Hôm 26/5, cảnh sát Hàn Quốc đã bắt giữ người đàn ông 30 tuổi tự ý mở cửa thoát hiểm khi máy bay đang ở độ cao 250 m, chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Daegu, theo Yonhap.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ Giao thông Vận tải nước này xác nhận đang điều tra người đàn ông vì vi phạm luật hàng không.
Tuyên bố cho biết bất kỳ ai vi phạm Đạo luật An ninh Hàng không của Hàn Quốc, bao gồm hành khách tự ý điều khiển cửa, lối ra hoặc thiết bị bên trong máy bay, có thể bị truy tố và kết án tới 10 năm tù.
Bộ cũng cho biết đã cử cán bộ giám sát an toàn hàng không đến hiện trường để kiểm tra xem có bất thường trong bảo dưỡng máy bay hay không.
Người đàn ông bị bắt vì tự ý mở cửa thoát hiểm trên máy bay. Ảnh: Yonhap. |
Máy bay được xác định trên trang web theo dõi Flightradar 24 là Airbus 321. Chiếc máy bay thuộc hãng Asiana Airlines đang trên hành trình từ đảo Jeju, ngoài khơi bờ biển phía nam của Hàn Quốc, tới Daegu.
194 hành khách đều sống sót, nhưng khoảng 12 người đã được đưa đến bệnh viện, sau khi ngất xỉu hoặc khó thở.
Người đàn ông 30 tuổi bị bắt đã khai với cảnh sát rằng mình cảm thấy ngột ngạt và muốn nhanh chóng rời khỏi máy bay. Người đàn ông đi một mình, không say rượu, nói rằng anh ta đang căng thẳng do mất việc.
Trường hợp hi hữu
Chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas của Airline Ratings nhận định vụ việc hi hữu này "rất kỳ lạ".
Ông nói với CNN: "Về mặt kỹ thuật, không thể mở những cánh cửa đó trong chuyến bay".
Thomas cho biết tốc độ hạ cánh của một chiếc A321 là khoảng 270 km/h, nghĩa là những cơn gió có cùng tốc độ đang thổi ngược chiều máy bay.
"Có vẻ như không hợp lý khi cánh cửa có thể được mở ra với lực cản như vậy. Về mặt kỹ thuật là không thể, nhưng bằng cách này hay cách khác điều đó đã xảy ra".
Cảnh sát Hàn Quốc đang điều tra vụ người đàn ông tự ý mở cửa máy bay trên không. Ảnh: Reuters. |
Steve Wright, phó giáo sư kỹ thuật hàng không vũ trụ tại Đại học West of England, so sánh cánh cửa với một cái nút xả khổng lồ trong bồn tắm.
Bằng cách sử dụng hiệu ứng lỗ cắm (plug-hole effect), trên thực tế, tất cả lối thoát hiểm của máy bay được thiết kế để đóng chặt trên không và có khả năng chịu chênh lệch áp suất rất lớn.
Wright giải thích ngay cả khi máy bay ở trên mặt đất, phi hành đoàn phải thực hiện kỹ thuật mở cửa đặc biệt.
Wright khẳng định rằng cửa thường là "điểm yếu" của máy bay, và thực tế là nếu một cánh cửa mở ra, mọi người sẽ bị hút về hướng đó.
Trong khi đó, người phát ngôn của Asiana Airlines cho biết: "Máy bay được thiết lập tự động để điều chỉnh áp suất trong cabin theo từng độ cao".
"Khi máy bay ở trên cao, không thể mở cửa. Nhưng máy bay giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh, cánh cửa có thể được mở ra".
Hình phạt
Theo tạp chí Wired, con người sẽ bất tỉnh trong khoảng 30 phút sau khi leo lên độ cao trên 5.500 m vì cơ thể không nhận đủ oxy để nuôi dưỡng não.
Còn ở độ cao hơn 9.000 m, con người sẽ bất tỉnh trong vòng chưa đầy một phút và trở nên mê sảng trong vài giây.
Máy bay thương mại thường bay ở độ cao trên 10.000 m và đó là lý do hành khách tuyệt đối không được mở cửa thoát hiểm và mặt nạ phòng không sẽ rơi xuống khi gặp sự cố, máy bay bị giảm áp suất.
12 người bị thương khi cửa máy bay bị mở tung ở độ cao 250 m tại Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Theo Michele Meo, giáo sư vật liệu tại Đại học Bath, việc sử dụng dây an toàn luôn được khuyến khích.
"Trong trường hợp hệ thống giảm áp hoặc cửa bị hỏng, hành khách sẽ bị hút ra ngoài do chênh lệch áp suất", ông giải thích.
"Một thảm kịch đáng chú ý liên quan đến giảm áp suất đã xảy ra với Aloha Airlines vào những năm 1980, nhưng ở trong trường hợp đó, đã có những vết nứt bên trong máy bay. Từ bên trong, áp suất khiến vết nứt mở rộng và cuối cùng xé toạc thân máy bay", giáo sư nói thêm.
Luật hàng không của các nước và cả chính sách riêng của từng hãng bay đều nghiêm cấm hành khách tự ý mở cửa máy bay và xử phạt nghiêm với những trường hợp vi phạm.
Hồi tháng 3, một hành khách trên chuyến bay của United Airlines từ Los Angeles đến Boston (Mỹ) đã bị bắt và buộc tội tại tòa sau khi cố gắng mở cửa thoát hiểm và tấn công phi hành đoàn.
Tháng 3/2022, một hành khách ở Bradford, West Yorkshire (Anh) bị hãng hàng không Jet2.com phạt 5.000 bảng Anh và cấm bay suốt đời vì cố gắng mở cửa thoát hiểm trên chuyến bay từ Manchester (Anh) đến Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ).
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.