Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hạnh phúc mùa xuân của con dâu

Người xưa có câu "con dâu khác máu tanh lòng". Thế nhưng thời nay, nhiều nàng dâu và gia đình chồng đã trở nên vô cùng khăng khít, cùng nhau sẻ chia những ký ức ngọt bùi.

*Zing trích dẫn bài dự thi "Ký ức sum vầy ngày Tết" của độc giả Phạm Thị Thúy:

Thấm thoát đã 10 năm trôi qua được làm con của bố mẹ. Người ta thường nói: “Con dâu khác máu tanh lòng” nhưng với con, bố mẹ không chỉ yêu thương như con gái ruột mà còn chia sẻ những điều tốt nhất cho con. Ngày con về làm dâu khi tuổi còn rất trẻ với biết bao vụng về, bố mẹ chỉ dạy cho con từ những điều nhỏ nhặt nhất. Rồi khi sinh con, con mới thấu hiểu được những vất vả và sự yêu thương vô bờ của cha mẹ.

Con vẫn nhớ nguyên vẹn cảm xúc năm đầu tiên cùng mẹ sắm sửa đón Tết, với biết bao bỡ ngỡ mẹ đã chỉ dạy cho con từ những điều nhỏ nhặt. Lúc đó con đang có em Tôm trong bụng nên không nhanh nhẹn, hoạt bát, mẹ yêu thương chỉ giao cho con những công việc nhẹ nhàng. Nhà mình năm nào cũng giữ nguyên nét truyền thống gói bánh chưng, buổi sáng con thấy mẹ dậy từ rất sớm vo gạo nếp, rửa lá bánh, ngâm đậu xanh. Con khệ nệ chạy xuống xin phụ mẹ rửa lá bánh, mẹ nhìn cái bụng của con rồi quay sang bảo: “Rửa lá dong ở dưới bờ ao trơn trượt, con cứ đi lấy khăn khô phụ mẹ lau lá bánh để lát bố cắt khuôn gói được rồi”. Hai mẹ con vừa chuẩn bị lá bánh, vừa nói chuyện những mùa Tết xưa khiến con hiểu được thêm nhiều phong tục đón Tết ở quê chồng.

ky uc,  sum vay,  ngay Tet anh 1

Gia đình chị Thúy năm nào cũng giữ nguyên nét truyền thống gói bánh chưng.

Mẹ kể cho con nghe ngày bố mẹ lấy nhau với hai bàn tay trắng, được ông bà cho mấy sào ruộng. Không để cái nghèo đeo bám, bố mẹ làm tất cả công việc để trang trải cuộc sống. Hai bố mẹ cần cù chăm sóc nên ruộng lúc nào cũng xanh tốt. Không chỉ dừng lại ở trồng trọt, bố còn lái máy cày cho hợp tác xã, mẹ thì ngoài đồng ruộng còn nuôi thêm ao cá, nuôi gà vịt để lấy trứng. Những khi vào vụ thu hoạch hai bố mẹ cứ thay nhau ngoài đồng từ sáng sớm tới tối mịt mới về. Chị Thoa ở nhà chăm lo cho các em và trông nhà. Cứ chắt chiu từ vụ này qua vụ khác bố mẹ đã mua được mảnh đất để cất nhà. Bố vẫn thường kể từng viên gạch trên ngôi nhà này đều do hai bố mẹ làm ra vì ngày ấy chưa có nhiều gạch như bây giờ phải tự làm và nung lấy. Gian khổ là thế đấy nhưng bố mẹ cố gắng để các con được đi học với ước mong sau này không phải chân lấm, tay bùn vất vả như bố mẹ.

Những câu chuyện nối tiếp nhau, con và mẹ đã chuẩn bị xong lá bánh. Hai mẹ con xuống bếp bắc nồi đỗ xanh làm nhân bánh chưng. Trong tiết trời lạnh buốt của tháng Chạp ngồi đun bếp củi thật ấm cúng, thỉnh thoảng con lại xoa bàn tay hơ bên bếp lửa, nghe mẹ kể về “kỷ niệm cười vỡ bụng” của chồng con.
Năm đó chồng con thi đại học, trước kỳ thi có một lần trong lúc nấu cơm dưới bếp anh mải học bài đến quên dụt củi vào bếp thế là cháy bùng cả căn bếp. Bố mẹ đi làm đồng về từ xa thấy gian bếp khói nghi ngút vứt vội cuốc, liềm chạy về nhà dập lửa. Chồng con lo sợ sẽ bị bố cho một trận vì ở nhà có mỗi nhiệm vụ nấu cơm mà cũng làm loạn cả xóm làng. Mọi người lại bảo “Lửa cháy là báo hiệu điềm may mắn tới” và quả thật năm đó chồng con thi đậu đại học. Niềm vui hạnh phúc hiện lên gương mặt khắc khổ của bố mẹ với mong ước rằng chồng con ra trường sẽ tìm được việc làm ổn định không vất vả như bố mẹ.

Câu chuyện cười chảy nước mắt của chồng con vui đến nỗi nồi đỗ xanh chín lúc nào cũng không hay. Chờ bớt nóng, con cùng mẹ chia thành từng nắm đỗ xanh xếp đầy trên chiếc mâm cơm. Sau đó hai mẹ con lại tiếp tục đi ướp thịt, công đoạn cuối cùng để gói bánh chưng.
Bố thường thích gói bánh vào buổi chiều 28 Tết để giữ bánh được lâu hơn và buổi tối ngồi thức trông nồi bánh chưng luộc rất vui. Cả nhà cùng quây quần gói bánh Chưng với biết bao câu chuyện xưa cũ gắn kết gia đình mình lại gần hơn. Bố không quên gói thêm mấy chiếc bánh dặn để phần cho em Tôm.
Dù vẫn đang trong bụng nhưng em đã được nhận món quà háo hức như bố mẹ ngày nhỏ. Đã mười mùa xuân đi qua nhưng với con, đón Tết cùng bố mẹ luôn là điều hạnh phúc và mong chờ sau một năm xoay vần với bao lo toan cuộc sống. Về nhà đón Tết cùng bố mẹ là nơi bình yên và tuyệt vời nhất.

Các bác trong xóm làng hay kể về bố mẹ là một trong những tấm gương lao động tiêu biểu của xã. Mọi người thường đùa con rằng: “Bố mẹ chồng con giàu lắm đấy, ông bà làm nông nhưng không thua kém một ai đâu”. Con chỉ cười đáp lại: “Dạ vâng, bố mẹ cháu giàu lắm bác ạ, giàu tình cảm, giàu yêu thương và giàu cả tâm hồn”. Bởi vì từ ngày con về làm dâu đến nay chưa bao giờ nghe thấy trong nhà có tiếng cãi vã. Bố rất vui tính lúc nào cũng kể những câu chuyện hài hước từ thời khó khăn và từng dấu ấn đáng nhớ của gia đình. Còn mẹ thì hay chia sẻ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Con thấy mình thật may mắn khi được về làm con của bố mẹ, được học thêm biết bao điều, được có thêm một đại gia đình ấm áp và một mái nhà luôn chờ đón con về mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tết Tân Sửu đã gần kề, những ngày cuối năm công việc có đôi lúc bộn bề nhưng lòng luôn nhắc nhở chỉ hai tháng nữa thôi là sẽ được về nhà, cùng mẹ chuẩn bị gói bánh chưng, được thức trông chờ vớt bánh cùng bố mẹ. Con chẳng ước mong gì lớn lao chỉ cầu mong bố mẹ luôn mạnh khỏe để chúng con được tìm về yêu thương mỗi dịp Tết đến xuân về. Gia đình mình luôn hạnh phúc và rộn vang tiếng cười để mỗi mùa xuân lại đong đầy thêm bao kỷ niệm.

Mong muốn lan tỏa thông điệp "Ký ức sum vầy hạnh phúc là tài sản quý giá nhất”, Zing News cùng Alma đồng tổ chức cuộc thi ảnh “Ký ức sum vầy ngày Tết”. Đây là hoạt động nhằm khuyến khích mỗi người nhìn lại và trân trọng những kỷ niệm ngày Tết sum vầy cũng như tận hưởng kỳ nghỉ Tết 2021 thật ý nghĩa bên những người thân yêu.

Cuộc thi có sự tham gia của ca sỹ Mỹ Linh và ông Amir Ohayon - Phó chủ tịch phụ trách Kinh doanh công ty TNHH khu du lịch Vịnh Thiên Đường trong vai trò thành viên Ban giám khảo.

5 độc giả có bài dự thi xuất sắc sẽ nhận được voucher nghỉ dưỡng 4 ngày 3 đêm cho 2 người (kèm 2 trẻ nhỏ dưới 12 tuổi) tại căn hộ loại A - khu nghỉ dưỡng Alma 5 sao, khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh.

Độc giả có thể gửi bài dự thi tại đây và xem thêm thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây.

Độc giả Phạm Thị Thúy

Bạn có thể quan tâm