Hành trang người quân nhân mang theo đến Nam Sudan là tình cảm của hậu phương ở nhà. Ảnh: Duy Hiệu. |
63 quân nhân thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 và Đội Công binh số 2 chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan và khu vực Abyei (châu Phi).
Không chỉ mang theo niềm tự hào dân tộc, hành trang của họ còn chứa đầy tình cảm, sự ủng hộ, dõi theo của hậu phương ở quê nhà.
Tình yêu cách xa 10.000 km
Đứng một góc lặng lẽ theo dõi chồng trong buổi tiễn các y bác sĩ bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 lên đường đến Nam Sudan, ánh mắt chị Kim Liên (28 tuổi), vợ thiếu tá, bác sĩ Lê Minh Tâm (38 tuổi, chuyên khoa Ngoại Lồng ngực) lấp lánh niềm tự hào.
Yêu nhau 1,5 năm, Liên và Tâm chính thức về chung nhà hồi cuối tháng 5 vừa qua. Một tháng sau lễ cưới, anh Tâm lại lên đường đi làm nhiệm vụ ở Nam Sudan.
Kim Liên bịn rịn đi tiễn chồng lên đường đi làm nhiệm vụ ở Nam Sudan. Cô đang mang thai tháng thứ 5. Ảnh: Duy Hiệu. |
Trong thời gian yêu nhau, Liên đã nghe anh nói rất nhiều về kế hoạch đi tình nguyện. Cô cũng chuẩn bị tinh thần cho khoảng thời gian xa nhau sắp tới để chồng theo đuổi ước mơ và lý tưởng.
“Ở nhà, tôi và gia đình sẽ luôn là hậu phương cho anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”, Liên nói.
Liên đang mang thai ở tháng thứ 5, dự sinh vào tháng 10. Xác định vượt cạn khi không có chồng bên cạnh, cô chọn gác lại nỗi buồn cá nhân, tập trung chăm sóc em bé trong bụng như niềm vui và động lực chờ ngày anh về.
Sau buổi tiễn quân nhân, từ ngày 30/6, hai vợ chồng sẽ bắt đầu hành trình yêu xa 10.000 km giữa Việt Nam và Nam Sudan. Dù cách nhau 4 múi giờ, cả hai thống nhất sẽ cố gắng duy trì thói quen gọi điện video nói chuyện để cập nhật cuộc sống của nhau mỗi ngày.
Chiếc áo thun in ảnh gia đình
Sau 2 lần đi tình nguyện tại Nam Sudan hồi năm 2011 và 2015, đại úy, bác sĩ Nguyễn Mạnh Hiệp, Đội cấp cứu đường không, tiếp tục xung phong lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 5.
Đây cũng là lần thứ 3 vợ anh, chị Đào Thị Duyên, ra sân bay tiễn chồng đi làm nhiệm vụ ở nơi rất xa nhà. Cảm giác bịn rịn trước giờ máy bay cất cánh, những cái ôm vội vẫn khiến chị Duyên bồi hồi, xúc động.
"Gác lại nỗi lo lắng, điều khiến tôi yên tâm phần nào là anh đã quen với khí hậu, môi trường và có kinh nghiệm 2 lần làm nhiệm vụ trước đây. Mọi thứ sẽ tốt đẹp và thuận lợi hơn", chị Duyên chia sẻ.
Hành lý theo đại úy Hiệp lên đường đi Nam Sudan là chiếc áo thun in hình gia đình nhỏ và rất nhiều tình cảm từ người vợ. Ảnh: Duy Hiệu. |
Lần đầu, chị Duyên tiễn chồng đi Nam Sudan là năm 2011, khi ấy, vợ chồng trẻ mới kết hôn. Lần thứ 2, anh đi Nam Sudan sau 4 năm cưới nhau. Lúc này, cả hai đã có hai em bé, bé lớn 3 tuổi, bé nhỏ 2 tuổi. Lần này, anh quay lại châu Phi, bé đầu nay đã 9 tuổi.
Nghe tin chồng tình nguyện đi làm nhiệm vụ quốc tế lần nữa, chị hoàn toàn ủng hộ.
Trong một năm qua, đại úy Hiệp thường xuyên vắng nhà để tham gia các đợt huấn luyện. Ở nhà, chị tự nhủ thay anh vun vén gia đình và nuôi dạy con cái thật tốt.
Để anh đỡ nhớ nhà, chị Duyên chuẩn bị chồng một chiếc áo thun in hình 4 thành viên trong gia đình, kèm ít đồ ăn khô trước ngày đi.
“Chút đồ ăn khô xem như là hương vị quê nhà, đều là những món anh rất thích. Còn chiếc áo thun là để cổ vũ tinh thần cho chồng, mong anh nhớ rằng luôn có vợ con ở Việt Nam ủng hộ và chờ anh mạnh khỏe trở về”, chị xúc động.
Ngày 30/6, lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 (2.5) và Đội Công binh số 2 chính thức lên đường thực hiện nhiệm vụ giữ gìn hoà bình Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan và khu vực Abyei (châu Phi).
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5 được thành lập vào tháng 3/2022, biên chế 70 chiến sĩ (63 chính thức và 7 dự bị), trong đó có 11 chiến sĩ nữ.
Đây là đợt tình nguyện tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hợp Quốc thứ 5 của Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã cử 533 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi làm nhiệm vụ.
Mục Sức khỏe giới thiệu một số cuốn sách về chủ đề sức khỏe tâm thần dành cho bạn đọc có quan tâm:
Chữa lành sau sang chấn: "Chữa lành sau sang chấn" là một cách tiếp cận sức khỏe tinh thần, thể chất và tâm linh gọi là tâm lý học toàn diện, nơi người tham gia cam kết thực hành mỗi ngày để tự giúp mình khỏe mạnh bằng cách phá vỡ các khuôn mẫu tiêu cực, chữa lành quá khứ.
Đại dương đen là tiếng nói sẻ chia với thế giới của người trầm cảm, đồng thời là lời kêu gọi xóa bỏ định kiến xã hội, để những con người ấy có cơ hội được sống hạnh phúc.