Theo rà soát của UBND huyện Vĩnh Lộc, 376 người có hợp đồng giáo viên, nhân viên tại các trường học (gồm các khối mầm non, tiểu học, THCS). Toàn bộ số hợp đồng này hết hạn từ ngày 30/6.
Ngày 27/6, UBND huyện Vĩnh Lộc có công văn về việc xin ý kiến hướng giải quyết số hợp đồng lao động tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Đến ngày 28/6, UBND huyện Vĩnh Lộc ra thông báo không ký lại hợp đồng lao động với những người (hết hạn hợp đồng) đang làm việc tại các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, trường học thuộc UBND huyện quản lý, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Nhiều giáo viên ở Thanh Hóa lo lắng trước nguy cơ thất nghiệp. Ảnh: N.D. |
Theo trình bày của nhiều giáo viên, từ khi UBND huyện ra thông báo không ký lại hợp đồng lao động, tâm lý của họ vô cùng hoang mang, vì cuộc sống trước mắt sẽ gặp khó khăn.
Phần lớn giáo viên có nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương. Trong số đó, có những người thâm niên giảng dạy hàng chục năm.
Nhiều giáo viên có tuổi, tìm việc làm khác không dễ. Đặc biệt, có trường hợp cả vợ chồng cùng làm giáo viên hợp đồng. Điển hình là trường hợp anh Trịnh Hồng Thước (47 tuổi, giáo viên Thể dục, trường THCS Vĩnh Phúc) và vợ là giáo viên hợp đồng lâu năm.
"Giờ bị dừng ký hợp đồng, chúng tôi không biết làm gì. Có đi xin làm công nhân chắc họ cũng không nhận, vì chỉ tuyển người trẻ, nhanh nhẹn" - anh Thước nói.
Ông Nguyễn Văn Tâm – Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, huyện đang lên kế hoạch xây dựng cơ chế hỗ trợ có lợi cho người lao động trong thời gian tìm công việc mới theo đúng quy định của pháp luật.