Zing trích dịch bài đăng trên CNN, về câu chuyện những người đàn ông ở Ấn Độ cố gắng xóa bỏ các định kiến, hủ tục lạc hậu về chuyện kinh nguyệt của phụ nữ.
Không có thùng rác nào ở trong nhà vệ sinh chật chội, nơi 200 phụ nữ dùng chung trong khu ổ chuột ở Thane, thành phố vệ tinh gần Mumbai, Ấn Độ.
Khi những phụ nữ này đến kỳ kinh nguyệt, họ có hai lựa chọn. Một là đem băng vệ sinh đã qua sử dụng đến một bãi rác cách đó 100 m để vứt. Hai là ném ra ngoài cửa sổ của khu nhà vệ sinh chật hẹp này, tránh cảnh người khác phát hiện ra họ đang đi vứt đồ cá nhân.
Tại nhiều nơi ở Ấn Độ, khi kinh nguyệt vẫn bị coi là điều cấm kỵ, không ít người lựa chọn phương án thứ hai. Trên khắp đất nước, phụ nữ ở nhiều gia đình không được phép nấu ăn hay chạm vào bất cứ ai trong thời kỳ họ bị coi là bẩn thỉu, không trong sạch.
Trong nhiều năm, các tổ chức phi lợi nhuận, các tình nguyện viên và những doanh nghiệp vì cộng đồng cố gắng thay đổi tình hình, nhất là với những khu vực nông thôn hẻo lánh. Nhiều người trong số đó là đàn ông, với mục đích đẩy lùi những quan niệm cổ hủ.
Xóa bỏ quan niệm "Kinh nguyệt là dơ bẩn"
Nishant Bangera (28 tuổi), lần đầu tiên biết về những khó khăn mà phụ nữ Ấn Độ gặp phải lúc đến kỳ kinh nguyệt khi tham gia một chương trình của công ty ba năm về trước.
Bangera thừa nhận mình bị sốc sau khi biết tới sự kỳ thị, chuyện vệ sinh, nhận thức liên quan đến vấn đề này. Sau đó, anh bắt đầu chương trình của riêng mình, từ đến gặp mặt trực tiếp các bé gái, người mẹ ở khu ổ chuột cho đến tổ chức lễ hội với âm nhạc, trò chơi với nội dung chứng minh kinh nguyệt không phải là xấu.
Ngày càng nhiều người đàn ông tham gia các hoạt động xã hội phổ biến kiến thức về sức khỏe kinh nguyệt cho phụ nữ ở các vùng nông thôn Ấn Độ. |
Nhưng tại Ấn Độ, mọi chuyện không đơn giản ở mức xóa bỏ cái cũ và tuyên truyền cái mới.
Nhiều cô gái, người vợ tại vùng nông thôn không đủ tiền để mua băng vệ sinh. Thay vào đó, họ sử dụng bất cứ thứ gì họ nghĩ có thể thay thế, thậm chí cả cát, tro hay phân bò. Còn với giẻ hoặc vải, họ lại không giặt hoặc phơi khô đúng cách vì xấu hổ.
Ngoài ra, vấn đề kinh nguyệt còn ảnh hưởng đến giáo dục. Nhiều trường học không hề có nhà vệ sinh và đối với số đông thiếu nữ, việc ở nhà sẽ dễ dàng hơn nhiều so với đến lớp trong thời kỳ kinh nguyệt.
Bangera không phải là người đàn ông đầu tiên cố gắng phổ biến các kiến thức về kinh nguyệt tại quốc gia Nam Á này.
Năm 2014, Arunachalam Muruganantham được vinh danh là trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm của tạp chí Time vì đã làm ra những chiếc băng vệ sinh chất lượng tốt cho phái yếu.
Các buổi nói chuyện trực tiếp, những tổ chức chuyên sản xuất băng vệ sinh sạch cho phụ nữ ở các vùng hẻo lánh xuất hiện nhiều trong các năm gần đây. |
Arunachalam bắt tay làm sau khi nhận ra người vợ của mình chỉ sử dụng những miếng vải cũ kỹ. Đó cũng là tình trạng chung của những người phụ nữ khác ở thành phố Coimbatore, bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ.
Lấy cảm hứng từ Muruganantham, Chitransh Saxena (26 tuổi), một chàng trai khác đã thành lập MyPad Bank, một tổ chức phi chính phủ chuyên phân phối băng vệ sinh cho những phụ nữ nghèo khó ở Bareilly, một thành phố ở Uttar Pradesh.
Lòng tốt của nhóm Saxena khiến Nisha, một người vợ 25 tuổi ở Bareilly cảm thấy vừa xúc động vừa lạ lẫm.
“Tôi luôn bị đàn ông lợi dụng. Chồng tôi bỏ đi khi tôi mang thai đứa con thứ hai. Tại sao những chàng trai này lại dành thời gian giúp đỡ khi tôi chả đem lại lợi ích gì cho họ?”, cô tự hỏi.
"Đàn ông vẫn có tiếng nói hơn phụ nữ"
Arjun Unnikrishnan, nam sinh viên ngành Luật, cho biết ngày càng tăng số lượng nam giới tham gia vào các chương trình xóa bỏ định kiến về kinh nguyệt. Điều này cho thấy sự thay đổi văn hóa xã hội, nơi những người trẻ tuổi hành động về các vấn đề quan trọng với họ.
Mặc dù nhiều người vẫn thấy bất thường khi thấy đàn ông đi phổ biến kiến thức giới tính, phụ nữ lại dễ chấp nhận sự xuất hiện của những người khác giới.
Akarsh Tekriwal, người sáng lập Safecup, một công ty chuyên sản xuất cốc nguyệt san, nhớ lại lần đầu anh thực hiện cuộc nói chuyện vào tháng 4 năm ngoái.
“Tôi hỏi họ liệu có thoải mái không hay họ cần một thành viên nữ, nhưng đám đông đã yêu cầu tôi cứ tiếp tục”, anh kể.
Từ chuyện bị coi là dơ bẩn ở Ấn Độ, kinh nguyệt của phụ nữ dần được coi là vấn đề sinh học bình thường, cần đến những phương pháp an toàn. |
Nhưng mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong các buổi nói chuyện, cha và chồng của những người phụ nữ có thể lảng vảng xung quanh. "Một trong số họ hét vào mặt tôi vì đi nói chuyện với phụ nữ về vấn đề nhạy cảm", Bangera kể.
Phụ nữ cũng vậy, không phải ai cũng chịu tiếp thu. "Ban đầu, tôi đã thấy kỳ lạ khi một người đàn ông đến hỏi tôi về chuyện kinh nguyệt của mình", Sadhana, một bà mẹ 35 tuổi với 4 đứa con, cho hay.
Mặt khác, việc đàn ông tham gia vào giáo dục sức khỏe và kinh nguyệt cho thấy một sự thay đổi tốt, nhưng phần nào phản ánh xã hội mang nặng tính gia trưởng của Ấn Độ.
Nhà hoạt động Swati Bedekar cho biết với mỗi buổi nói chuyện với người dân ở vùng nông thôn, sự góp mặt của chồng cô thường đem lại hiệu quả khả quan hơn.
“Tiếng nói của phụ nữ chống lại các hủ tục lạc hậu, mê tín và mất vệ sinh, không đảm bảo sức khỏe không đủ tạo ra tác động. Khi chồng tôi đề nghị các gia đình nên cho người vợ nghỉ ngơi trong giai đoạn đấy, họ có xu hướng đồng tình hơn là khi tôi đề nghị”, cô cho biết.
Trong 10 năm qua, Bedekar đã chứng kiến sự thay đổi thái độ ở khu vực nông thôn, với số lượng người đông lên chấp nhận rằng kinh nguyệt không phải là điều gì đó bẩn thỉu, ô uế, mà là vấn đề sinh học đòi hỏi các giải pháp an toàn.
Trong khu ổ chuột ở Banjara Basti, những người phụ nữ bắt đầu thay đổi thói quen của họ. Thay vì lén lút vứt ra ngoài cửa số, Aarti Shiva (20 tuổi) đang quấn băng vệ sinh dùng rồi vào một tờ báo cũ và cẩn thận vứt đi.
"Không có gì phải xấu hổ về kinh nguyệt nữa," cô nói.