Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Hành xử của nhạc sĩ Phó Đức Phương không văn minh'

"Nếu có cách ứng xử chuyên nghiệp và hiểu pháp luật thì không phải đi như xiết nợ như vậy", đại diện pháp lý cho ban tổ chức liveshow Khánh Ly nói.

Những ngày qua, những lùm xùm xung quanh vấn đề thanh toán tiền bản quyền của các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được sử dụng trong Liveshow Khánh Ly diễn ra tại thủ đô Hà Nội và Đà Nẵng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Không dừng lại ở những tranh luận giữa đơn vị tổ chức – công ty TNHH Giải trí Đồng Dao và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, sự việc đang dần có những diễn biến căng thẳng khi nhạc sĩ Phó Đức Phương (giám đốc trung tâm) tìm đến địa điểm tổ chức show diễn này để đòi tiền bản quyền là 170 triệu đồng chưa bao gồm thuế.

Xung quanh những tranh cãi này, trưa 12/8, phía ban tổ chức (BTC) đã có buổi gặp gỡ với truyền thông để đưa ra những lập luận về phía mình. Cùng tham dự còn có Tiến sĩ – Luật sư Nguyễn Ngọc Sơn – người đại diện pháp lý cho ban tổ chức liveshow Khánh Ly.

g
Ông Nguyễn Ngọc Sơn -  giám đốc công ty TNHH Giải trí Đồng Dao (bìa trái) và ông Nguyễn Ngọc Sơn – người đại diện pháp lý cho ban tổ chức (bìa phải).

Ngay trước buổi gặp gỡ, đại diện Ban tổ chức đã nhấn mạnh: “Những vấn đề sau đây không liên quan đến ca sĩ Khánh Ly. Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng xác định rõ điều này để giữ được mối quan hệ tốt đẹp giữa ca sĩ Khánh Ly và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”.

Lần lượt giải trình quan điểm của mình về việc chưa thể đàm phán để thanh toán tiền tác quyền luật sư Nguyễn Ngọc Sơn đưa ra 3 lý do chính:

Trung tâm không có đầy đủ chứng cứ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Sơn, người thừa kế các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gồm 6 người (1 người em trai và 5 em gái), tuy nhiên trung tâm chỉ có giấy xác thực của cơ quan chính quyền về quyền thừa kế của bà Trịnh Vĩnh Trinh kèm theo giấy ủy quyền của Trịnh Vĩnh Trinh cho trung tâm được ký vào năm 2011 và 2014. Như vậy, trung tâm không có đầy đủ các chứng cứ chứng minh có đủ tư cách đại diện hợp pháp để có thể nhận số tiền này.

Khi yêu cầu được cung cấp đầy đủ giấy chứng sự đồng ý ủy quyền của 5 người anh em còn lại cho bà Trịnh Vĩnh Trinh, trung tâm đã không thể đáp ứng được.

“Chúng tôi chỉ yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ để làm thủ tục hợp pháp, tuy nhiên sau 40 phút chờ đợi, trung tâm không tài nào ra được giấy đó”, luật sư nói.

Đến ngày 8/8, khi BTC yêu cầu được cung cấp đầy đủ những giấy tờ này, trung tâm tiếp tục được nhận một tờ giấy photo, trong đó có chữ ký 3 người. Tuy nhiên văn bản này không hợp pháp vì chỉ là bản sao mà không có bản đối chiếu, chỉ có dấu công chứng giáp lai chứ không có dấu chính thức, không có chữ ký của công chứng viên, không đọc được tên phòng công chứng nào đóng dấu.

“Đại diện trung tâm bảo đây là do sai sót. Với một đơn vị làm việc chuyên nghiệp thì không thể có nhập nhèm như vậy”, luật sư chia sẻ.

Đêm nhạc Khánh Ly diễn ra tối 2/8 bị đòi tiền tác quyền âm nhạc lên tới 170 triệu đồng.
Đêm nhạc Khánh Ly diễn ra tối 2/8 bị đòi tiền tác quyền âm nhạc lên tới 170 triệu đồng.

Mức giá phía tác quyền đưa ra không hợp lý (7,5 triệu/bài)

Về phía các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, BTC cho biết số tiền tác quyền được phía trung tâm đưa ra có mức 7,5 triệu/bài, vị chi tổng là 170 triệu đồng chưa bao gồm thuế. 

Số tiền này được trung tâm tính theo doanh thu của liveshow, tuy nhiên theo BTC, họ còn phải chi rất nhiều chi phí cho nhiều khâu khác nhau từ nhân lực đến đầu tư vật chất, nên tính trên doanh thu (thay vì chỉ dựa trên lợi nhuận) là không hợp lý và khó có thể chấp nhận.

“Về giá, chúng tôi đã nghiên cứu về giá thị trường. Cách tính này quá cao so với ban tổ chức. Trung tâm áp đặt con số đó mà không thỏa thuận, cân bằng trên lợi ích công chúng, nhạc sĩ và nhà sản xuất”.

Tuy nhiên khi chủ động đàm phán và đề nghị giá khởi điểm 1,5 triệu đồng, trung tâm đã không hợp tác. Liên hệ với bà Trịnh Vĩnh Trinh, BTC nhận được phản hồi rằng “Anh Sơn cứ làm việc trực tiếp với anh Phó Đức Phương đi, Trinh mệt lắm rồi”.

BTC cũng cung cấp thông tin trong đêm nhạc Như cánh vạc bay diễn ra tại Hà Nội năm 2011, họ chỉ phải thanh toán cho bà Trịnh Vĩnh Trinh trung bình là gần 700 nghìn đồng/bài.

“Tính theo sự chênh lệch của giá vé so với chương trình Như cánh vạc bay và Liveshow Khánh Ly, chúng tôi chỉ phải trả cao gấp 5 lần, còn như cách tính của trung tâm là phải trả gấp 15 lần”, luật sư Nguyễn Ngọc Sơn nói.

BTC nhấn mạnh việc họ không từ chối tiền tác quyền cho tác giả, cụ thể, với những tác phẩm thuộc quyền sở hữu của nhạc sĩ Phú Quang (Em ơi Hà Nội phố), Nguyễn Ánh 9 (Tình khúc chiều mưa), Trương Qúy Hải (Hà Nội mùa vắng những cơn mưa), công ty Văn hóa Phương Nam (Thuyền viễn xứ, Kiếp nào có yêu nhau), công ty Đồng Dao đã liên lạc và thanh toán đầy đủ tiền tác quyền với mức giá 1 triệu đồng/bài.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng với Văn Thị Thu Bích (Trưởng VP đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) để đòi BTC chương trình trả tiền tác quyền tác giả.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cùng bà Văn Thị Thu Bích (Trưởng VP đại diện Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Đà Nẵng) đến gặp Ban tổ chức để yêu cầu thực hiện tác quyền trước show Khánh Ly. 

Phản ứng của nhạc sĩ Phó Đức Phương – giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam

BTC bày tỏ quan điểm, việc yêu cầu thanh toán tác quyền là vấn đề dân sự, tức nếu có một bên vi phạm, bên còn lại có thể khiếu nại trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc/và khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền. Do đó, phản ứng của nhạc sĩ Phó Đức Phương đến thẳng địa điểm tổ chức 2 đêm liveshow diễn ra tại Hà Nội và Đà Nẵng để đòi tiền tác quyền là thiếu tôn trọng pháp luật và không có cách ứng xử văn minh.

“Nếu có cách ứng xử chuyên nghiệp và hiểu pháp luật thì không phải đi như xiết nợ như vậy. Chúng tôi không mời ông Phó Đức Phương vào phòng để nói chuyện thì có thể đã xảy ra gây rối mất trật tự. Tuy nhiên, khi vào đây, ông Phương cũng không đồng ý đàm phán”.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Ngọc Sơn – giám đốc công ty TNHH giải trí Đồng Dao - cho biết trong lần đầu tiên diễn ra Liveshow Khánh Ly vào đầu tháng 5, ông đã chấp nhận đóng gần 265 triệu đồng cho và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Tuy nhiên, sau này được đồng nghiệp mách bảo, ông mới biết mình đã phải nộp số tiền quá cao vì không tìm hiểu kỹ và nghĩ đây là điều bắt buộc phải làm. Qua đến show thứ 2 vào ngày 2/8, ông mới bắt đầu tìm hiểu kĩ và dẫn đến những rắc rối giữa hai bên.

Cuối cùng, ông khẳng định, BTC sẽ đóng nhưng với số tiền hợp lý chứ không muốn bị bắt chẹt. “Hãy xử lý văn minh theo đúng thủ tục và pháp luật, Đồng Dao sẽ chấp nhận thực hiện”, ông Sơn nói thêm.

Liveshow Khánh Ly sắp diễn ra tại Bình Dương đã bị hoãn lại để giải quyết xong vấn đề này.

Trả lời phóng viên Zing.vn, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết ông không quan tâm tới những cáo buộc từ công ty Đồng Dao và vẫn sẽ tiếp tục công việc của mình.

Phương Giang

Bạn có thể quan tâm