Hàng Trung Quốc 'tấn công' phim Hollywood
Các thương hiệu Trung Quốc sẵn sàng chi bộn tiền để có cơ hội "đánh bóng" hình ảnh trong những bộ phim của kinh đô điện ảnh.
Ở cái thời mà quảng cáo trên truyền hình, báo chí đã trở nên lỗi thời thì bạn có thể tin rằng những thương hiệu trong phim không phải được xuất hiện một cách tình cờ. Chúng cũng không hẳn được xây dựng dựa trên đặc tính của nhân vật mà có thể vì một hợp đồng sắp xếp nào đó. Các chuyên gia marketing gọi đó là Product Placement (PP) - một cách lồng ghép khéo léo hình ảnh thương hiệu vào nội dung phim.
Thông thường, phim Hollywood thường là "màn phô diễn" của những thương hiệu biểu tượng của đất nước cờ hoa như Ford, Coca-Cola hay Apple. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một làn sóng mới đang dần phát triển, những bộ phim và chương trình truyền hình Mỹ bắt đầu nhận được đơn đặt hàng của các công ty ở cách xa nửa vòng trái đất - Trung Quốc.
Chẳng hạn, những tập gần đây của bộ phim truyền hình The big bang theory, người xem có thể thấy thấp thoáng bóng dáng nhãn sữa Shuhua - một sản phẩm của tập đoàn Trung Quốc Yili. Transformers: Dark of the moon cũng có Shuhua và rất nhiều sản phẩm Trung Quốc khác như quần áo Meters/Bonwe, máy tính Lenovo, TCL. Công ty điện tử Trung Quốc này cũng đã ký kết là đối tác marketing cho bom tấn Iron man 3 dự kiến ra mắt vào mùa hè năm tới. Còn trước đó, với Iron Man 2, công ty thời trang Semir của Trung Quốc cũng là một nhà tài trợ chính của phim và là hãng cung cấp trang phục cho nhân vật Góa phụ đen của Scarlett Johansson.
Máy tính Lenovo trong phim Transformers. |
Góa phụ đen (Black Widow) mặc đồ Semir. |
"Người Trung Quốc thích được nhìn thấy các thương hiệu Trung Quốc trên truyền thông Mỹ. Nó giúp "đánh bóng" hình ảnh của thương hiệu ở nội địa" - Janie Ma, giám đốc marketing giải trí của công ty Ogilvy Bắc Kinh, nhận xét.
Từ nhiều năm nay, các công ty Trung Quốc vẫn trả tiền để được xuất hiện trong phim. Đôi khi số tiền này giúp các nhà sản xuất trả tới 30% chi phí làm phim. Trong "siêu phẩm" Thiên hạ vô tặc (A world without thieves) của Phùng Tiểu Cương, có rất nhiều thương hiệu như BMW, Nokia, Canon... Tuy nhiên, không phải lúc nào các thương hiệu cũng được xuất hiện với một hình ảnh đẹp mắt, tích cực. Chẳng hạn, như trong bộ phim hài Crazy stone (2006), một thùng Coke từ trên trời rơi xuống đập vào chiếc xe tải và làm nó đâm vào một chiếc BMW.
Tình trạng bão hòa của những bộ phim nội địa cộng với tính toàn cầu của Hollywood đã tạo nên "cuộc di cư" của thương hiệu Trung Quốc sang những bộ phim của kinh độ điện ảnh.
"Những bộ phim Hollywood có lợi thế về chất lượng, doanh thu và hoạt động quảng bá" - Xie Wei, giám đốc thương hiệu của Meters/Bonwe phát biểu.
Với việc các bộ phim Hollywood thống trị rạp chiếu Trung Quốc như hiện nay, việc đặt thương hiệu trong những bộ phim này sẽ đảm bảo thương hiệu đến được với nhiều người hơn.
Một vài con số cho thấy chiến lược này có phát huy tác dụng. Năm 2011, trong Transformers: Dark of the moon có cảnh một nhà khoa học người Trung Quốc cầm hộp sữa Shuhua, đứng trong thang máy với Shia LaBeouf. Trong bản phim phát hành ở quốc gia này, người đàn ông đó có nói câu "Để tôi uống xong hộp sữa Shuhua này đã". Và chỉ với câu thoại này, doanh số của Shuhua Milk năm ngoái đã tăng tới 12%.
Hình ảnh sữa Shuhua trong Transformers. |
Việc xuất hiện trong phần Transformers trước đó - Transformers: Revenge of the fallen - cũng đem lại lợi nhuận cho Meters/Bonwe. Chỉ trong tuần đầu tiên khi bộ phim này ra mắt năm 2009, cửa hàng Meters/Bonwe ở Thượng Hải đã bán được hơn 10.000 chiếc áo phông Transformers.
"Một trong những mục tiêu của việc đặt thương hiệu trong phim là giúp thương hiệu 'hoành tráng' hơn trong mắt người tiêu dùng. Ở một vài khía cạnh, không gì tốt hơn là đặt vào trong tác phẩm của Michael Bay" - Morgan Spurlock, đạo diễn bộ phim tài liệu The greatest movie ever sold và là một chuyên gia về PP, phát biểu.
Những chiếc áo Transfomers của Meters/bonwe từng rất ăn khách. |
Tuy nhiên, không phải lúc nào kế hoạch của các nhà marketing cũng nhận được phản ứng tích cực từ người tiêu dùng.
"Thật là rùng mình khi xem Transformers 3. Một anh hùng - người làm việc cho một công ty lớn của Mỹ chuyên về quốc phòng - mà lại sử dụng máy tính Lenovo? Và người ở đó còn uống sữa Shuhua của Trung Quốc?" - một cư dân mạng bất bình khi chia sẻ trên trang blog Weibo.
Tong Xi - giám đốc marketing của tờ tạp chí Cosmo Bride - cũng bày tỏ sự đồng tình: "Một ngày tươi đẹp bắt đầu với hộp sữa Shuhua? Thật đáng xấu hổ. Nó không chỉ làm mất hình ảnh của thương hiệu mà còn làm hỏng luôn Transformers: Dark of the moon".
Bên cạnh đó, việc đầu tư vào phim Hollywood đối với các thương hiệu Trung Quốc vẫn còn là một hoạt động kinh doanh rủi ro nếu mục tiêu chính là nhắm đến người tiêu dùng nội địa. Bởi lẽ, không có gì đảm bảo là bộ phim sẽ được chiếu ở Trung Quốc. Một phần vì hệ thống kiểm duyệt phim khắt khe ở quốc gia này và một phần là quy định hạn chế xuất chiếu đối với những bộ phim nước ngoài.
Hồng Giang
Theo Infonet