Để nhân lên sự san sẻ, hành trình “Ấm tình mùa xuân” của Sacombank đã diễn ra liên tục suốt 21 năm qua, mang yêu thương gieo mầm khắp các tỉnh thành đất nước, lan tỏa sang 2 nước láng giềng Lào, Campuchia.
Xuân là để yêu thương
“Xuân” từ lâu đã bước qua khỏi định nghĩa về thời tiết để trở thành một khái niệm về văn hóa và tinh thần.Trong tâm trí người Việt, xuân thường đồng nghĩa với Tết, với mùa đoàn viên và những hành trình tìm về nguồn cội.
Tuy nhiên, cùng khao khát về yêu thương, xuân đôi khi cũng mang trong mình những gam màu buồn bã. Đó là sự cô quạnh của những phận đời không còn người thân, là mùi thuốc men của bệnh viện, là những hoàn cảnh khó khăn không thể đón một cái Tết an vui.
Tuy nhiên, trái tim con người là điều kỳ diệu của tạo hóa khi có khả năng đồng cảm bất kể màu da, sắc tộc, luôn sẵn sàng trao đi yêu thương. Yêu thương dường như trở thành một loại tài sản đặc biệt khi có thể chia sẻ vô điều kiện và cứ thêm lớn dần sau một lần được lan tỏa đến cộng đồng. Và đó là lý do “Ấm tình mùa xuân” của Sacombank ra đời.
“Ấm tình mùa xuân” mang đến niềm vui cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. |
Chọn mùa xuân để phát đi thông điệp và kêu gọi hành động vì người yếu thế, hơn 2 thập kỷ qua, “Ấm tình mùa xuân” của Sacombank đã xây dựng được văn hóa sẻ chia, lòng yêu thương, tình đoàn kết trong cộng đồng. Các thế hệ người Sacombank nối tiếp nhau mang mùa xuân ấm áp, vui tươi đến nhiều hoàn cảnh đặc biệt, tập trung nhất là ở các trường, trại, trung tâm, mái ấm, nhà mở… Chương trình diễn ra lần đầu vào năm 2004 với tên gọi ban đầu là “Ngày hội từ thiện xuân”. Thời điểm đó, dù chưa trở thành doanh nghiệp niêm yết nhưng Sacombank đã luôn đề cao sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng, xã hội.
Hành trình lan tỏa yêu thương
“Trước đây, tui có gia đình, có vợ, chỉ là tụi tui không có con thôi. Sau vợ tui mất rồi, không còn ai hết thì tui vào đây”, ông Lê Văn Lương (78 tuổi) - một trong hàng trăm phận đời neo đơn đang cư trú tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tự TP Cần Thơ, bùi ngùi nhớ về quá khứ ấm êm của mình. Ông Lương vào trung tâm chỉ một năm trước khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, từ đó, Tết trong ông chỉ là những ngày tháng lặng lẽ và sự động viên lẫn nhau của những người bạn già đồng cảnh.
Ông Lê Văn Lương, 78 tuổi, đã sống 4 năm tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa TP Cần Thơ. |
Năm nay, xuân với ông vui hơn khi trung tâm nơi ông ở là một trong những điểm đến của hành trình “Ấm tình mùa xuân” Giáp Thìn 2024 do Sacombank tổ chức. Từ sáng sớm, mọi người ở trung tâm đã rộn ràng dọn dẹp, mặc quần áo mới để đón Tết. Tiếng nhạc, tiếng đàn và những màn trình diễn văn nghệ đặc sắc làm rộn rã cả một góc trời. Ông và những người bạn của mình vừa vỗ tay vừa hát theo, cảm giác như sống lại không khí xuân nhộn nhịp, ấm áp từ thuở nào. Mân mê tà áo đã được ủi thẳng thớm từ đêm trước, ông chỉ biết rưng rưng: “Xúc động lắm, thực sự tui rất xúc động”.
Cũng ánh lên trong mắt sắc đỏ rực rỡ của Tết nhưng với mẹ con chị Mộng Yến, “Ấm tình mùa Xuân” của Sacombank còn là sự động viên, là đại diện cho sự quan tâm của cộng đồng. Khi con được chẩn đoán mắc Thalassemia - chứng bệnh về máu hiếm gặp, chị Yến cùng con gắn bó và xem Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai là ngôi nhà thứ hai của mình.
Chị Mộng Yến chia sẻ cảm xúc về “Ấm tình mùa xuân” của Sacombank. |
Những đợt vào thuốc cho con, chị một tay lo chạy vạy, chăm sóc, tay còn lại chỉ biết xoa dịu, vỗ về tâm hồn thơ trẻ của con. Niềm an ủi và động lực giúp chị vượt qua những đêm dài là nụ cười sáng bừng của con vào mỗi sáng, là sự động viên của người thân, bạn bè, là sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức, xã hội. Tất thảy khiến chị cảm thấy mình không đơn độc trên hành trình này. “Tôi biết về ‘Ấm tình mùa xuân’ của Sacombank từ lâu, nhưng hôm nay khi bản thân và con nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ, tôi mới thực sự hiểu được giá trị của sự đồng hành của cộng đồng”, chị Yến chia sẻ.
Không chỉ chị Yến, ông Lương, “Ấm tình mùa Xuân” của Sacombank còn mang niềm vui ngày Tết đến những em nhỏ mồ côi, hộ gia đình khó khăn và các kiều bào xa quê không có điều kiện sum họp cùng gia đình.
Chương trình mang niềm vui xuân đến cho nhiều cụ già, em nhỏ và cả kiều bào xa quê. |
Bé Kim Ngân (12 tuổi, TP Thủ Đức) mất ba trong đại dịch Covid-19. Mỗi dịp xuân về, thấy gia đình bạn bè sum họp em rất nhớ ba. Tham gia ngày hội “Ấm tình mùa xuân”, em nhắn nhủ các bạn đồng trang lứa hãy yêu thương ba mẹ hơn, đồng thời bày tỏ mong ước sẽ trở thành người mang mùa xuân vui đến những mảnh đời cơ nhỡ trong tương lai.
“Ấm tình mùa xuân” lan tỏa thông điệp ý nghĩa, kêu gọi biến yêu thương thành hành động. |
Trải qua hành trình 21 năm, “Ấm tình mùa xuân” của Sacombank đã mang lại nụ cười, niềm vui cho nhiều phận đời cơ nhỡ, đặc biệt là người già và trẻ em. Xuất phát là chương trình do nội bộ Sacombank triển khai, phục vụ sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng, “Ấm tình mùa xuân” đã lan tỏa nhiều thông điệp ý nghĩa, khuyến khích mọi người biến yêu thương thành hành động: Che chở, yêu thương với em nhỏ, cảm thông, tôn kính với người già và dang rộng vòng tay giúp đỡ, khích lệ những phận đời khó khăn.
Từ chuỗi giá trị ý nghĩa đó, mỗi người thêm thấu hiểu về quy luật sinh tồn, về việc ai cũng từng là những đứa trẻ, và sẽ chùn chân mỏi gối khi về già. Việc cảm thông, yêu thương, đối xử công bằng với mọi thế hệ, mọi hoàn cảnh xã hội là văn hóa “có trước có sau”, là cách chúng ta tạo ra lối ứng xử văn minh. Nếu như không có những trung tâm, mái ấm, các cá nhân, tổ chức luôn thầm lặng gieo mầm thiện lương, lan tỏa yêu thương, những trẻ em cơ nhỡ, bệnh tật, những cụ già neo đơn… khó có thể lành lại tổn thương, vui vẻ hân hoan trở lại với cuộc đời.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm - Phó chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank - động viên các em học sinh khiếm thị có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại TP Cần Thơ. |
Một năm mới đang đến, “Ấm tình mùa xuân” lần thứ 21 diễn ra theo đúng sứ mệnh vốn có. Với những nỗ lực lan tỏa, sự ủng hộ, tin yêu của cộng đồng, chương trình được kỳ vọng mang đến nhiều hơn những cái ôm ấm áp, nụ cười rạng rỡ hay sự sẻ chia chân thành để góp phần xây dựng một xã hội nhiều yêu thương và kết nối.