Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình đạp xe xuyên Việt

Chặng đường vượt đèo Hải Vân, mạch núi trong dãy Trường Sơn, Hải đã phải nhảy khỏi xe để đẩy lên dốc mất hơn 3 tiếng đồng hồ.

Hành trình đạp xe xuyên Việt

(Zing) – Chặng đường vượt đèo Hải Vân, mạch núi trong dãy Trường Sơn, Hải đã phải nhảy khỏi xe để đẩy lên dốc mất hơn 3 tiếng đồng hồ.

Hành trình đạp xe xuyên Việt

Trên đỉnh đèo Hải Vân

Sẵn sàng cho một chuyến đi

Một mình với chiếc xe đạp tậu được bằng tiền tự kiếm, Nguyễn Xuân Hải, 24 tuổi, sinh viên vừa trở về từ Mỹ lên đường thực hiện chuyến xuyên Việt đầu tiên của mình.

Đam mê khám phá từ nhỏ, Hải đã luôn nung nấu ý định sẽ thực hiện một chuyến xuyên Việt cho riêng mình. Hải kể trong một lần đứng trên lớp, trước những em cấp 3 cùng thảo luận về quan niệm sống cho giới trẻ, Hải đã chia sẻ kinh  nghiệm 5 năm du  học trên đất Mỹ, và kết thúc bài thuyết giảng, Hải đã nói “Hãy xây dựng cho mình một lý tưởng sống”. Cổ vũ cho câu nói đó, là một giọng cười không chút giấu giếm của một em gái. Hải không khỏi chạnh lòng và cũng không khỏi giật mình vì những điều mà mình vừa nói. “liệu mình có nói sáo rỗng quá không nhỉ?”.

Hải bắt đầu tra cứu trên mạng, đi tìm sách du lịch và bản đồ du lịch Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm của những người đi trước để chuẩn bị cho chuyến đi. Cũng có nhiều ý kiến phản đối, nhiều người không tin rằng Hải có thể thực hiện được. Những điều đó không làm cho sự “thích đi” của Hải nao núng. Với quyết tâm “thực hiện bằng được”, cậu lên đường vào một sáng đẹp trời.

Thỏa chí tò mò

Hành trang không có gì đáng kể ngoài hai chiếc áo, một lá cờ đỏ sao vàng để xin lưu bút của những người gặp trên đường và một trái tim nhiệt huyết, muốn khám phá bản thân kèm theo một ít đồ dùng cá nhân thiết yếu.

Chuyến đi xuyên Việt của Hải được thực hiện làm hai chặng. Chặng đầu được thực hiện  từ 30-4 đến 6-5, ở chặng này Hải đi các tỉnh phía Bắc. Chặng thứ hai bắt đầu từ ngày 19-5 đến 17-6, xuất phát từ Hà Nội đến mũi Cà Mau. Hải đã chinh phục được 2.500km đường trường sau hơn 1 tháng ròng rã trên con "ngựa sắt".

Hành trình đạp xe xuyên Việt

Có những lúc phải đẩy xe như thế này.

Trên con đường ấy, có những lúc rệu rã với cái nóng lên đến 39-40 độ ở miền Trung, những cơn mưa xối xả ở miền Nam. Nhiều lúc chợt giật mình thấy con đường đầy lạ lẫm và dài, thời gian trở nên vô tận. Nhưng lý trí không cho phép Hải dừng vòng đạp, đơn giản chỉ vì Hải không muốn mình đối mặt với thất bại. Cậu nghĩ chỉ cần ngừng một vòng xe đạp thôi thì có thể đã quay đầu lại bỏ dở cuộc hành trình. Chính vì sức ép thất bại đã ép kiệt sức lực của đôi chân và khi đã vượt qua được đoạn đường đó thì Hải mới thấy được sức mạnh của tinh thần, bắp chân bắt đầu đau và mỏi, lý trí cứ ép cố thêm 1 vòng xe nữa, cứ thế, cứ thế, chặng đường cứ ngắn dần lại…

Đáng nhớ nhất với Hải là chặng đường vượt qua đèo Hải Vân, mạch núi trong dãy Trường Sơn, cao 500m so với mực nước biển, “10 km lên, 10km xuống nghĩ đến mà đã thấy oải”. Hải đã phải nhảy ra khỏi xe để đẩy lên dốc mất đâu 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Đường dốc khiến Hải phải nghỉ nhiều hơn, cơ thể rã rời, đau nhức, mồ hôi vã ra dưới cái nắng đầu hè. Mọi thứ trên cơ thể cảm giác nặng trĩu, chỉ muốn vứt bỏ lại hết để thở dốc ra từng tiếng… “Nhưng hạnh phúc nào bằng khi được đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống biển Lăng Cô và thành phố Đà Nẵng. Cảm giác thật khó tả, đứng trên cao nhìn xuống mới thấy cố gắng của mình có ý nghĩa”, Hải thích thú tâm sự, “Dù đã được đến Đà Nẵng nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên được nhìn Đà Nẵng từ trên xuống. Đẹp mê hồn…”

Hành trình đạp xe xuyên Việt

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ đèo Hải Vân

“Đất nước mình nhiều nơi đẹp lắm, muốn ngắm hết được vẻ đẹp của Việt Nam thì phải không để mình bị kiệt sức”. Chính vì thế, Hải luôn phải tính toán   chặng đường đi cho từng ngày để sao cho vừa sức nhất. Thường thì một ngày Hải đi được 120km đến 150km. Bắt đầu một ngày vào 7 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 6h để nghỉ ngơi lấy sức cho ngày hôm sau.

Cái quan trọng là phải nắm được lịch trình và địa lý của Việt Nam, Hải luôn tính sao cho bắt đầu là một thành phố và kết thúc 1 ngày bằng 1 thành phố. Tính như vậy, mình có chỗ ngủ an toàn và cũng là có thời gian nghỉ ngơi, nói chuyện, viết lại lịch trình trong ngày và tính lịch trình tiếp theo. Vì suốt ngày rong ruổi trên xe, nếu không có thời gian nghỉ ngơi thì sẽ mau xuống sức. Muốn chinh phục được đoạn đường trước mắt thì phải biết dàn sức sao cho đều để không bị oải mà bỏ cuộc…Hải tâm sự kinh nghiệm “đường trường”

Tôi đã làm được

Suốt chặng đường, Hải lúc nào cũng nhận được tinh nhắn động viên quan tâm của bạn bè, của những người “hữu duyên” Hải gặp trên đường.  Cảm giác tình người tình đời sao mà gần gũi. Chuyến đi làm Hải có thêm kinh nghiệm về đối nhân xử thế, có thêm được những cái nhìn mới về cuộc sống, con người Việt Nam qua các vùng miền.

Hải tâm sự: “Họ sống cuộc sống của họ, trải qua những điều của riêng họ mà tôi không thể hiểu. Đằng sau cũng là gia đình. Là vợ con, là bạn bè, là trách nhiệm với xã hội…Có lẽ sẽ rất sai lầm nếu lấy thước đo của tôi để đo đạc cuộc sống của họ”

Hành trình đạp xe xuyên Việt

Cuộc sống đời thường

Hạnh phúc nhất trong chuyến đi này của Hải là đã tìm được đường về quê nội, tìm lại đến được nhà bà con cũ, tìm được về mộ tổ. Rời Hà Tĩnh trong một sáng, Hải thấy mình lòng lâng lâng vui sướng và rồi cũng thấy trên vai mình trĩu thêm một trọng trách…

Hải cho biết đã chuẩn bị cho chuyến đi khá chu đáo, không chỉ về tài chính mà còn về hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, những người đã có cơ hội được thử sức mình chinh phục bản thân.

Ở chuyến đi xuyên Việt lần này Hải nhận được khá nhiều người bạn trên khắp đất nước. Họ đã cùng ký vào lá cờ tổ quốc mà Hải mang theo để ủng hộ Hải. “Đó là một khích lệ lớn đối với tôi. Chuyến đi là một sự trải nghiệm quý báu, xứng đáng với những nỗ lực mà tôi đã bỏ ra”. Hải tâm sự, “Ít ra tôi cũng làm được một điều tôi ấp ủ từ lâu trước khi tiếp tục việc học.” Tháng 8 này Hải sẽ bắt đầu một “hành trình mới” -  theo đuổi chương trình Tiến sĩ về Kinh Tế tại bang Maryland, Mỹ.

Trần Diệu

Bạn có thể quan tâm