“Em không sao đâu, mấy ngày nay em vẫn lạc quan lắm”.
Chị N.M.H.T., 28 tuổi, trú tại TP.HCM, cười lớn với nhân viên y tế khi vừa nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Vậy là tới đây, chị T. sẽ được đổi vị trí với chồng sau nhiều ngày. Chị được nằm ngủ trên giường, trong phòng riêng. Chồng chị sẽ phải dọn đồ ra phòng khách chăm vợ.
“Lúc đầu đọc và nghe tin tức về dịch bệnh, tôi cũng sợ lắm, nghĩ lung tung suốt. Nhưng sau nhờ chủ động chọn lọc thông tin từ các nguồn chính thống, đọc thêm nhiều bài viết tích cực, tôi mới yên tâm đối mặt với căn bệnh này”, chị T. tâm sự với Zing.
Phát hiện và đương đầu
Với chị T. và gia đình, ngày 16/7 trở thành mốc thời gian đáng quên nhất khi anh trai ruột, sống ngay cạnh nhà, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Tới chiều tối cùng ngày, chồng chị T. là anh N.M.T., 28 tuổi, cũng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu sốt gần 38 độ C.
“Ngay khi nhận kết quả xét nghiệm của anh trai, tôi và gia đình đều ngỡ ngàng và rất lo lắng. Anh còn có tiền sử bệnh tim, không biết mọi chuyện sẽ ra sao”, chị T. ngập ngừng nhớ lại.
Người nhà nhiễm virus, chồng lên cơn sốt, cả nhà khi đó trở thành F1 nguy cơ cao, chị T. bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về các biện pháp nhằm vượt qua căn bệnh quái ác. Tạm gác lại nỗi lo về anh trai, chị T. bình tĩnh chăm sóc người chồng vừa đổ bệnh.
Chị T. kể: “Khi đó, chưa biết chồng có nhiễm nCoV hay không, tôi cho anh uống thuốc hạ sốt Efferalgan và bổ sung vitamin C. Đồng thời dùng một chiếc khăn thấm nước ấm đặt lên trán cùng 2 chiếc khác ở nách. Tôi cũng dùng thêm một chiếc khăn ẩm thi thoảng lau người cho chồng mỗi lần nhiệt độ tăng cao”.
Sau 2 ngày, anh T. hạ sốt. Khi còn chưa kịp nhẹ lòng, cuối ngày, đôi vợ chồng trẻ nhận tin anh T. có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.
“Lúc này, tôi chỉ còn cách tiếp tục tìm hiểu, chăm sóc chồng theo hướng dẫn của nhân viên y tế và các bác sĩ. Tôi tự nhủ điều quan trọng nhất là bản thân phải lạc quan, cẩn trọng để làm chỗ dựa cho người thân”, chị T. nhớ lại.
Anh trai chị T. được đưa tới bệnh viện dã chiến với điều kiện tốt khiến gia đình yên tâm phần nào. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Điều an ủi duy nhất với chị T. và gia đình khi đó là cuộc gọi video từ người anh trai đã được đưa tới cơ sở cách ly tập trung và chuyển tới Bệnh viện dã chiến số 10.
Tại đây, anh tâm sự phòng cách ly sạch sẽ, có nhà vệ sinh riêng, được cung cấp đồ ăn đầy đủ, bác sĩ quan tâm. Những lời này phần nào khiến cả gia đình yên lòng. Người anh trai của chị T. cũng gần như không có triệu chứng và chỉ bị mất vị giác sau khi nhiễm virus.
Với chị T., nhiệm vụ tiếp theo là chăm sóc chồng thật tốt. “Tôi cố gắng giữ vững tâm lý để lo cho chồng, tuân thủ 5K nhưng luôn sẵn sàng tinh thần mình có thể nhiễm virus. Cũng từ đêm đó, tôi phải dọn ra phòng khách ngủ”, chị T. cười.
Trong khoảng thời gian sau đó, anh T. thuộc diện tự theo dõi tại nhà.
“Các bạn nhân viên y tế đưa số điện thoại và dặn gọi ngay khi có vấn đề nguy cấp khiến tôi yên tâm phần nào. Lúc này, chồng tôi đã hết sốt nhưng vẫn còn ho, đau họng, nhức mỏi người, mất vị giác khiến ăn uống không ngon”, người vợ trẻ cho hay.
Không nản lòng, bất chấp việc bị hạn chế về thực phẩm do khu nhà bị phong tỏa, chị T. vẫn đều đặn nấu ăn đủ 3 bữa/ngày cho bản thân và chồng với các món nóng, đầy đủ chất, qua đó duy trì sức khỏe.
Chị T. vẫn cho chồng bổ sung vitamin C, sử dụng thuốc ho và Efferalgan giảm đau theo chỉ định. Anh T. cũng được vợ căn dặn, uống nhiều nước ấm, súc họng bằng nước muối 5-7 lần/ngày kết hợp xông mũi với nước chanh, gừng, sả.
Chị T. thường nấu một nồi nước chanh, gừng, sả cho chồng xông mũi, đồng thời sát khuẩn, thơm nhà. Ảnh: NVCC. |
“Cách ngày, tôi lại nấu một nồi nước với hỗn hợp chanh, gừng, sả vừa thơm nhà vừa diệt khuẩn trong không khí. Tôi cũng cùng rủ chồng tập thể dục nhẹ nhàng, hít thở hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, khi ra mồ hôi, tôi dặn chồng lau khô ngay tránh bị cảm”, chị T. kể.
Và điều kỳ diệu cũng xảy đến. Tới ngày 29/7, gần 2 tuần từ thời điểm bắt đầu có triệu chứng sốt, anh T. được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Niềm hạnh phúc không giấu khỏi nụ cười của đôi vợ chồng trẻ.
Đổi vai
Niềm vui chưa được bao lâu thì cũng trong ngày 29/7, chị T. nhận kết quả của chính mình. Mẫu bệnh phẩm của chị cho kết quả dương tính với virus.
“Đọc kết quả xong, chị nhân viên y tế có dặn tôi bình tĩnh, không nên lo lắng quá và tiếp tục cố gắng tuân thủ 5K chờ được đưa đi cách ly. Tôi chỉ cười vì thành thực, tôi không lo lắng nhiều. Phần vì đã xác định tinh thần từ trước. Nhà có 2 vợ chồng giờ thế chỗ cho nhau. Chồng lại phải chăm tôi thôi”, chị T. cười lớn.
May mắn, đến nay, chị T. hầu như không xuất hiệu triệu chứng nào của bệnh ngoài tắc mũi dẫn đến khó ngủ. Tuy nhiên, nhờ làm theo hướng dẫn của bác sĩ, duy trì chế độ dinh dưỡng và vận động hàng ngày, chị vẫn giữ được thể trạng tốt. Anh T. đến nay cũng gần như hồi phục, khỏe mạnh, vị giác trở lại và ăn uống bình thường.
Xuyên suốt hành trình của mình, chị T. cho hay khó khăn lớn nhất là thiếu lương thực vì khu nhà bị phong tỏa. Bản thân chị một mình chăm chồng nên cũng hay mất ngủ, mệt mỏi.
Đôi vợ chồng trẻ vẫn nhận được sự hỗ trợ từ người thân, chính quyền địa phương trong suốt quá trình cách ly tại nhà. Ảnh: NVCC. |
“Những lúc đó, tôi nghĩ đến các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu đang ngày đêm chống dịch còn cực khổ hơn mình nhiều. Cả nước bây giờ ai cũng trong tình cảnh này cả. Tại sao mình không làm được”, chị T. tâm sự.
Theo chị, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ gạo, rau củ quả, mỳ cho 2 vợ chồng. Lực lượng dân quân trước nhà luôn nhiệt tình mua hộ thuốc, thực phẩm và sẵn sàng trong mọi tình huống.
“Gia đình nội, ngoại ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm. Lúc thành phố chưa giãn cách xã hội, mọi người còn thường xuyên mua đồ ăn để trước nhà cho chúng tôi. Tinh thần của chúng tôi nhờ thế lạc quan hẳn vì cảm nhận được sự yêu thương từ mọi người”, chị nói.
Các cuộc gọi và tin nhắn hỏi thăm liên tiếp của mọi người trong gia đình. Ảnh: NVCC. |
Sau tất cả, chị T. gửi lời nhắn nhủ tới những người không may nhiễm SARS-CoV cần bình tĩnh, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và luôn lắng nghe cơ thể mình.
“Mọi người nên ghi chú những diễn biến bệnh mỗi ngày, gọi cho nhân viên y tế ngay khi có vấn đề không ổn. Các bác sĩ sẽ tư vấn chúng ta uống thuốc gì, làm gì khi bệnh nặng hơn. Và quan trọng nhất, lạc quan chứ không chủ quan. Cùng cố gắng nhé”, chị T. chia sẻ.