Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình vượt khó của thần đồng piano nước Nga

Polina Osetinskaya là nữ nghệ sĩ piano người Nga nổi tiếng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ít ai biết rằng sau ánh hào quang, bà từng có cuộc sống đầy u ám.

Khả năng thiên bẩm của Polina được phát hiện từ thuở ấu thơ. Lên 6 tuổi, bà cùng cha lưu diễn khắp nơi tại Nga, sau đó trở thành người nổi tiếng ở quê nhà và trên thế giới.

Phía sau thành công, bà được cha huấn luyện rất hà khắc. Cha của Polina bị chấn thương ở tay từ nhỏ, không thể trở thành nghệ sĩ piano chuyên nghiệp, nên quyết định đầu tư vào con gái.

Than dong piano anh 1

Nghệ sĩ piano Polina Osetinskaya khi còn nhỏ. Ảnh: Pictolic.

Với phương pháp giáo dục của cha, Polina chơi thành thạo 30 bản nhạc khó nhất khi lên 8. Trả lời phỏng vấn khi đó, người cha cho rằng con gái mình không thực sự tài năng. Cô bé làm được như vậy là nhờ phương pháp giáo dục đặc biệt của ông.

Năm 13 tuổi, vì không chịu được áp lực từ cha, Polina bỏ nhà ra đi. Không lâu sau đó, bà chia sẻ với báo giới sự thật về cuộc sống của mình.

Danh xưng “thiên tài piano nhỏ tuổi” được mọi người tung hô là kết quả của những trận đòn và sự sỉ nhục. Nữ nghệ sĩ thường xuyên bị cha bỏ đói, lăng mạ và ép làm việc với cường độ cao. Điều đó khiến bà mất đi tuổi thơ, thiếu sự hồn nhiên vốn có của một đứa trẻ.

Than dong piano anh 2

Bà Polina và ba người con của mình. Nguồn: Pixnet.

Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện St.Petersburg, Nga, bà tiếp tục theo học khóa sau đại học tại Nhạc viện Moscow, dưới sự dẫn dắt của giáo sư Vera Gornostayeva.

Từ năm 1991-1993, bà Polina được Quốc hội Mỹ và Quỹ Văn hóa Nga mời biểu diễn tại Trung tâm Kennedy trong chương trình giao lưu văn hóa giữa hai nước. Cộng đồng châu Âu (EC) đã trao cho bà học bổng đầu tiên dành cho nghệ sĩ triển vọng.

Polina đi lưu diễn nhiều nơi với tư cách là nghệ sĩ độc tấu, xuất hiện cùng dàn nhạc uy tín trong giới. Nữ nghệ sĩ thường trình diễn những tiết mục độc đáo. Bà kết hợp các tác phẩm đương đại với cổ điển, truyền thống để tạo nên tiết mục mang phong cách riêng biệt, thu hút người nghe.

Bà quan niệm: “Âm nhạc đương đại là sự tiếp nối của âm nhạc truyền thống, giúp con người khám phá vẻ đẹp bên trong âm nhạc dân tộc đang dần bị mai một qua nhiều thập kỷ”.

Năm 2002, bà được trao tặng danh hiệu “Triumph” cao quý cho những cống hiến sáng tạo trong nghệ thuật. Năm 2008, bà xuất bản cuốn tự truyện về cuộc đời mình mang tên Goodbye, Sadness.

Giờ đây, nữ nghệ sĩ là bà mẹ của 3 con. Bà Polina vẫn nỗ lực phát triển sự nghiệp và truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ sau.

Thần đồng Trung Quốc trở thành nghiên cứu sinh trẻ nhất Harvard

Tian Xiaofei gây ấn tượng bởi tài năng thi ca thiên bẩm. Sau khi nhận bằng tiến sĩ của Đại học Harvard, Mỹ, bà kết hôn với giáo sư hướng dẫn.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm