Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Hành trình chinh phục đam mê của 4 nghệ sĩ đường phố nổi tiếng

Có mặt tại sự kiện "Red Bull - Húc tung thách thức", 4 leader của 4 bộ môn thể thao đường phố chia sẻ với Zing.vn về thành công hiện tại, về những chấn thương, rào cản ở quá khứ.

nghe si duong pho anh 1nghe si duong pho anh 2

Có mặt tại sự kiện "Red Bull - Húc Tung Thách Thức", 4 leader của 4 bộ môn thể thao đường phố chia sẻ với Zing.vn về thành công hiện tại, về những chấn thương, rào cản ở quá khứ.

"Nghệ sĩ đường phố" là cụm từ chung hay dùng để nhắc tới những người đam mê, theo đuổi các bộ môn như street dance, skateboard, parkour hay street workout.

Cách đây chừng 10-15 năm, tại Việt Nam, những môn thể thao đường phố còn là khái niệm rất mới mẻ. Chính vì thế, để theo đuổi được đam mê này, người tham gia cần tự tìm tòi, học hỏi chủ yếu qua sách báo, internet. Không chỉ thế, họ còn phải đối diện với định kiến xã hội, ngăn cấm của gia đình.

nghe si duong pho anh 3

"Có quyết tâm, chắc chắn sẽ thành công", "Theo là phải theo tới cùng" - Là châm ngôn sống của 4 nhân vật - 4 nghệ sĩ nổi tiếng của nghệ thuật đường phố: Đoàn Quốc Hưng, Nguyễn Minh Thái, Đỗ Hoàng Chiến, Nguyễn Đình Hùng - 4 leader của cộng đồng street dance, skateboard, parkour và street workout.

nghe si duong pho anh 4

Đoàn Quốc Hưng (sinh năm 1988) - cựu sinh viên ngành Thiết kế của Đại học FPT Arena là một trong những người đi đầu phong trào street dance, hip hop tại TP.HCM.

Quốc Hưng sinh ra trong gia đình có ba mẹ là người khiếm thính. Ngay từ nhỏ, anh đã được ông bà nội dạy rằng nếu người ngoài cố gắng một phần thì Hưng phải cố đến 10 phần để sau này có thể chăm lo cho gia đình.

Năm 11 tuổi, Hưng học môn võ Bình Định. Anh đạt đến đai vàng và từng tham gia thi đấu, trình diễn toàn quốc.

Năm 15 tuổi, trong một lần đi tập võ tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 1, TP.HCM), Hưng nhìn thấy một nhóm chừng 4, 5 người đang tập nhảy hip hop.

Tại thời điểm đó, hip hop, street dance, chỉ là phong trào, có rất ít người quan tâm, để ý. Vốn là người thích thể thao, muốn trải nghiệm cái mới, Hưng xin tập thử. Được một thời gian, anh cảm thấy street dance là dành cho mình bởi tính phóng khoáng, tinh thần tập thể của bộ môn.

nghe si duong pho anh 5

"Nếu biết hip hop từ trước, mình sẽ không tập võ đâu", Quốc Hưng nói với Zing.vn.

Thời điểm ấy, Hưng bị ba mẹ la mắng thường xuyên. "Ba mẹ muốn mình theo võ, ít nhất còn phòng được thân chứ nhảy nhót vô bổ, chẳng được lợi gì", anh kể.

Thế nhưng, 8X quyết tâm bằng mọi giá phải được theo đuổi đam mê. Anh duy trì việc học thật tốt và vẫn đi tập lén, không để ba mẹ biết được với suy nghĩ "bằng mọi giá, không bao giờ bỏ nhảy".

Tới lớp 11, Hưng quyết định phải kiếm được tiền để có thể độc lập tài chính. Có như vậy, anh mới có thể làm những gì mình thích. Nhờ năng khiếu hội họa, 8X vẽ mũ graffiti và bán cho bạn bè.

"Làm vui mà lại ăn tiền thật, mỗi tháng mình lãi 10 triệu đồng, từ đó đến nay không xin tiền ba mẹ nữa", Quốc Hưng chia sẻ.

Năm 2008, khi đang là sinh viên năm 2 của FPT Arena, Quốc Hưng mở cửa hàng bán đồ hip hop bằng số tiền dành dụm được. Nhờ nguồn thu từ shop, anh có tiền tham dự các buổi work shop về hip hop tại Trung Quốc, Thái Lan...

"Đọc báo thấy ở đâu có sự kiện là mình mua vé tham dự. Lúc nào cũng chỉ độc hành vì ngày đó, anh em chưa có điều kiện", 8X nói.

Năm 2012, Quốc Hưng thành lập nhóm nhảy hip hop Joker Rock. Anh và đồng đội từng tham gia nhiều cuộc thi và giành được giải thưởng nhất định. Điển hình như giải nhất All Style Battle của chương trình Vũ điệu xanh; top 8 cuộc thi So you think you can dance...

Song song với việc kinh doanh, Hưng có đi dạy nhảy tại vài trung tâm nhỏ ở Sài Gòn. Mỗi ngày, anh làm việc chừng 10-12 tiếng.

nghe si duong pho anh 6Năm 2013, Quốc Hưng không may gặp phải chấn thương nặng ở đầu gối sau thời gian dài tập luyện, làm việc quá sức. Lúc ấy, anh như rơi vào bế tắc bởi theo lời bác sĩ, Hưng phải ngừng nhảy khoảng 2 năm. Trong khoảng thời gian này, Quốc Hưng cảm nhận rõ rệt được sự khủng hoảng của chính bản thân.

"Mình có cửa hàng nên không chết đói được. Nhưng là anh em khác mà dùng nhảy để kiếm sống, gặp chấn thương thế này thì coi như mất hết".

Cũng vì suy nghĩ đó, tới năm 2016, Quốc Hưng quyết định đóng cửa hàng thời trang để thành lập công ty - tổ hợp liên quan đến hip hop chuyên tổ chức sự kiện, dạy nhảy, dạy DJ, dạy làm MC... với mục đích tạo công ăn việc làm cho những anh em chung niềm đam mê. Đây cũng là khoảng thời gian 8X nghỉ vì chấn thương.

"Không tập được, mình dành toàn bộ thời gian để phát triển công ty".

Tới hiện tại, công ty của Hưng có khoảng gần 40 thành viên.

"Là nghệ sĩ rồi chuyển qua kinh doanh, mình gặp nhiều khó khăn trong khâu quản lý. Đặc biệt là phải dạy cho anh em nữa nên nhiều khi thấy bất lực nhưng mọi thứ cũng qua".

Chia sẻ với Zing.vn, Quốc Hưng khẳng định đã xác định theo nghệ thuật thì phải mạo hiểm. Trong thời gian tới, anh sẽ cố gắng tổ chức thật nhiều sự kiện, các buổi work shop, talk show về hip hop để truyền cảm hứng tới những người có chung niềm đam mê.

"Mình cũng đi từ 2 bàn tay trắng. Thứ mình làm được là truyền động lực cho các bạn. Còn thành công hay không còn phụ thuộc vào ý chí của mỗi người", 8X nói.

nghe si duong pho anh 7

Nguyễn Quốc Thái (sinh năm 1986), sinh ra và lớn lên ở Đồng Nai, là một trong những người tiên phong của bộ môn trượt ván (skateboard).

Chia sẻ với Zing.vn, Thái cho biết từ nhỏ, qua chương trình Thế giới đó đây, anh đã dành sự quan tâm đặc biệt cho trượt ván. Thời điểm ấy, xung quanh hàng xóm, bạn bè của Thái, mọi người chỉ tập những môn thể thao thông dụng.

"Mình cũng không biết trượt ván là gì, chỉ thấy rất hay, cũng không biết tên tiếng Anh để tìm kiếm".

Lên cấp 3, Thái cùng gia đình chuyển đến TP.HCM. Khoảng thời gian đó, Thái bán giày online và kiếm được số tiền kha khá, đủ để không phải xin ba mẹ.

Học hết lớp 12, anh quyết định không thi đại học vì cảm thấy "học không dành cho mình". Nhờ nguồn hàng từ nước ngoài của người thân gửi về, Thái kinh doanh linh kiện điện tử.

Trong một lần ghé nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Thái gặp Phúc - đàn anh và cũng là người tiên phong trượt ván tại Việt Nam. 

nghe si duong pho anh 8

"Đó là lần đầu tiên mình nhìn thấy ván trượt ngoài đời. Hào hứng lắm. Ghé hỏi chuyện và được anh Phúc chỉ dạy cho tập thử".

Kể từ lúc đó, Quốc Thái xác định đây chính là con đường dành cho mình.

Những ngày đầu, ba mẹ Thái cho rằng con trai mình phá cách, khác biệt, tập bộ môn mà xung quanh chẳng ai biết là gì. Mỗi lần Thái chấn thương, về nhà đi cà nhắc, anh đều bị gia đình la mắng.

"Mình phải gửi ván trượt ở nhà bạn. Tập xong thay cái áo khác mới dám về nhà để ba mẹ không biết", 8X kể lại.

nghe si duong pho anh 9Năm 2010, Quốc Thái bán ván trượt online. Tới năm 2012, sau 8 năm theo đuổi đam mê, bằng số tiền dành dụm được và sự giúp đỡ của gia đình, Quốc Thái mở cửa hàng bán ván trượt. Đây cũng là cửa hàng chuyên về skateboard thứ hai tại Sài Gòn.

Ngoài công việc kinh doanh, Thái vẫn duy trì tập luyện, chia sẻ kinh nghiệm với anh em trong nhóm chừng 3-4 buổi/ tuần. Ngoài ra, với những bạn trẻ mới bắt đầu, chưa có đủ điều kiện để mua dụng cụ, anh sẵn sàng cho mượn để tập thử vào khoảng thời gian đầu.

"Ngày trước, mình ít nói và nhút nhát lắm. Chỉ có vài ba người bạn. Từ khi biết đến skateboard, mình có nhiều anh em, chung đam mê chí hướng và cảm thấy nếu không phải là trượt ván, mình sẽ chẳng chơi cái gì khác nữa", 8X chia sẻ với Zing.vn.

Dự định gần nhất của Quốc Thái là đầu tư được một sân chơi, sân tập skateboard chuyên nghiệp, có sự đồng ý của chính quyền. 

"Anh em thường phải tập ở công viên, ở những nơi công cộng. Ở đâu cũng chỉ được một thời gian là lại bị đuổi. Sân tập chính thống là ấp ủ từ lâu của mình và đang trong quá trình thực hiện", Quốc Thái nói về mục tiêu của bản thân.

"Hiện tại, thu nhập ở cửa hàng bán ván trượt đủ cho mình chi tiêu, đi du lịch. Dù không phải quá giàu có nhưng mình cảm thấy hạnh phúc vì được làm điều mình thích, vẫn có thời gian theo đuổi đam mê và giúp đỡ những người anh em chung sở thích với mình. Chọn lại lần nữa, mình vẫn muốn là một skater".

nghe si duong pho anh 10

Nguyễn Đình Hùng (sinh năm 1992, Hải Dương) - cựu sinh viên ngành Bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân - là một trong những người đi đầu phong trào tập luyện street workout (thể dục đường phố) tại Việt Nam.

Từ ngày còn bé, Hùng đã có đam mê thể thao. Anh theo học bơi lội, điền kinh, bóng bàn...

Tới năm nhất đại học, 9X gặp 2 người anh đang tìm tòi, tập thử street workout tại sân trường nên ra bắt chuyện, làm quen. Từ đó, nhóm của Hùng có 4 thành viên với lịch tập 3-4 buổi/ tuần.

nghe si duong pho anh 11

Ngày ấy, thể dục đường phố là điều gì đó rất xa lạ. Người ta chỉ biết đến tập gym, chạy bộ... còn "thể dục ở mọi lúc, mọi nơi" - theo lời Đình Hùng miêu tả về street workout - thì chẳng ai để ý.

Sau chừng 4 năm tập luyện, tới năm 2014, Hùng và anh em thành lập nhóm. Họ từng xuất sắc lọt vào vòng chung kết Vietnam Got Talent 2015.

nghe si duong pho anh 12Cùng khoảng thời gian này, chàng trai quê Hải Dương và đồng đội thành lập tổ chức thể dục thể thao chuyên về street workout. Họ mở ra nhiều sự kiện, các buổi work shop, đam mê tự nâng cao khả năng của chính mình. 

Chia sẻ với Zing.vn, Đình Hùng cho biết: "Mình và team đang trong quá trình xây dựng điều lệ, pháp lý để đưa street workout thành bộ môn có tính pháp lý của nhà nước, trực thuộc tổng cục thể dục thể thao".

Hiện tại, ở Việt Nam, phong trào thể dục thể thao chưa thực sự phát triển nên Đình Hùng gặp khó khăn về vấn đề tinh thần của người tham gia.

"Thay đổi thói quen của một người chưa bao giờ là dễ cả", 9X nói.

Năm 2017, Đình Hùng quyết định bỏ hẳn công việc liên quan đến bất động sản và dành toàn bộ thời gian để tập trung phát triển street workout.

Từ góc nhìn của gia đình, bạn bè, mọi người cho rằng 9X đang mạo hiểm, bỏ thứ ổn định để chạy theo đam mê không rõ ràng.

Bày tỏ quan điểm về việc này, Đình Hùng khẳng định: "Khi mình đã quyết định thì sẽ làm cho bằng được. Ai nói gì cũng vậy thôi".

Hiện tại, 9X là huấn luyện viên cá nhân. Đồng thời, anh thường có mặt ở vị trí giám khảo, ban tổ chức của nhiều cuộc thi thể thao khác.

nghe si duong pho anh 13

Đỗ Hoàng Chiến (sinh năm 1984, TP.HCM) được anh em trong nghề đặt biệt danh là "Chiến Parkour".

Năm 9 tuổi, Hoàng Chiến theo tập môn võ Bình Định. 8X từng 5 lần vô địch giải đối kháng toàn quốc.

Trong quá trình tập luyện, Hoàng Chiến được tiếp xúc, chứng kiến nhiều anh chị đi trước làm những pha hành động mạo hiểm, leo trèo, đu dây để đóng phim nên quyết định trốn gia đình, học thêm kỹ thuật về cascadeur (diễn viên đóng thế).

nghe si duong pho anh 14

Tới 19 tuổi, anh gia nhập làng cascadeur Việt. Thời điểm ấy, cascadeur như "lẽ sống" đối với chàng trai trẻ. Dù gia đình không ủng hộ nhưng vì sở thích mạo hiểm từ nhỏ, "Chiến Parkour" luôn cố gắng hết mình và tin rằng nhất định sẽ thành công.

25 tuổi, Hoàng Chiến qua Malaysia đóng phim và quen một người bạn Pháp.

nghe si duong pho anh 15"Nhìn nó tập parkour, mình thấy hay vô cùng nên ngỏ lời nói nó dạy mình parkour, mình dạy nó võ", Chiến kể lại.

Anh nói thêm, là một diễn viên đóng thế, nếu có thêm kỹ thuật về parkour, các pha diễn sẽ chân thật và ấn tượng hơn rất nhiều. Cũng chính vì điều này, Hoàng Chiến luôn ấp ủ hy vọng đưa bộ môn parkour vào điện ảnh Việt Nam.

Vì một vài bất đồng với bạn diễn, hiện tại, 8X hoạt động freelance. Anh thành lập và chỉ dạy cho một nhóm các bạn trẻ có chung đam mê.

Ngoài ra, ít ai biết, vào thời gian rảnh, Hoàng Chiến làm thêm đồ handmade như ví da, thắt lưng da tại nhà.

"Đóng thế hay thầy dạy parkour thì về già đều không làm được nữa, mình phải chuẩn bị trước con đường cho sau này", anh chia sẻ.

Tính đến nay, Hoàng Chiến có 16 năm theo đuổi sự nghiệp diễn viên đóng thế, 10 năm tập luyện parkour. Anh gặp không ít chấn thương nhưng sau tất cả, 8X khẳng định: "Chưa một giây hối hận. Thậm chí, càng đối diện với những cảnh quay khó, anh càng cảm thấy đây là nghề dành cho mình".

Trong suy nghĩ của nhiều người, parkour là bộ môn mạo hiểm, là "lấy tính mạng đổi lấy đam mê". Với cương vị một trong những người chơi parkour đầu tiên ở Việt Nam, Hoàng Chiến nói: "Trước khi thực hiện các động tác khó, đòi hỏi phải thử thách, người chơi parkour đều khảo sát kỹ địa hình, thời tiết và nhiều yếu tố khác. Mọi người đừng chỉ nhìn những clip mà vội đánh giá bởi thực tế, họ có thể làm được nhiều hơn những gì họ ghi lại".

Hoàng Chiến cũng giống với Quốc Hưng, Minh Thái và Đình Hùng, họ luôn nuôi nấng ý tưởng xây dựng sân chơi chuyên nghiệp cho anh em chung niềm đam mê. Âm thầm tìm kiếm đơn vị đồng hành có cùng lý tưởng, giải đấu “Red Bull – Húc Tung Thách Thức” là thành quả đầu tiên sau nhiều năm ròng rã. Với họ, một sân chơi đúng nghĩa sẽ giúp các bạn trẻ không chỉ có cơ hội tiếp cận với những bộ môn thể thao đặc sắc mà còn đưa những tài năng ra biển lớn, cho thế giới biết đến một cộng đồng thể thao đường phố đầy máu lửa của Việt Nam.

Hành trình biến đổi diện mạo của chàng bartender Hải Phòng

Ở tuổi 30, chàng bartender xứ cảng Nguyễn Anh Tuấn sở hữu diện mạo điển trai “hack” tuổi. Tuy nhiên, ít người biết sau diện mạo đó là một hành trình biến đổi nhiều khó khăn.

Trúc Ly - Giang Hà My

Ảnh: Trường Sơn
Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm