Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình sinh con của bà mẹ Singapore nhiễm Covid-19

Cách ngày dự sinh hơn một tuần, Shermaine Vong-Lee (25 tuổi, Singapore) lo lắng khi nhận kết quả nhiễm Covid-19 dù trước đó đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Shermaine là giáo viên mầm non. Tháng 3 năm nay, khi có lịch tiêm vaccine Covid-19 mũi đầu tiên cũng là lúc cô phát hiện mình đang mang thai đứa con đầu lòng.

Thời điểm đó, vì chưa có đủ nghiên cứu về tính an toàn của vaccine nên đến lúc ghi thông tin đang có bầu trên phiếu đăng ký, cô mới biết mình không đủ điều kiện để tiêm.

Bà mẹ trẻ biết rằng mình cần phải cẩn thận hết mức.

"Đó là khởi đầu cho hàng loạt mối lo, vì tôi vẫn phải đi làm trong thời gian này. Nơi tôi làm việc là ở Punggol, cách nhà 1 tiếng 15 phút di chuyển. Tôi phải phòng ngừa khỏi lây nhiễm hết mức, như không chạm vào thang cuốn và rửa tay thường xuyên, tránh những chuyến tàu đông đúc, đeo 2 khẩu trang", Shermaine nói với CNA.

nhiem covid khi mang bau anh 1

Nữ giáo viên 25 tuổi nhận kết quả nhiễm Covid-19 khi sắp sinh con đầu lòng.

Nhiễm bệnh

Cuối tháng 5, khi bầu được 4 tháng, Shermaine nhận được thông báo vaccine Covid-19 an toàn cho phụ nữ mang thai. Cô lập tức đăng ký lịch tiêm sớm nhất vào ngày 4/6.

Tuy nhiên, những nghi ngại về ảnh hưởng có thể xảy ra của vaccine đến sự phát triển về sau của trẻ, thiếu nghiên cứu đầy đủ về tiêm chủng khiến bà mẹ trẻ chần chừ.

"Nhưng tôi vẫn còn do dự và hoãn tiêm. Suốt 2 tháng sau đó, tôi và chồng đã suy nghĩ rất nhiều, bàn xem liệu có nên tiêm ngừa hay không. Nếu không tiêm, tôi có thể khiến người khác, hoặc thậm chí là con tôi nhiễm bệnh. Tôi không muốn sơ suất xảy ra".

Đến khi số ca nhiễm Covid-19 ở Singapore tăng lên hàng nghìn ca mỗi ngày, cô mới nói chuyện với bác sĩ của mình về việc chủng ngừa.

Bác sĩ khuyên cô nên tiêm vaccine vì đặc thù công việc thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, thời gian đi lại kéo dài cũng tăng nguy cơ lây nhiễm.

Sau khi có nghiên cứu mới về cách kháng thể truyền từ mẹ sang thai nhi sau khi chủng ngừa, Shermaine yên tâm hơn và tiêm mũi đầu tiên vào ngày 25/8. Cô tiêm mũi thứ 2 vào ngày 17/9, cách mũi đầu khoảng 3 tuần.

nhiem covid khi mang bau anh 2

Shermaine Vong-Lee cảm thấy may mắn khi đã tiêm chủng đầy đủ nên nhanh chóng khỏi bệnh.

Hôm 21/10, Shermaine bị sổ mũi nhẹ. Dù đã tắm nước ấm nhưng sổ mũi không giảm, không có thêm triệu chứng nào khác.

Thời điểm đó chỉ còn cách ngày dự sinh hơn một tuần nên giáo viên 25 tuổi đã xin phép làm việc ở nhà. Cô thực hiện test nhanh Covid-19 và có kết quả âm tính. Nhưng để chắc chắn, cô làm xét nghiệm thêm một lần nữa.

"Nhìn thấy 2 vạch xuất hiện cho thấy kết quả dương tính, tim tôi đập rất nhanh. Tôi sợ, không biết làm thế nào. Tôi chỉ biết gọi điện bảo chồng phải về nhà ngay".

Chồng Shermaine rất lo lắng virus sẽ ảnh hưởng đến vợ và con trong bụng, anh sợ bệnh có thể truyền từ mẹ sang bé.

"Đêm đó, tôi đã khóc và không thể nào chợp mắt", Shermaine nhớ lại.

Điều lo lắng nhất của cô là sẽ phải cách ly và sinh con một mình. Đây là lần sinh nở đầu tiên, Shermaine có rất nhiều điều băn khoăn và cần chồng bên cạnh.

"Tôi cũng sợ sẽ truyền bệnh cho con. Con tôi sẽ ổn chứ? Tôi có phải cách ly khỏi con không? Mọi chuyện sẽ thế nào?", rất nhiều câu hỏi hiện lên trong đầu người mẹ trẻ.

Vợ chồng cô đã cách ly với nhau tại nhà trong các phòng khác nhau. Sau khi có kết quả PCR dương tính vào ngày hôm sau, cô nhận được yêu cầu phải tự cách ly tại nhà 10 ngày.

Phía y tế lưu ý nếu chuyển dạ trong thời gian 10 ngày cách ly, cô có thể gọi cấp cứu hoặc SHNGrab - dịch vụ đặc biệt giúp những người đang nhiễm bệnh có thể di chuyển an toàn.

Vượt qua

Sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ, cô quyết định chuyển vào bệnh viện ngay trong đêm đó để thuận tiện theo dõi vì đã quá gần ngày dự sinh.

Trong thời gian chờ đợi vợ trở về, chồng của Shermaine đã tìm hiểu cách thức vệ sinh và tiến hành dọn dẹp, khử khuẩn toàn bộ căn nhà. Anh chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để nếu vợ sinh trước khi hết thời gian cách ly có thể đón hai mẹ con về nhà an toàn.

nhiem covid khi mang bau anh 3

Chồng luôn là chỗ dựa tinh thần giúp Shermaine vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tại bệnh viện, Shermaine được chuyển đến khu vực dành riêng cho những bà bầu nhiễm Covid-19. Có những người đã tiêm phòng, có một số người chưa tiêm.

Hôm Shermaine nhập viện, có một bà bầu mới sinh con xong, những người còn lại đều ở tuần cuối của thai kỳ.

Bác sĩ dặn dò cô những yêu cầu cần thiết và hướng dẫn sẽ cách ly đứa bé sau khi sinh nếu cô vẫn còn dương tính.

Suy nghĩ về việc sẽ chuyển dạ trong thời gian cách ly khiến Shermaine phiền lòng. "Mỗi ngày trôi qua tôi đều tràn ngập lo lắng, tự hỏi liệu hôm nay mình có chuyển dạ không, sợ sẽ sinh con mà không có chồng bên cạnh".

Trong thời gian cách ly tại viện, cô vẫn bị ho, sổ mũi và thỉnh thoảng có những cơn ớn lạnh.

Ngày nào Shermaine cũng gọi điện cho chồng. "Nói chuyện với anh ấy luôn là khoảnh khắc vui nhất trong ngày. Anh là điểm tựa tinh thần, mỗi khi tôi cảm thấy cô đơn, chồng sẽ động viên tôi rằng mọi thứ rồi sẽ ổn".

Đến ngày 27/10, cô nhận được kết quả xét nghiệm PCR âm tính và có thể về nhà, không cần cách ly với chồng.

Ngày 31/10, cô hạ sinh con đầu lòng và cảm thấy may mắn khi có người bạn đời bên cạnh.

"Trải qua chuyện này, bài học lớn nhất tôi nhận được là hiểu rằng dịch bệnh không phải thứ mình có thể kiểm soát. Quan trọng là chúng ta mạnh mẽ và bình tĩnh để vượt qua. Lời khuyên cho những phụ nữ mang thai là hãy tiêm phòng Covid-19 vì nó không ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu phải cách ly, hãy lạc quan tin rằng chúng ta sẽ bình an", Shermaine nói.

Những bóng hồng nơi tuyến đầu chống dịch

Phải mặc đồ bảo hộ kín mít dưới cái nóng hơn 40 độ C, người ướt đẫm mồ hôi, những nữ y, bác sĩ, điều dưỡng viên vẫn nở nụ cười lạc quan, nỗ lực hết mình để chống dịch.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm