Tuy khác nhau ở tên gọi hay bản sắc, các hội nhóm thần tượng tại Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi định kiến về văn hóa thần tượng. Họ cũng thúc đẩy các phong trào xã hội, định hình tính cách độc đáo. Hành trình phát triển thú vị của văn hóa thần tượng tại Việt Nam có thể được tạm phác họa thành 3 giai đoạn.
Thời trước khi có Internet
Có lẽ Gen Y (hay thế hệ Millennials) tại Việt Nam không xa lạ gì với cảnh ông bà, cha mẹ “trực chiến” bên chiếc radio hay TV để nghe, xem những vở tuồng, chèo hay bài hát mà giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Họ có thể dành nhiều giờ bên chiếc đài để nghe những ca sĩ yêu thích cất lời ca tiếng hát, rồi cứ thế ngân nga theo. Đây có lẽ là một hình ảnh thân thuộc với hầu hết gia đình trong thời kỳ kinh tế mới.
Thậm chí, ông bà còn thần tượng cả tính cách nhân vật mà các diễn viên, ca sĩ thể hiện. Thời ấy, thông tin hoàn toàn phụ thuộc vào truyền thông chính thống, với những người nổi tiếng có nhân cách, ứng xử tốt đẹp được lấy làm gương cho công chúng.
Thời Internet du nhập
Các cô bác Gen X (sinh khoảng từ 1965 tới 1979/1980) đã để lại những chuẩn mực văn hóa và cái đẹp ứng xử của thế hệ thần tượng ngày trước cho Gen Y. Tới giai đoạn Internet bắt đầu du nhập vào Việt Nam những năm cuối 1990, Gen Y có thể tiếp cận những nền tảng kết nối mới, khiến văn hóa thần tượng được xây dựng theo hướng khác biệt hơn, khi giá trị giải trí được chú trọng hơn.
Đây là “thời hoàng kim” của văn hóa thần tượng, khi chương trình Làn Sóng Xanh liên tục tạo ra những bài hit, hình thành các khái niệm “ca sĩ của giới trẻ” hay “fan club”. Những nền tảng nghe nhạc trực tuyến cũng góp phần kết nối thế hệ ca sĩ mới đến gần hơn với giới hâm mộ, giúp nâng tầm văn hóa thần tượng sang một chương mới.
Khi Internet du nhập, người hâm mộ Việt Nam có nhiều cách tiếp cận với thần tượng hơn. |
Lúc này, hình ảnh của thần tượng trở thành hình mẫu đại diện cho nhóm fan club. Từ kiểu tóc, phong cách ăn mặc hay cử chỉ đặc trưng đều được giới hâm mộ hào hứng học theo. 8X, 9X chắc chắn không thể nào quên được những cuốn sổ đầy lời bài hát, sticker ca sĩ, hay kiểu tóc “bờm sư tử” đặc trưng một thời. Vì lấy thần tượng làm hình mẫu, sự ảnh hưởng về hình ảnh, thời trang và tân thời đã giúp phát triển nhận thức cho nhiều người trẻ.
Có thể nói, Gen Y chính là thế hệ đầu của văn hóa fandom tại Việt Nam. Đó là một thế hệ yêu nghệ thuật, chương trình giải trí và có những suy nghĩ cởi mở hơn với âm nhạc vượt ra khỏi biên giới Việt Nam.
Thời di động "thống trị"
Hiện nay, Gen Z tại Việt Nam đang thừa hưởng những điều tốt đẹp của văn hóa thần tượng. Với chiếc smartphone trong tay, họ có thể tìm hiểu tường tận về bất cứ ca sĩ, diễn viên yêu thích nào; hoặc đem tài năng của bản thân đến với người khác mà không gặp nhiều trở ngại.
Với thế hệ năng động này, bất kỳ nhân vật nào mang danh thần tượng sẽ không thể nào lọt vào mắt họ nếu không có tài năng thật sự.
Thế giới thần tượng và giải trí ngày càng trở nên sôi động. |
Nhìn vào những fan club của Gen Z ở Việt Nam sẽ thấy họ hoàn toàn có thể quyết định số phận của thần tượng. Họ biết phân biệt đúng - sai và tôn trọng tài năng đích thực.
Bên cạnh đó, nhờ sự định hình về văn hóa nghệ thuật của thế hệ đi trước, bản thân Gen Z cũng là “hạt giống” tài năng. Họ hoàn toàn có thể cảm nhận hoặc được truyền cảm hứng bởi thần tượng, tự tin tiến xa trong lĩnh vực giải trí nói riêng và mọi lĩnh vực cuộc sống nói chung.
Thần tượng Gen Z dần chứng tỏ bản lĩnh và tài năng trong thời đại smartphone. |
Thời đại smartphone có thể được xem là thời đại mà văn hóa thần tượng tại Việt Nam phát triển cực thịnh. Văn hóa fandom kết hợp với văn hóa mạng đang tạo ra một thế hệ người hâm mộ văn minh và lành mạnh, mở ra khả năng phát triển bản thân hơn nữa cho các tài năng Gen Z.
Có thể nói, dõi theo những người mình yêu thích và "bừng chất fan" một cách chân chính là nét đẹp trong văn hóa thần tượng của Gen Z thời đại smartphone. Điều này sẽ còn được duy trì và lan tỏa, với sức ảnh hưởng lớn lao đến những thế hệ người hâm mộ tương lai.
Bình luận