH, CĐ.
Độ phân hóa của đề thi nằm chủ yếu lớp 12. Thí sinh có thể yên tâm, đề thi tham khảo vừa công bố có giá trị tham khảo, định hướng rất tốt cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh trong nhà trường.
Lịch thi THPT quốc gia 2019. |