Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Hạnh phúc trở lại của chàng trai bất ngờ cụt đôi chân năm 25 tuổi

Mất hoàn toàn đôi chân, Tô Đình Khánh vẫn suy nghĩ lạc quan. Anh ước một ngày được đứng trên bục diễn thuyết giống như thần tượng của mình, Nick Vujicic.

Hai lần vượt qua cửa tử, mất hoàn toàn đôi chân ở tuổi 25, Tô Đình Khánh khiến nhiều người khâm phục khi vẫn lạc quan, nghĩ tích cực. Anh mơ ước một ngày được đứng trên bục diễn thuyết để truyền động lực giống như thần tượng của mình, Nick Vujicic.

Một ngày cuối tháng 4/2018, Tô Đình Khánh (sinh năm 1993, quê Đắk Lắk) gặp biến cố lớn nhất cuộc đời khi mới ở tuổi 25. Trải qua 2 lần đại phẫu chỉ cách nhau 3 ngày vì cơn bạo bệnh, Khánh vĩnh viễn mất đi đôi chân.

Zing có cuộc gặp gỡ với Đình Khánh tại chung cư trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp, TP.HCM). Một góc căn nhà chất đầy những món hàng mà Khánh nhập về để bán online. Từ ngày Khánh phải điều trị đến nay, cha mẹ anh chuyển hẳn từ quê xuống TP.HCM, thuê nhà để chăm sóc và kề cạnh con trai.

Chàng trai 27 tuổi thoải mái di chuyển trên chiếc xe lăn điện tự điều khiển và thường trực nụ cười niềm nở. Khánh bình thản khi kể về những ngày chống chọi với căn bệnh lạ khiến anh buộc phải cắt bỏ đôi chân. Với anh, công việc, những niềm vui hiện tại và nhiều dự định ấp ủ cho tương lai mới là điều anh quan tâm nhất.

“Năm 2018, mình cùng bạn gái thuê một cửa hàng, dự định kinh doanh quần áo, thời trang. Trớ trêu thay, đúng ngày bắt tay chuẩn bị để khai trương cũng là lúc biến cố xảy đến.

Đó là một chiều cuối tháng 4, khi cùng mọi người dọn dẹp để bày hàng lên, bỗng dưng hai chân mình mỏi rã rời, không còn sức. Ngồi nghỉ một lúc vẫn không đỡ, mình nhờ người chở về nhà trọ”.

Ngồi ở nhà, cơn đau nhức càng lan rộng, đôi chân dần chuyển sang màu tái nhợt, Khánh lo lắng và được hai em trai đưa vào viện khám.

Sau khi đi 2 bệnh viện ở gần nhà nhưng không chẩn đoán được bệnh tình, trong khi tình trạng mỗi lúc một nặng hơn, các bác sĩ quyết định chuyển anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên, khi đó Bệnh viện Chợ Rẫy đã quá tải, anh phải chờ đến gần tối mới được tiếp nhận.

“Máu không thể lưu thông khiến hai chân mình dần tím tái, tê cứng và đau khủng khiếp, tưởng chừng như chúng sắp nổ tung ra”, Khánh nhớ lại.

chang trai mat 2 chan anh 1

2h sáng, anh mới được bác sĩ khám và kết luận bị tắc mạch máu ở bụng khiến máu không xuống được tới chân, phải cưa cả 2 chân đến đùi mới có thể giữ được mạng sống. Trong cơn đau, Khánh chỉ nghĩ miễn mình tiếp tục được sống, dù mất hai chân thì sau này anh vẫn có thể lắp chân giả.

Khánh nói với hai em trai là Hòa và Thuận gọi điện báo tin cho cha mẹ rồi ký giấy phẫu thuật cho mình. Xác định có thể không qua khỏi, 9X còn dặn dò nếu anh có mệnh hệ gì thì hai em phải yêu thương, bảo ban nhau làm ăn và chăm lo tốt cho cha mẹ.

Phẫu thuật kết thúc, Khánh vẫn mê man vì tác dụng của thuốc mê. Anh kể, lúc đó đưa tay sờ xuống dưới, chỉ thấy hai cục bông tròn lẳn, anh biết mình đã mất đi đôi chân thật rồi. Trong lòng anh dấy lên nỗi buồn và hụt hẫng nhưng cố gắng trấn an bản thân rằng vẫn có thể đi lại nếu lắp chân giả, cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn.

Trong cơn mê man, anh tự lẩm nhẩm tên “Đình Khánh, Đình Khánh” để xác định xem có đúng mình còn sống hay không rồi lại chìm vào giấc ngủ.

Ngày người thân, bạn bè được vào thăm bệnh, ai nấy đều cố nén nước mắt vì sợ khiến Khánh xúc động, sẽ ảnh hưởng đến vết thương. “Nhưng kìm được một lúc thôi. Lúc thằng bạn thân của mình vào thăm, nó chạy đến ôm chầm lấy mình òa khóc, ai cũng bật khóc nức nở theo”.

Thế nhưng mọi chuyện chưa kết thúc, chỉ 3 ngày sau, bác sĩ thông báo vết thương bị hoại tử, anh phải cắt tiếp hai chân, tháo lên đến khớp háng. Đối diện cuộc phẫu thuật khó khăn, bác sĩ dặn dò gia đình chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất. Mẹ Khánh đã về phòng trọ gom hết đồ đạc của anh, nghĩ đến cả chuyện hậu sự cho đứa con trai đầu mới 25 tuổi.

Ngày bước vào phòng mổ lần thứ 2, Khánh kiệt sức, anh cũng không hy vọng mình sống sót được. Cha anh là người ký giấy phẫu thuật. Trước khi chiếc xe đẩy Khánh vào phòng mổ, mẹ anh ghé sát con trai, tha thiết nói: “Con cố gắng rồi ra với mẹ và mọi người”.

Nghe câu nói ấy, anh tự nhủ nhất định phải quyết tâm để được gặp lại gia đình.

“Lần đó, không ai dám nghĩ mình sống được. Sau 2 tháng phẫu thuật, bác sĩ vẫn chưa dám nói liệu mình có qua được hay không, bởi sức khỏe suy kiệt và nhiều biến chứng có thể xảy ra”, khi nghĩ lại, Khánh vẫn nghĩ việc sống sót của anh là điều gì đó vừa may mắn, vừa kỳ diệu.

Sau 4 tháng nằm ở Chợ Rẫy với hai lần vượt qua cửa tử, Khánh tiếp tục phải chịu nhiều đau đớn trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng quận 8. Khi lớp da cũ ở vết thương bị chai, bác sĩ phải cạo bỏ để lớp thịt mới được tái tạo mới có thể tiến hành ghép da.

“Đó là những ngày nhiều đau đớn nhất, cạo vết thương mà không có thuốc tê, nghĩ lại còn nổi da gà”. Thế nhưng dù phải lấy chiếc khăn để cắn chặt hàm răng, Khánh vẫn không một tiếng la hét, không rơi một giọt nước mắt vì sợ mẹ và gia đình lo lắng.

Gia đình vừa là điểm tựa, vừa là động lực tinh thần để Khánh vượt qua những ngày khó khăn. Sau một thời gian chăm sóc cho con, mẹ anh cũng đổ bệnh. Có những ngày cả nhà chia ra hai nửa, cha ở nhà lo cho mẹ, em trai út ở viện lo cho anh còn em trai thứ hai vừa kiếm tiền, vừa chạy qua chạy lại giữa 2 bên.

Sau 2 tháng, Khánh được bác sĩ cho về nhà để đỡ viện phí dù gia đình lúc đó còn lo sợ và muốn con tiếp tục ở lại theo dõi. Tổng chi phí điều trị cho anh lên đến cả tỷ đồng, trong khi kinh tế gia đình không dư giả. Khánh cảm thấy may mắn khi có nhiều bạn bè cùng các mạnh thường quân giúp đỡ về vật chất, nhờ vậy cha mẹ anh không phải bán đi căn nhà ở quê.

Về nhà trọ, vết thương còn mới, Khánh chỉ nằm một chỗ suốt 6 tháng. Mọi sinh hoạt cá nhân, từ ăn uống đến tắm rửa, vệ sinh của anh đều do mẹ giúp đỡ.

Đang là một thanh niên khỏe mạnh, ấp ủ nhiều dự định và có cả tình yêu, bỗng dưng trở thành người khuyết tật, mọi thứ phụ thuộc vào người khác, Khánh không tránh được sự suy sụp. Anh rơi vào căng thẳng, chán nản, cáu bẳn với mọi việc mẹ làm, không muốn nói chuyện với ai dù là những người thân quen nhất.

Khánh cố kìm nén những ẩn ức trong lòng nhưng chính điều đó lại khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng.

“Mình nhớ như in đêm 30 Tết năm 2019, cái Tết đầu tiên sau khi gặp biến cố. Lúc đó, cha đang thắp hương ở phòng thờ bên cạnh, bỗng dưng ông òa lên khóc, đó là lần đầu tiên trong đời mình thấy cha khóc như vậy. Nghe tiếng cha nức nở, cả mình, mẹ và các em ở phòng bên này cũng không kìm được nước mắt. Tại sao lại ra nông nỗi như vậy, quá nhiều chuyện xảy ra, có lẽ gánh nặng trên vai mọi người đã quá lớn. Đó cũng là lúc mình quyết tâm phải thay đổi, suy nghĩ tích cực và làm khác”.

Đình Khánh tự vực dậy tinh thần. Sau một năm, anh có thể tập ngồi. Ngày đầu tiên tự ngồi được, Khánh chụp một bức ảnh đăng lên Facebook cá nhân, kể lại câu chuyện của mình và chia sẻ quyết tâm thay đổi.

Khánh quyết tâm gom tiền mua một chiếc xe lăn. Sau khi tìm hiểu, anh nhờ em trai đặt mua chiếc xe lăn chạy bằng điện, có thể điều khiển và giúp anh thuận tiện di chuyển mà không cần nhờ vả mọi người quá nhiều.

Sau khi có xe cũng là lần đầu tiên anh ra khỏi nhà sau hơn một năm phải giam mình trong 4 bức tường, chỉ nằm một chỗ. Xuống đến sân chung cư, Khánh nhìn ai cũng lạ và người ta cũng ngỡ ngàng vì lần đầu thấy anh, biết anh sống ở khu này.

“Cảm giác lúc đó của mình là sướng lắm. Được nhìn thấy ánh sáng mặt trời, được ngắm nhìn cây cỏ và nghe tiếng chim hót râm ran, lòng mình như được hồi sinh, tự hỏi sao không đi ra khỏi nhà sớm hơn. Những cảm xúc chất chứa bấy lâu được giải phóng, bung tỏa khiến mình thấy thật dễ chịu”.

Từ hôm đó, mẹ anh hay giục con ra khỏi nhà vì “vừa tốt cho sức khỏe và tốt cho cả tinh thần”. Dần dần, khi quen hơn, nhìn thấy anh mọi người thường ghé lại hỏi thăm, trò chuyện. Khánh hạnh phúc bởi thấy họ thương mình.

Biết anh đã chịu ra ngoài, những người bạn chơi thân bắt đầu “chèo kéo” Khánh tụ tập. Anh thích đi lắm nhưng đôi lúc ngại vì không muốn phiền người ta phải bế mình lên xuống, anh thường chỉ nhận lời nếu đi gần.

Được đi chơi, nói chuyện và quen thêm nhiều bạn bè, Khánh cảm thấy tự tin và hoạt bát hơn, những suy nghĩ tiêu cực trong anh dần tan biến.

Có thể di chuyển dễ dàng hơn bằng chiếc xe điện, Khánh bắt đầu tập tự làm mọi sinh hoạt cá nhân. “Vì không có chân nên mình nghĩ phải tập luyện để có đôi tay khỏe. Mình tập chống đẩy, sau một thời gian tay mình có lực dần, nó giống như thứ gì đó thuộc về bản năng”.

Anh có thể chống đẩy từ 15-20 cái. Đó có thể không phải con số lớn đối với người bình thường, nhưng với Khánh, đạt được nó là cả một sự nỗ lực lớn. Hình ảnh anh chàng chỉ có nửa thân trên dùng đôi tay nâng đỡ cơ thể mình lên xuống khiến người xem không khỏi ngưỡng mộ. Khánh cũng có thể leo lên, leo xuống cầu thang bộ bằng hai tay.

Một kỷ niệm vui khiến anh ấn tượng mãi là hồi đầu mới tập luyện, có lần anh thử dùng hai tay đu lên được thành bồn cầu để đi vệ sinh - công việc trước đó đều phải nhờ mẹ giúp. Rồi anh tự tắm rửa. Khi mẹ hỏi có muốn đi vệ sinh chưa, Khánh đáp “Con làm xong cả rồi”, mẹ anh bất ngờ, không dám tin.

Đến bây giờ, Khánh đã có thể tự làm mọi việc dù không có ai ở nhà giúp đỡ. Anh thích nấu nướng và thường phụ mẹ nấu cơm ăn.

Khánh nhận ra khi anh biết cách sống lạc quan cũng là lúc nụ cười quay trở lại trong gia đình. "Thấy mình vui, mẹ cũng vui, bố cười nhiều hơn và mọi người nói chuyện rôm rả. Những ngày cuối tuần, cả nhà cùng nhau nấu ăn, đó là niềm hạnh phúc giản đơn nhưng đáng quý nhất".

Tháng 12/2019, nghe tin thần tượng của mình là diễn giả người Australia, Nick Vujicic, đến TP.HCM diễn thuyết, Khánh mua vé để cả nhà cùng đi nghe. Ngày đầu tiên đi nhưng Nick không đến sự kiện, anh quay lại vào ngày thứ 2. Lúc đầu, vì mua vé thường, anh phải ngồi vị trí cuối khán đài nên không nhìn rõ. Khánh may mắn khi có một người lạ tặng chiếc vé VIP và lên ngồi ở hàng đầu.

Chàng trai 27 tuổi còn nhớ cảm giác hạnh phúc không thể tả khi được hỏi Nick một câu và được giao lưu trực tiếp với người mình ngưỡng mộ bấy lâu.

“Nick nói với mình ‘Tôi đã nhìn thấy bạn ở ngoài kia, tôi ấn tượng vì dù bạn mất đi đôi chân nhưng ở bạn toát lên sự tự tin, lạc quan rất lớn. Tôi muốn sau này bạn sẽ trở thành người thay tôi truyền cảm hứng, giúp những người Việt Nam, những người giống như bạn có cuộc sống tốt đẹp hơn’”.

Câu nói ấy của Nick Vujicic khiến Khánh có nhiều suy ngẫm. Anh không chỉ muốn sống sao cho bản thân, gia đình mình vui mà còn muốn truyền ngọn lửa lạc quan ấy đến với nhiều người khác nữa. Anh nuôi hy vọng một ngày có thể đứng lên bục diễn thuyết và nói lên những câu truyền động lực tới cộng đồng.

Khánh lập kênh vlog cá nhân và chia sẻ những suy nghĩ tích cực, niềm vui trong cuộc sống thường ngày lên mạng xã hội. Mở đầu clip luôn là đoạn intro anh chàng với nửa thân người đang chống đẩy ở hành lang, như một minh chứng rằng không có giới hạn nào nếu chúng ta nỗ lực tiến về phía trước.

Cách quay và dựng clip đều do Khánh tự mày mò học trên mạng. Có lúc đi ra ngoài, anh nhờ mọi người quay giúp. Những khi ở nhà, Khánh tự set từng góc máy, quay từng đoạn nhỏ rồi ghép lại với nhau.

Câu chuyện của anh được lan tỏa trên các diễn đàn, Khánh nhận nhiều bình luận động viên, những người xa lạ cũng nhắn tin hỏi han sức khỏe và chúc anh cố gắng.

“Được mọi người yêu thương nhiều như vậy, bỗng dưng mình càng muốn sống kinh khủng, mong làm được điều gì đó lan tỏa tinh thần tích cực đến cộng đồng. Có những bạn nói với mình rằng họ từng bi quan nhưng khi nhìn thấy mình cùng sự lạc quan, họ dần nghĩ khác đi và yêu đời, yêu bản thân nhiều hơn”.

Khánh kể từng có một cậu bạn trẻ nhờ đọc được câu chuyện của anh mà từ bỏ ý định tự tử.

Ấn tượng lớn nhất khi mọi người gặp và xem các clip của Khánh là nụ cười tươi thường trực trên gương mặt của anh. “Có người còn hỏi sao mình cười được nhiều trong khi hoàn cảnh như vậy, nhưng mình đang vui thì mình cười thôi, bây giờ suy nghĩ của mình lạc quan lắm”.

chang trai mat 2 chan anh 2

Khánh đang bán hàng online, công việc kinh doanh anh theo đuổi từ trước khi bị bệnh. Khánh làm việc ngay trong phòng. Do vết thương cũ, anh không thể ngồi lâu. Mỗi ngày anh đều đăng bài, livestream quảng cáo sản phẩm. Khi có người đặt, shipper đến lấy hàng, mẹ sẽ giúp anh mang xuống giao.

“Sau thời gian trị bệnh, mình vẫn còn món nợ khoảng 400 triệu đồng từ ngân hàng nhưng mình nghĩ từ từ làm việc sẽ trả được hết. Mình vẫn có thể tự làm nhiều thứ, tự kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình, có cả người thân hết lòng chăm sóc, giờ mình thấy mình như mọi người bình thường khác và còn có nhiều may mắn”.

Anh nói rằng trải qua biến cố lớn ở tuổi 25 khiến "Đình Khánh của tuổi 27 không còn sợ hãi điều gì". Vượt qua quãng thời gian có thể coi là tối tăm giúp anh có động lực kỳ lạ để đối mặt với tương lai.

Khánh ấp ủ nhiều dự định. Hơn 2 tháng qua, anh theo học tiếng Anh từ một cô giáo, cũng là người bạn anh quen qua mạng. Anh học với mong muốn trau dồi bản thân, hy vọng mình sẽ làm được điều gì đó tốt đẹp với những thứ nhỏ bé góp nhặt được.

Được nhiều người biết tới, Khánh nhận được lời mời tham gia nói chuyện tại các sự kiện truyền động lực. Anh cũng đang ấp ủ kế hoạch tổ chức một chương trình quyên góp sách từ thiện. 9X sẽ kêu gọi mọi người đóng góp sách và trao tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Nói về chuyện tình cảm, Khánh nói không biết trước tương lai sẽ thế nào. “Nếu gặp được một người phù hợp và yêu thương mình, mình hy vọng sẽ có cơ hội tìm hiểu và được gắn bó lâu dài”.

Khánh tin rằng cuộc sống không chỉ có duy nhất một cánh cửa, "khi cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, quan trọng là mình có muốn và có dám bước qua hay không". Chàng trai 27 tuổi luôn nhìn về những mục tiêu trước mắt, tìm kiếm sứ mệnh của mình và sống tốt đẹp hơn.

Đào Phương

Ảnh: Duy Hiệu
Đồ Họa: Phương Nhi

Bạn có thể quan tâm