NHỮNG EM BÉ KANGAROO VÀ ĐIỀU KỲ DIỆU TRONG CHIẾC TÚI CỦA MẸ
Cất tiếng khóc chào đời đầy khó nhọc, những em bé Kangaroo được cả gia đình ấp vào lòng và lớn lên từng ngày cùng với niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), gần 10h sáng, khi nhịp sống ngoài kia đang bắt đầu hối hả, thì ở đây, những em bé sinh non, được ví "nhỏ như hạt tiêu" vẫn nằm yên bình trong “chiếc túi” ấm của mẹ. Người em nhỏ xíu. Cả ngày lẫn đêm, mẹ ấp em vào lòng cho nghe nhịp tim. Và rồi em dần nặng hơn, cứng cáp hơn. Cả nhà ai nấy đều vui.
Ba lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại và đứa con nặng một kg
Ở phòng chăm sóc Kangaroo, hầu như ai cũng biết đến gia đình Nguyễn Thị Thùy Trang với 4 lần thụ tinh nhân tạo “tìm con”. Ôm đứa con đầu lòng cũng là kết quả thụ tinh lần thứ 4 đôi mắt người phụ nữ đỏ hoe khi nhớ lại những ngày mang thai “hạt tiêu”. Trang kể, mang thai em khó lắm nên hai vợ chồng giữ gìn rất kỹ. Vậy mà mới 28 tuần, người mẹ đột nhiên bị vỡ ối. Thế là “hạt tiêu” ra đời.
“Các bác sĩ cũng có nói trước là sinh non nguy hiểm lắm. Nhưng mình khao khát làm mẹ mà, mình chấp nhận hết, miễn có con thì nguy hiểm thế nào mình cũng chịu”, chị Trang bồi hồi chia sẻ.
Em bé của Trang ra đời chỉ nặng vỏn vẹn 1,05 kg. Đến bây giờ, khi nhớ lại những ngày mới sinh con ra, Trang vẫn không kiềm được xúc động: “Biết là con sinh thiếu tháng, nhưng đâu có ngờ là nó bé đến thế. Nhìn con nhỏ xíu thấy thương và tội con kinh khủng”.
Những ngày đầu sinh con với người phụ nữ trẻ này là khoảng thời gian đau đớn và buồn tủi nhất. Vừa sinh con xong, Trang phải nằm ở phòng hồi sức, trong khi em bé lại phải ấp trong lồng kính vì còn yếu.
“Những ngày đó, đêm nào tôi cũng khóc vì nhớ con, muốn được ôm con lắm. Mười năm trời, chỉ đợi đến ngày con ra đời, vậy mà bây giờ thậm chí còn không thể nhìn mặt con”, Trang tâm sự.
Hai tuần sau, Trang được các bác sĩ gọi lên và hướng dẫn ấp con bằng phương pháp Kangaroo. “Bác sĩ kêu ấp bé để giữ được tình cảm, truyền hơi ấm cho con, bù đắp chuỗi ngày bé phải rời bụng mẹ sớm. Cảm giác được ôm, ấp con vào lòng khiến mình hạnh phúc không thể nói thành lời”, Trang xúc động kể.
Tay cầm ống sữa, mắt không ngừng nhìn con, Lê Trường Sơn, chồng Trang, không giấu được niềm hạnh phúc: “Có em ra đời cả nhà vui lắm, có khó nhọc hay mệt mỏi thế nào cũng vượt qua hết, miễn có em là được”.
Với hai vợ chồng Trang - Sơn, hành trình “đi tìm” và nuôi dưỡng bé “hạt tiêu” có lẽ là chuỗi ngày không bao giờ quên được. Hiếm muộn đã lâu nên họ phải dùng đến phương pháp thụ tinh nhân tạo để cầu mong có con. Những ngày đó, cứ 5h sáng, hai vợ chồng lại bắt xe buýt từ Đồng Nai lên bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM.
Lần đầu thụ tinh thất bại. Lần thứ hai, Trang mang thai em bé tới tuần thứ 22 thì sinh non, đứa con không giữ được. Lần thứ ba thụ tinh lại thất bại. Tưởng chừng như cả hai vợ chồng đã buông xuôi và đành chấp nhận số phận.
Nhưng không, em bé “hạt tiêu” đến với Trang và Sơn như một phép màu ở lần thụ tinh thứ tư. Niềm hạnh phúc vỡ òa khi dù sinh non, dù có bé như “hạt tiêu” nhưng em vẫn kiên cường chiến đấu cùng bố mẹ. Em được đặt tên là Yến Nhi.
Hiện tại bé Nhi vẫn chưa thể tự bú ti mẹ được. Vậy nên cứ đều đặn 2 tiếng mỗi ngày, Trang lại phải vắt sữa và truyền qua đường mũi cho bé. Mỗi lần truyền sữa mất khoảng 20 phút. Ba ngồi cạnh mẹ và em, ân cần cầm ống sữa ngắm nhìn thiên thần nhỏ đang nằm im lìm trên ngực mẹ.
Với mẹ Trang, ba Sơn, bé Nhi chính là "thiên thần nhỏ được các anh, chị không may mắn của em phái xuống". |
Không may mắn được cả ba lẫn mẹ ấp như bé Nhi, ba chị em "hạt tiêu", con chị Lưu Thị Thu Hồng (ngụ Bình Phước) sau khi sinh đã gần 1 tháng trôi qua mà vẫn chưa gặp được mặt ba.
Sinh ba và đẻ thường ngay trên bàn mổ, người mẹ này chưa hết lo lắng khi 3 em bé nhỏ xíu (chỉ nặng lần lượt 1,8 kg - 1,5 kg - 1,3 kg), thì lại nhận được tin chồng gặp tai nạn giao thông.
“Sinh 3 đứa nhỏ xong không thấy anh vô thăm, em thấy hơi lạ lạ rồi, mà em đâu có ngờ là anh ấy bị tai nạn ngay lúc này. Chồng em bị gãy tay, gãy chân mà nghe đâu phải mổ nữa. Bây giờ như là cả nhà em đi nằm bệnh viện vậy”, chị Hồng xúc động.
Ba đứa con của chị Hồng chỉ nặng lần lượt 1,8 kg - 1,5 kg - 1,3 kg lúc mới sinh ra. |
Những ngày sau đó, gia đình nội, ngoại thay phiên nhau vào Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chợ Rẫy chăm con trai, con dâu và 3 đứa cháu vẫn còn đỏ hỏn.
Sinh non tháng, nên 3 em bé nhà chị Hồng phải được ấp da kề da liên tục bằng phương pháp Kangaroo. Không có cha ở cạnh nên 3 em bé được bà nội, bà ngoại và mẹ chia nhau ấp. Những lúc thiếu người, chị Hồng ấp cả 2 đứa con ở hai bên ngực.
Vừa ấp hai cô con gái lớn trên ngực, chị Hồng vừa tranh thủ đảo mắt nhìn em bé út đang nằm ngoan trên giường. Hai em bé nằm trên ngực chị còn chưa ngủ say hẳn, miệng còn nhóp nhép vì chưa được mớm sữa.
Trong lúc đó, bà Trần Thị Hiền, mẹ chị Hồng, bế bé út lên và mớm sữa cho cháu ngoại. Vừa mớm sữa cho cháu, bà Hiền mắng yêu: “Không có cha bên cạnh nên biết thân biết phận lắm chứ. Con bé này nhỏ nhất mà nhạy ăn dữ lắm”.
Dù đã có nhiều kinh nghiệm để chăm sóc các cháu lúc mới sinh, nhưng đây là lần đầu tiên bà Hiền được cùng con gái ấp cháu theo phương pháp này. “Thấy mấy đứa nhỏ tội lắm, lúc ấp người bé ấm ấm, bé nó dễ chịu. Nhiều khi nằm dưới này thì khóc, nhưng mà bế lên ấp là cháu nó im, thương lắm”, bà Hiền chia sẻ.
“Bác sĩ chỉ cách ôm như kiểu Kangaroo này thấy vui vui. Em bé nằm trên ngực mình nó ngủ ngoan lắm. Cảm giác thân thương, ấm áp, nghe được cả nhịp tim của mình và con cùng đập”, chị Hồng vui vẻ kể.
Nữ hộ sinh Huỳnh Thị Diệu Thu, người trực tiếp hướng dẫn chị Hồng ấp Kangaroo, cho biết 10 năm làm nghề hộ sinh, chị cũng đã gặp nhiều trường hợp như thế này. Ở đây, các bác sĩ, hộ sinh chỉ còn cách chăm sóc thường xuyên và động viên các bà mẹ.
“Mình mạnh mẽ lên, mình phải làm động lực cho các bà mẹ khác đúng không”, vừa phụ chị Hồng quấn khăn ấp hai bé, nữ hộ sinh Diệu Thu vừa động viên.
Cả nhà cùng ấp con
Tại bệnh viện Từ Dũ, cách chăm sóc trẻ đặc biệt này đã được tiến hành từ năm 1996. Sau 20 năm, đến nay, bệnh viện đã có đơn vị Chăm sóc Kangaroo với 13 phòng và 40 giường bệnh khang trang để những ông bố, bà mẹ có thể yên tâm ấp ủ, nâng niu đứa con bé bỏng của mình. Đáng chú ý, phòng chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo còn xuất hiện những người cha thay vợ ấp con.
Vào ca trực thay vợ, anh Sơn nhanh chóng đặt con lên ngực, quấn khăn ủ ấm cho con. Có lẽ nhờ được ấp liên tục từ mẹ, khi chuyển sang ba ấp, em bé con anh Sơn vẫn nằm ngủ ngon lành trên ngực ba.
Trong lúc anh Sơn ấp con, chị Trang tranh thủ ăn trưa và chợp mắt ngay bên cạnh hai cha con đang nằm. Ăn qua loa, ngủ vội vàng, sức khỏe hao mòn dần, nhưng với hai vợ chồng Sơn, những ngày ấp con chính là khoảng thời gian hạnh phúc mà họ không bao giờ quên được.
Anh Lâm (ngụ Bình Phước), chồng của sản phụ Đoàn Thị Ngọc Anh đang ôm con ấp con trên ngực hết sức chuyên nghiệp. Em bé con gái của họ chào đời khi chưa được 30 tuần tuổi, nặng chưa đến 1 kg. Sau khi được nuôi trong lồng ấp sinh, bé được tiếp tục chuyển ra phòng chăm sóc đặc biệt bằng phương pháp "da kề da" với bố mẹ.
Buổi trưa thay ca ấp con cho vợ, anh Lâm cũng tranh thủ ngủ cùng con. Người đàn ông này dù nhắm mắt nhưng bàn tay rắn rỏi lúc nào cũng đặt lên lưng đứa con nhỏ. Anh kể lại, lần đầu tiên được ôm con, chạm vào da thịt của con, anh đã vô cùng xúc động vì cảm nhận tình máu mủ ruột thịt quá thiêng liêng.
Si Tỉ (20 tuổi, quê Đồng Nai) chỉ trong vòng 2 tuần đã rành rọt chuyện ấp con thay vợ. Anh hài hước chia sẻ: “Tôi không dám nói chuyện nhiều, để cho con nó ngủ. Tôi hay hát bài ba thương mẹ cho con nghe nữa”.
Người đàn ông với vóc dáng gầy gò, khuôn mặt hiện rõ vẻ mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ nhưng nét mặt vẫn không giấu được niềm hạnh phúc.
“Nói ra sợ anh, chị không tin chứ ngày tôi ngủ có 3 tiếng đồng hồ thôi. Tôi thức ấp con với cho canh vợ ngủ để vợ mau khỏe. Mình sụt ký không sao hết, miễn con lên ký là được”, anh Tỉ thật thà.
Trong khi Si Tỉ đang thay ca ấp con, chị Nguyễn Thu Trang tranh thủ ăn vội ổ bánh mì. Gương mặt bà mẹ trẻ đượm buồn vì sức khỏe vốn yếu, người lại gầy nhom nên không đủ sữa cho con bú.
Phòng Kangaroo 2 vào giữa trưa. Không có bà mẹ đang ấp con nào chợp mắt. Tất cả đều lặng lẽ xoa xoa lên lưng con, chốc chốc lại cầm lấy chiếc gương đặt ngay bên cạnh, tỉ mỉ ngắm nhìn gương mặt con.
Cầm chiếc gương trước mặt, chị Dương Thị Nhí (quê An Giang) đang chăm chú nhìn xem mặt con có dấu hiệu gì không. Hỏi về cảm giác đang trải qua, bà mẹ trẻ thật thà đáp: “Ôm con thấy vui lắm. Hồi trước do cực quá, làm việc quá sức nên tôi phải sinh trước tháng. Mấy ngày ấp ôm con như cơ hội để mình bù đắp nhiều hơn cho con".
Ngay bên cạnh giường của Nhí, mẹ con chị Trần Thị Như Ngọc cũng đang được cả bà nội lẫn bà ngoại chăm sóc đặc biệt. Chị Ngọc sinh cùng lúc hai cháu bé khiến cho gia đình này luôn bận rộn. Ba cháu phải lên lên phòng hồi sức sơ sinh chăm đứa lớn. Vì thế mà bà nội, bà ngoại phải thay phiên đảm nhận nhiệm vụ đeo túi ấp đứa nhỏ. Sống đến từng tuổi này, đã từng bế rất nhiều đứa trẻ nhưng đây là lần đầu tiên hai người bà giữ cháu bằng cách ngộ nghĩnh như vậy.
Buổi trưa, phòng Kangaroo im lìm đến lạ thường. Các bà mẹ lặng lẽ ấp trong chiếc khăn ấm, mắt chăm chú ngắm con mãi không rời. Có người trải chiếu, ngủ ngay bên dưới giường để tiếp thêm năng lượng cho buổi “thay ca ấp” sắp tới.
Điều kỳ diệu trong phòng ấp Kangaroo
Ở trẻ sinh non, do các bộ phận chưa trưởng thành nên trẻ chưa kịp thích nghi với môi trường bên ngoài nên nguy cơ tử vong rất cao. Vừa mới sinh, trẻ có thể bị suy hô hấp, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng nặng, vàng da kéo dài, xuất huyết não… Nguy hiểm hơn, trẻ dễ bị rối loạn vận mạch, xuất huyết (phổi, não, võng mạc), trương lực cơ yếu...
“Khi được ấp trên ngực, em bé sẽ được truyền hơi ấm, nghe nhịp tim, giọng nói của người mẹ. Từ đó, giác quan của các bé sẽ được kích thích toàn diện như một em bé sinh đủ tháng’, bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Thảo, Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết.
Phương pháp chăm sóc trẻ sinh non theo cách truyền thống vẫn giúp em bé lớn và mạnh khỏe. Tuy nhiên, chắc chắn về trí não của các em bé này sẽ không phát triển bằng em bé được ấp bằng Kangaroo. Điều cốt lõi nhất của phương pháp này là sự tiếp xúc da thịt của mẹ, bố và những người thân với em bé. Em bé Kangaroo cần được kích thích liên tục dù em lúc nào cũng nằm im thin thít, nhưng bé vẫn là thực thể sống và có cảm xúc.
“Khi mẹ buồn, khi mẹ lo sợ thì em bé sẽ không yên tâm. Đa số trường hợp mẹ Kangaroo lo lắng thì con hay có vấn đề. Khi người mẹ thực sự an tâm, em bé sẽ nằm yên và phát triển nhanh”, bác sĩ Thảo nhấn mạnh.
Để cung cấp kiến thức và kỹ năng ấp kangaroo, mỗi buổi chiều, lớp học “vỡ lòng” kangaroo đều đặn được mở ra để những sản phụ không bỡ ngỡ khi phải chăm sóc con liên tục 24/24h.
Trong căn phòng nhỏ chỉ khoảng 20 m2, không chỉ có các bà mẹ mà còn có cả bố, bà và người thân của các bé cùng đến học. Hôm nay, nữ hộ sinh Cao Thị Thu Ngân đứng lớp hướng dẫn cho các bà mẹ cách vắt sữa, bế con và kiểm tra cân nặng của các bé mỗi ngày.
Các bà, các mẹ ngồi dưới hàng ghế, tay ôm con chăm chú lắng nghe để học thuộc bài ngay tại lớp. Bỏ qua hết những ngại ngùng, khoảng cách tuổi tác hay vai vế, lớp “vỡ lòng” Kangaroo chỉ có những học viên đặc biệt cố gắng chăm chú để hiểu bài. Mỗi bài học trên lớp giúp các mẹ ấp con đúng cách hơn và bù đắp cho con những ngày đáng lý con vẫn đang được nằm yên bình trong bụng mẹ.
Mỗi buổi chiều, Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ đều mở lớp hướng dẫn kĩ năng chăm sóc bé theo phương pháp Kangaroo do chính các hộ lý của khoa phụ trách giảng dạy. |
Hình ảnh những ông bố, bà mẹ Kangaroo ấp con như một biểu tượng đích thực của sợi dây tình thân bền chặt. Tình yêu, sự hi sinh của bố, mẹ chính là sức mạnh bất diệt trong hành trình giành lại sự sống cho những sinh linh bé bỏng.