S
au mỗi học kỳ, các trường đại học thường đưa ra cảnh báo học vụ hoặc buộc thôi học những sinh viên có kết quả học tập kém. Những con số sinh viên bị đuổi học lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn khiến nhiều người hoang mang về chất lượng giáo dục đại học cũng như trình độ sinh viên.
Trao đổi với Zing.vn, TS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Công tác Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, đề cập thực trạng sinh viên bị đuổi học do kết quả học tập kém, cũng như công tác siết đầu ra để đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.
Nguyên nhân chính nằm ở sinh viên
- Vừa rồi, hàng nghìn sinh viên bị đuổi học do kết quả quá thấp. Liệu nguyên nhân chính nằm ở chương trình quá nặng hay do sinh viên lười, kém?
- Về nguyên nhân, các trường chắc chắn nắm rõ hơn. Nhưng theo tôi, tình trạng này xuất phát từ nhiều lý do.
Chương trình học nặng hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn của sinh viên. Hiện nay, các trường tự chủ về chương trình đào tạo. Đặc biệt, với hình thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên hoàn toàn có thể lựa chọn chương trình học phù hợp, để không ảnh hưởng kết quả chung.
Nhiều học sinh phổ thông chọn nghề theo cảm tính. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Ngoài ra, vấn đề còn nằm ở sinh viên không biết cách sắp xếp công việc, lịch trình học tập của mình trong quá trình học, dẫn đến quá tải. Đây là lỗi của sinh viên, không phải của nhà trường.
Chuyện nhiều sinh viên bị đuổi hoặc chủ động bỏ học ở năm nhất, năm hai còn liên quan yếu tố chọn nghề. Khi học ở phổ thông, phần lớn học sinh chọn nghề một cách chủ quan, dựa trên yếu tố hình thức bề ngoài của nghề mà không hiểu nghề đó cần học những gì.
Ví dụ, nhiều bạn năng lực kỹ thuật không tốt nhưng chọn ĐH Bách khoa, ngành Cơ khí vì thích. Một số bạn thiếu năng lực sáng tạo, không có khả năng về nghệ thuật lại theo học những trường liên quan nghệ thuật. Nếu vậy, các bạn sẽ phải bỏ dở quá trình học tập.
Một nguyên nhân khác là sinh viên lao vào kiếm tiền, làm thêm, chơi bời. Các em không biết cách kiểm soát thời gian, dẫn đến bỏ bê học hành. Số lượng sinh viên kém rơi vào trường hợp này cũng nhiều.
- Liên quan vấn đề chọn chương trình học, ông nghĩ như thế nào về ý kiến cho rằng nhiều trường nước ta chưa có cố vấn học tập giúp sinh viên chọn chương trình phù hợp?
- Trên thực tế, ĐH Quốc gia Hà Nội có nhiều hội thảo, chương trình tư vấn, cố vấn học tập rất tốt. ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có các chương trình tương tự.
Nhưng sự cố vấn đó chỉ ảnh hưởng một phần. Quan trọng nhất, sinh viên phải tự xây dựng lịch trình học tập hiệu quả, phù hợp với bản thân.
- Một số ý kiến cho rằng việc loại sinh viên yếu là cần thiết, nhiều trường đã thực hiện từ lâu, hiện nay càng cần phải đẩy mạnh quá trình sàng lọc. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Đây là thực trạng của giáo dục nước ta hiện nay.
Thực ra, nếu so sánh thì trước đây, khi đào tạo theo niên chế, số lượng sinh viên bị đuổi học rất ít. Song chuyển sang hình thức tín chỉ, các bạn không biết kiểm soát thời gian khiến tiến trình học tập bị ảnh hưởng rất nhiều.
Việc đẩy mạnh công tác sàng lọc trong quá trình đào tạo là cách làm phù hợp. Nó giúp sinh viên hiểu rằng việc học đại học không đơn giản như ở phổ thông, phải chủ động hơn trong quá trình học tập của mình.
Cố giữ sinh viên vì kinh tế
- Đức miễn học phí ĐH, không tuyển sinh đầu vào nhưng chỉ 30%-50% sinh viên có thể tốt nghiệp. Nhiều trường công lập ở Mỹ cũng nhận 100% đơn đăng ký nhưng chưa đến 10%, thậm chí có trường chỉ 4% sinh viên, có thể nhận bằng. Liệu nước ta có nên áp dụng cách tương tự, tức mở đầu vào, siết đầu ra, chấm dứt tình trạng “nương tay” để sinh viên có thể tốt nghiệp?
- Bản chất của đại học là tự học, tự sắp xếp thời gian cho mình. Sinh viên đều 18 tuổi rồi, các bạn hoàn toàn chủ động trong việc quyết định và tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, không ai gò ép.
Nhiều đại học công lập ở Mỹ có tỷ lệ tốt nghiệp dưới 10%. Ảnh: Nguyễn Sương. |
Vì suy nghĩ đó, quản lý ở trường học cũng “lỏng lẻo" hơn rất nhiều. Lỏng lẻo không có nghĩa vô trách nhiệm mà không kiểm soát chặt chẽ như ở cấp phổ thông.
Học phổ thông, các bạn bị kiểm soát rất chặt về những quy định như kiểm tra đầu giờ, kiểm tra 15 phút, một tiết, học kỳ. Kiểm tra liên tục là hình thức để kiểm soát học sinh.
Lên đại học, mỗi môn chỉ có hai đầu điểm giữa kỳ và cuối kỳ. Điểm cuối kỳ tính theo hệ số A, B, C, sinh viên chỉ cần 4 điểm là qua. Như vậy, việc kiểm tra rất nhẹ nhàng.
Nhưng khi được thả lỏng mức độ kiểm soát, sinh viên càng cần chủ động, tích cực vì thị trường lao động ngày nay chỉ cần những người làm việc có chất lượng chứ không cần những người có bằng cấp.
Do đó, các trường phương Tây (Việt Nam đang học tập) thực hiện mở đầu vào, thắt chặt quá trình đào tạo. Những sinh viên không đạt yêu cầu thì chấp nhận không thể tốt nghiệp.
Theo tôi, đây là cách làm phù hợp. Nó khác biệt so với tư duy của phần lớn sinh viên nước ta - cứ vào đại học là có thể ra. Lối tư duy này cần được thay đổi.
- Ông đề xuất phương pháp siết đầu ra nào có thể áp dụng cho đại học nước ta?
- Thực ra, hiện tại, nhiều trường ở nước ta đang thực hiện siết đầu ra. Trước mắt, họ xây dựng chuẩn đầu ra đối với sinh viên học tập tại trường. Các bạn phải đạt được cái ngưỡng tối thiểu, ví dụ như tiếng Anh đạt IELTS 5 hay 6, tin học đạt chuẩn quốc tế. Tương tự, các môn học cũng có ngưỡng đảm bảo chất lượng.
Sinh viên cần thay đổi quan niệm cứ vào đại học là có thể tốt nghiệp. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Sinh viên có thể chủ động trong việc học tại nhà, ở trường hay học nhóm, phương pháp học tùy thuộc các bạn. Nhà trường căn cứ chuẩn chung để đánh giá và xét tốt nghiệp.
Ngoài ra, các trường nên tham gia kiểm định đại học để có phương pháp kiểm tra đánh giá, sàng lọc một cách hiệu quả nhất.
Về phần sinh viên, các bạn cần thay đổi nhận thức và tư duy học tập của mình.
- Trong xu thế tự chủ đại học, các trường tự lo nồi cơm của mình. Việc tuyển sinh cũng không dễ, nhiều trường hạ điểm vẫn không tuyển đủ thí sinh. Đuổi sinh viên sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của trường. Liệu đây có phải nguyên nhân khiến nhiều đại học không mặn mà với việc siết đầu ra và chấp nhận châm chước sinh viên trong quá trình đào tạo?
- Tình trạng này thực sự có tồn tại ở nước ta. Về lâu về dài, trường châm chước trong đào tạo tức là tự hại trường. Việc sinh viên ra trường không tìm được việc hoặc không đảm bảo chuyên môn sẽ ảnh hưởng tới uy tín và công tác tuyển sinh của trường sau này.
Nhưng trên thực tế, một số trường, cả dân lập lẫn công lập, khó tuyển sinh, bao gồm công lập, cố gắng giữ sinh viên. Chính công tác quản lý lỏng lẻo này dẫn đến tình trạng chất lượng sinh viên ra trường kém.
Vì thế, tôi cho rằng cần tăng cường kiểm định chất lượng đại học, có những chương trình kiểm định độc lập để đảm bảo được chất lượng. Việc để các trường tự quyết về kỷ luật sinh viên ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đầu ra của sinh viên.