Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hát tiếng Anh: Phô diễn tài năng hay lấp liếm sở đoản?

Liệu phong trào thí sinh đua nhau hát tiếng Anh tại "Sao Mai điểm hẹn" và "The Voice" có phải là một định hướng đúng?

Hát tiếng Anh: Phô diễn tài năng hay lấp liếm sở đoản?

Liệu phong trào thí sinh đua nhau hát tiếng Anh tại "Sao Mai điểm hẹn" và "The Voice" có phải là một định hướng đúng?

>> Hương Tràm: 'Khả năng hát tiếng Việt không đến nỗi tồi'
>> The Voice giảm nhiệt dù Hà Hồ - Thu Minh chịu kết bè

Hát tiếng Anh để xích lại gần hơn với Quốc tế?

Gần đây, các cuộc thi âm nhạc bỗng rộ lên xu hướng thí sinh hát tiếng Anh, điển hình như The VoiceSao Mai điểm hẹn. Một bên là sự chọn lựa của đa số thí sinh còn một bên được đưa hẳn vào phần thi bắt buộc (Vietnam Idol).

Đầu tiên, việc thí sinh hát tiếng Anh đã giúp các sân chơi âm nhạc tăng thêm phần màu sắc, khán giả đỡ phải "nhàm tai" với các ca khúc nội địa, thường bị cho là hàn lâm kén người nghe. Bên cạnh đó, nó có thể đảm bảo được cả hai yếu tố là vừa khoe được chất giọng kỹ thuật, vừa có thể lấy lòng khán giả khá tốt.

 

Võ Trọng Phúc "hiện tượng hát tiếng Anh" từng gây sốt tại Vietnam’s Got Talent.

Nhờ có nhạc ngoại, các tài năng ca hát có sức bật hơn thấy rõ, khi có dịp được cọ sát với những giai điệu mang tầm quốc tế. Từ bấy lâu nay, mỗi lần xem thi thố, hát hò, khán giả thường dễ đứng trước 2 vấn đề là hoặc ngán ngẩm với những ca khúc hàn lâm khoe giọng, hoặc mất cảm giác với kiểu nhạc thị trường dễ dãi lấy lòng đại chúng.

Việc xuất hiện các ca khúc nước ngoài đã giúp các thí sinh có thêm nhiều chọn lựa, vẫn có thể thoải mái thể hiện khả năng bản thân mà không xa rời số đông người nghe. Việc thể hiện các ca khúc quốc tế cũng khiến khán giả phần nào cảm thấy "an ủi" khi Vpop giờ đây cũng dần có chút gì đó gọi là "năm châu bốn bể".

Chọn hát tiếng Anh có nghĩa là các thí sinh đã dám thử sức mình với những tác phẩm đã gắn liền với các ngôi sao hạng A mang tầm quốc tế. Điều này sẽ càng làm tăng thêm độ khó, khi họ phải tạo được dấu ấn riêng trong một sản phẩm vốn dĩ đã quen tai hàng triệu người nghe.

Hơn nữa, việc thể hiện thành công một ca khúc mang ngôn ngữ toàn cầu cũng có thể xem là cơ hội giới thiệu hàng nội địa ra ngoài biên giới lãnh thổ, từ đây mà phạm vi so sánh, "dìm hàng" cũng được mở rộng khôn cùng. Lấy ví dụ như trường hợp I will always love you của Hương Tràm chỉ vừa bùng nổ hôm trước thì ngay hôm sau cộng đồng mạng đã trưng ra hàng loạt bản cover "tay ngang" hay hơn gấp bội phần.


 

I will always love you - Hương Tràm.

Có hay không thủ đoạn dùng tiếng Anh để lấp liếm?

Sự thật phũ phàng là showbiz Việt gần như không có một ngôi sao nào gây dựng được thương hiệu hát tiếng Anh chuẩn mực, với một yêu cầu cơ bản là khán giả ngoại quốc có thể nghe và hiểu rành mạch mà không phát hiện ra bất kỳ lỗi phát âm nào. Ngay cả những du học sinh thâm niên như Hà Anh Tuấn hay tốt nghiệp Đại học Ngoại Ngữ như Đoan Trang cũng từng bị than phiền vì cách phát âm thiếu chính xác. Từ đây đặt ra vấn đề, liệu các giám khảo và huấn luyện viên của chúng ta có đủ khả năng nhận xét chính xác mỗi lần thí sinh quyết định không thể hiện tài năng bằng tiếng mẹ đẻ?

 

Huấn luyện viên liệu có biết thí sinh đang hát gì ngoài việc thể hiện nhạc lý?

Nếu tinh ý theo dõi các phần đánh giá tại 3 cuộc thi lớn là Vietnam Idol, Sao Mai điểm hẹnThe Voice, khán giả sẽ thấy những nhà bình luận chuyên môn hầu như không bao giờ dám lạm bàn đến chuyện thí sinh hát có rõ lời (đủ để hiểu), hoặc phát âm có chính xác hay không, hầu như là chỉ cần nghe thí sinh thể hiện nội lực, khả năng luyến láy xử lý kỹ thuật... là được.

Yếu tố ngữ nghĩa có thể châm chước vì suy cho cùng cũng chỉ là người Việt thi hát trên đất Việt. Tuy vậy, chính việc tha hồ phát âm mà không có giám khảo đủ chuyên môn kiểm soát, đã giúp các thí sinh có thể dễ dàng bẻ chữ, áp dụng kỹ thuật vô tội vạ mà không mấy quan tâm đến chuyện chúng có làm ảnh hưởng đến vấn đề nghe hiểu của thính giả hay không.

Nếu chọn ca khúc Việt Nam, thí sinh luôn phải đảm bảo được cả yếu tố thanh nhạc và việc hát rõ lời, truyền tải chính xác thông điệp,chỉ cần chênh phô, mờ nhạt dù chỉ một chữ thôi cũng dễ dàng bị giám khảo bắt thóp, còn với hit quốc tế họ có thể phiêu thoải mái, dẫu có hát đúng hay sai thì khả năng hội đồng thẩm định cũng không biết là rất lớn.

 

Nguyễn Hải Phong khen thí sinh "hát giống Tây".

Điển hình như ở Sao Mai điểm hẹn, khi đánh liều nhận xét về khả năng diễn đạt của thí sinh, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong bình luận: "Phần lớn người Việt Nam khi hát tiếng Anh vẫn có lối phát âm mang điều gì đó đặc thù của  tiếng Việt, còn em hát nghe… giống Tây. Nên tôi tặng cho em danh hiệu ông Tây trong đêm nay".

Điều này vô tình vạch trần khả năng đánh giá của giám khảo khi chỉ có thể dừng lại ở mức cảm thấy "giống" hoặc "không giống", còn có thật sự chính xác ca từ đủ để hiểu hay không thì rõ ràng là các đàn anh đàn chị cũng mù tịt. Liệu sẽ thế nào nếu khán giả quốc tế xem clip hàng loạt thí sinh nước ta hồn nhiên trổ tài bằng tiếng Anh, được giám khảo nhất tề đứng lên tán thưởng nhiệt tình, thậm chí trở thành hiện tượng của cả nước, trong khi thực tế phát âm lại đang sai be bét?

Người ngoài có thể nghĩ gì về định nghĩa tài năng tại Việt Nam, và khả năng chuyên môn của những ngôi sao hạng A đang ngồi ghế giám khảo, huấn luyện viên? Những điều này có làm showbiz Việt xích lại gần hơn với quốc tế?

 

Không loại trừ khả năng khán giả nước ngoài sẽ cảm thấy khó đồng cảm với những khoảnh khắc phấn khích như thế này.

Dẫu sao, chuyện tích cực sử dụng nhạc ngoại tại các cuộc thi âm nhạc cũng là dấu hiệu đáng mừng cho sự thay da đổi thịt. Và để nhanh chóng thích ứng phát huy điều này, có lẽ các nghệ sĩ đàn anh đàn chị cũng cần nổ lực trau dồi để có thể đưa ra những nhận xét đúng đắn định hướng cho đàn em.

Với các nước châu Á lân cận, chuyện hát tiếng Anh vốn đã không còn xa lạ từ lâu, thậm chí có rất nhiều ca sĩ đến từ Malaysia, Philippines, Thái Lan có thể khẳng định thương hiệu ngay trên đất Mỹ. Vì thế, nếu các cuộc thi tại Việt Nam đã chấp nhận mở rộng cửa chào đón những ca khúc quốc tế thì cũng nên dần xây dựng một ê-kíp có khả năng chuyên môn đủ sức chỉnh sửa sở đoản và phát huy sở trường cho thí sinh.

Bên cạnh đó, đây cũng là vấn đề ý thức tự trau dồi của các nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu hoặc ngồi ghế nóng nhận xét tài năng. Có làm được như vậy thì showbiz Việt mới dần thoát khỏi cảnh ta hát tiếng Anh cho dân ta nghe, và cũng chỉ có dân ta là gật gù khen hay.

Theo 2Sao - Vietnamnet

Theo 2Sao - Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm