Con cua luộc cân nặng 1,2 kg sau khi luộc, cân lại còn 420 gram (tất nhiên, thực khách vẫn phải trả tiền với giá của con cua 1,2 kg). Xích lô dù chặt chém, cướp giật tiền du khách. Khách du lịch bị đánh vì phản ánh cân hải sản thiếu. Người bán hàng bản địa ép khách mua dừa với giá 200 ngàn đồng một quả...
Những hiện tượng buồn của ngành du lịch đang được báo chí đăng tải liên tiếp trong lúc ngành này đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 55 năm thành lập (9/ 7/ 1960 - 9/ 7/ 2015).
Thực tế, những vụ việc “chặt chém” như trên không phải lần đầu diễn ra. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi mùa du lịch, các thông tin nhức nhối về ngành công nghiệp không khói lại lan tràn khắp các trang báo. Sau mỗi đợt dư luận dậy sóng, ngành du lịch các địa phương lại đưa ra hàng loạt giải pháp nghe chừng rốt ráo....
Song, mọi chuyện chẳng cải thiện nhiều. Khi những vết nhơ về du lịch của năm trước chưa gột sạch, những mảng tối khác đã lại lan tràn. Các khu du lịch trong “danh sách đen” về chặt chém chưa kịp lấy lại lòng tin từ du khách thì các khu khác lại trở thành tâm điểm của bức xúc.
Hang Sơn Đoòng. Ảnh: TTXVN. |
Trong một câu chuyện khác liên quan tới du lịch, ngày 13/5/2015, nước Mỹ tỉnh dậy và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng phát trong chương trình Good morning, America trên kênh ABC News. Người Việt cũng nức lòng vì vẻ đẹp giang sơn gấm vóc được bạn bè quốc tế ghi nhận. Hơn thế, đó cũng là cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh thúc đẩy du lịch Việt Nam.
Và chúng ta đã nắm bắt rất tốt cơ hội ấy. Sau khi được giới thiệu trên ABC News, số lượng du khách nước ngoài đặt tour thám hiểm Sơn Đoòng tăng vọt (và họ sẵn sàng xếp hàng đợi tới vài năm để đến lượt).
Nhưng cầm vàng đừng để vàng rơi. Mẹ thiên nhiên đã rộng lượng ban cho Việt Nam Sơn Đoòng. Những người có trách nhiệm về Sơn Đoòng đã hoàn thành chức phận khi biến cơ hội vàng thành hiện kim về cho đất nước. Song, những hình ảnh Sơn Đoòng phát đi trên truyền hình Mỹ còn đem lại những lợi tức ngoài vật chất. Ánh hào quang của hang động kỳ vĩ nhất thế giới đang mở ra những triển vọng mới cho du lịch Việt. Vấn đề đặt ra với nhà chức trách là phải làm sao để tối ưu hóa hình ảnh Sơn Đoòng như biểu tượng cho một quốc gia với thiên nhiên trù phú, đa dạng.
Tuy nhiên, khách du lịch sẽ nghĩ sao về một quốc gia thiên nhiên tốt tươi mà lòng người cằn cỗi? Cảnh quan kỳ vĩ mà lòng người chật hẹp? Hải sản thanh, ngọt mà hóa đơn “chát” tới khó hiểu?
Dễ hình dung, nếu cứ kịch bản này, Sơn Đoòng chẳng thể “cứu” thực trạng du khách quốc tế một đi không trở lại. Thậm chí, chính bản thân du lịch Sơn Đoòng còn bị ảnh hưởng vì những tiếng xấu của du lịch Việt. Và việc hang Sơn Đoòng được chiếu trên truyền hình Mỹ mãi chỉ là một hiện tượng, một điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh du lịch tối tăm về hành vi ứng xử của con người.
Hay nói như thuyết “Hiệu ứng cánh bướm”: Con cua luộc 420 gram có thể đục sập hang Sơn Đoòng.