Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành vi dâm ô là gì - câu hỏi 2 năm TAND tối cao không trả lời

Dâm ô là gì, quan hệ tình dục khác và quấy rối tình dục nghĩa là thế nào - rắc rối bắt nguồn từ khái niệm khiến việc xử lý tội phạm vướng mắc, gây bức xúc cho người dân

Ngày 19/4, trong bối cảnh hàng loạt vụ việc liên quan đến dâm ô, xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận xảy ra, Ủy ban Tư pháp tổ chức phiên họp ghi nhận nhiều ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá nhiều kiến nghị của Ủy ban đã được các cơ quan, bộ, ngành quan tâm thực hiện, có kiến nghị đã thực hiện một bước, có kiến nghị phải có thời gian lâu dài. Song điều đáng tiếc, những cái chưa thực hiện lại là điểm mấu chốt, chi phối toàn bộ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Vướng mắc từ khái niệm ở luật nội dung

Ngoài vướng mắc từ các bên cũng như trong tổ chức thực hiện, ý thức trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặc biệt nhấn mạnh đến vướng mắc về quy định pháp luật.

Theo bà Nga, rắc rối bắt nguồn từ khái niệm ở luật nội dung như: “dâm ô là gì”, “quan hệ tình dục khác”, “quấy rối tình dục” là như thế nào.

Bàn về vấn đề này, với tư cách là một người tham gia vào quá trình tố tụng, ông Nguyễn Quang Dũng (Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng) trình bày trong nhiều vụ việc xâm hại trẻ em vừa qua, dư luận đánh giá cơ quan chức năng không xử lý nghiêm. Ông đưa ra nhiều lý giải.

Đó là việc thu thập chứng cứ khó khăn do chỉ có lời khai của bị hại trong khi nạn nhân còn nhỏ tuổi. Trong khi đó, nghi can lại không thừa nhận hành vi. Việc thu thập các chứng cứ vật chất, sinh học khó khăn nên khó thể buộc tội.

Ngoài ra, việc giải thích luật đang gặp vướng mắc. Cụ thể, quy định thế nào là hành vi “dâm ô”, “sàm sỡ” không có, văn bản hướng dẫn chính thức cũng không nên các cơ quan không thống nhất, nơi này xử nơi khác lại không.

Từ thực tế đó, Viện trưởng VKS Cấp cao Đà Nẵng đề nghị toà Tối cao có hướng dẫn, đưa ra án lệ để có thể xử lý được các vụ việc này.

Quan trọng là yếu tố con người

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cho biết ông cùng hơn 10 đại biểu ngồi dự họp là người trực tiếp tham gia xây dựng Điều 146 BLHS 2015 về tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

Điều luật đã quy định rõ “hành vi tình dục khác” được xác định là hành vi để thoả mãn nhu cầu tình dục của người thực hiện hành vi bằng cách không sử dụng bộ phận sinh dục.

Luật quy định nhưng cơ quan tố tụng không thực hiện kịp thời dẫn đến dư luận sốt ruột. Vì thế, ông cho rằng cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tố tụng; Ủy ban Tư pháp nên chọn giám sát việc thực hiện thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng.

Phó chủ tịch thường trực Hội Luật gia TP.HCM Nguyễn Đức Sáu đồng tình cho rằng quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 về tội hiếp dâm có nêu dấu hiệu để xác định tội danh là "hành vi giao cấu" hoặc "hành vi quan hệ tình dục khác".

Song, ông băn khoăn không biết nội dung này đã được phổ biến, tập huấn cho lực lượng tiến hành tố tụng đầy đủ tới cấp cơ sở hay chưa.

'Cưỡng hôn trong thang máy là tấn công tình dục' Trước sự việc nữ sinh 20 tuổi bị sàm sỡ trong thang máy, nhiều người khẳng định đó là tấn công tình dục và sẽ dùng mọi biện pháp để kháng cự.

Ông Sáu dẫn chứng hai vụ việc nổi cộm vừa qua là vụ nữ sinh giao gà ở Điện Biên bị sát hại và vụ cựu Phó viện trưởng VKS Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy để cho rằng chưa có sự áp dụng thống nhất trong giải quyết, xử lý những vấn đề nêu trên.

Điển hình như hành vi "quan hệ tình dục khác", "tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi" hoặc "tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm", không có văn bản nào xác định cụ thể khái niệm "dâm ô", "quan hệ tình dục khác", "sử dụng vào mục đích khiêu dâm" nên một số vụ việc các cơ quan tiến hành tố tụng không thống nhất được tội danh.

Hoặc các quy định về thu thập chứng cứ khó vận dụng, nên các vụ án truy xét chứng cứ buộc tội rất khó thu thập được một cách toàn diện, đầy đủ.

Phó chánh án TAND tối cao nói về “cái khó của chúng tôi”

Còn nhớ năm 2017, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị TAND tối cao ban hành văn bản hướng dẫn xác định các dấu hiệu của tội dâm ô nhưng đến nay, cơ quan này vẫn chưa ban hành được văn bản hướng dẫn.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đặt câu hỏi “Vậy trên thực tế, toà án dựa vào văn bản nào để xét xử?”.

Lý giải cho việc chậm trễ này, Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ nhắc lại bối cảnh năm 2007, khi Ủy ban Tư pháp kiến nghị tòa Tối cao có văn bản hướng dẫn thì chúng ta áp dụng BLHS 1999 và đang sửa đổi thành BLHS 2015. Vì vậy, cơ quan này chưa có hướng dẫn ngay được.

xam hai tinh duc tre em anh 3
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Hải Ninh.

Ông Tuệ phân tích, so với luật năm 1999, Điều 146 BLHS 2015 đã cụ thể hoá Thông tư liên tịch số 01 của liên ngành tư pháp trung ương được ban hành từ năm 1998, nhưng có thêm mới là thực hiện “hành vi quan hệ tình dục khác”.

“Cái khó của chúng tôi khi làm hướng dẫn là không chỉ phân biệt giữa dâm ô và hiếp dâm mà còn các hành vi khác nữa. Thực tế thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều hình thức, hành vi khiến chúng ta phải nghiên cứu, xem hướng dẫn đến mức độ nào để xử lý hình sự cho phù hợp, để tránh hình sự hoá các vi phạm hành chính”, ông Tuệ trần tình. Theo ông, hướng dẫn này ra đời phải đảm bảo chính xác, có giá trị lâu dài.

Dự thảo hướng dẫn xử lý tội dâm ô đã hoàn chỉnh và trong năm nay sẽ ban hành, nhanh nhất có thể tháng 9-10 sẽ công bố

Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ

Ông cũng cho biết, đơn vị soạn thảo tham khảo luật của nhiều nước. Theo đó, có quốc gia chỉ cần có hành vi động chạm, chưa cần động chạm vào bộ phận nhạy cảm mà động chạm qua quần áo cũng có thể khép tội dâm ô.

“Chúng tôi không chỉ bị các đại biểu chất vấn về việc chưa ban hành hướng dẫn, mà ngay cán bộ, anh em trong ngành công an, kiểm sát, toà án cấp dưới cũng liên tục hỏi khi vướng mắc trong xử lý vụ việc”, Phó chánh án giãi bày và thông tin trước toàn thể đại biểu dự thảo hướng dẫn xử lý tội dâm ô đã hoàn chỉnh và trong năm nay sẽ ban hành, nhanh nhất có thể tháng 9-10 sẽ công bố.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga một lần nữa nhấn mạnh cần xác định rõ thế nào là hiếp dâm, dâm ô và quấy rối tình dục. Theo bà, các cơ quan chức năng mà quan trọng nhất là tòa án phải hướng dẫn rất kịp thời, nếu không sẽ khó thống nhất trong cơ quan tố tụng.

Đọc luật của Nhật Bản thấy họ quy định rất rõ, hành vi sờ soạng lên thân thể người chưa đủ 13 tuổi trở xuống bị coi là hành vi dâm ô đối với trẻ em

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương

“Quy định có nhắc tới 'bộ phận kích thích tình dục', vậy 'bộ phận kích thích tình dục' là bộ phận nào? Thời gian qua có những hành vi như sờ mông, sờ đùi được người thực hiện lý giải chỉ là đùa vui thì có chấp nhận được không?”, bà Nga đặt vấn đề và đề nghị tòa Tối cao có hướng dẫn để đảm bảo việc thực hiện, không bế tắc trong thực thi pháp luật.

Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp lưu ý thêm, các cơ quan tư pháp là cơ quan có quyền năng, thẩm quyền của họ đụng đến quyền con người, quyền công dân, nếu làm không đúng sẽ làm ảnh hưởng đến nạn nhân, hoặc dẫn đến oan sai. Vì thế, đề nghị các cơ quan kết hợp xử lý kịp thời nghiêm minh, chống bỏ lọt nhưng cũng phải lưu ý chống oan sai.

Đặc biệt, với những vụ việc mà Ủy ban Tư pháp và báo chí nêu, bà Nga đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trả lời, đẩy nhanh tiến độ giải quyết để đáp ứng yêu cầu của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Trong Báo cáo gửi Ủy ban Tư pháp do Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Trí Tuệ ký, cơ quan này đề nghị sửa đổi quy định về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong BLHS và BLTTHS theo hướng điều chỉnh quy định về tội dâm ô đối với trẻ em cụ thể hơn để các cơ quan tố tụng, cơ quan quản lý có biện pháp hỗ trợ can thiệp và đấu tranh với tội phạm một cách hiệu quả.

Đồng thời, tránh tình trạng các cơ quan liên quan chậm trễ, lúng túng, áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội gây ra, dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân.

Quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh xâm hại tình dục trẻ em trong trường hợp nạn nhân là trẻ em nam, người phạm tội là người đồng tính.

Quy định thêm hình phạt tiền là hình phạt bổ sung dối với người thực hiện các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Xây dựng quy trình tố tụng riêng đối với người bị hại là trẻ em để bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh nhất, không gây tổn hại cho các em khi tham gia vào quá trình tố tụng; quy định chi tiết về bảo mật thông tin, bí mật riêng tư cho trẻ em trong tố tụng, bảo vệ người tố giác.

Vụ sàm sỡ ở thang máy: Công an tranh luận rất kỹ khi phạt 200.000 đồng

Theo thượng tướng Lê Quý Vương, ông Đỗ Mạnh Hùng có dấu hiệu dâm ô với nữ sinh trong thang máy nhưng không cấu thành tội phạm hình sự.


Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm