Tháng 8/2020, Kelly Brown, một phụ nữ người Mỹ, mất cả cha lẫn mẹ vì Covid-19. Hai người lần lượt qua đời cách nhau một tuần, đẩy Brown tới tận cùng nỗi đau.
"Nỗi đau ấy không gì tả xiết. Tôi không muốn bất cứ ai phải trải qua cảm giác này", cô chia sẻ với AP.
Do lệnh hạn chế, Brown không thể tới thăm bố mẹ khi họ được điều trị ở Bệnh viện Wisconsin hay tổ chức một lễ tang tử tế, quy tụ đầy đủ thân nhân, bạn bè. Tới tận bây giờ, cô vẫn vật lộn với nỗi mất mát quá lớn.
Nhiều người Mỹ chìm trong nỗi đau mất đi người thân do đại dịch tới mức khó lòng quay lại cuộc sống bình thường. Ảnh: AP. |
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 gây ra hơn 606.000 ca tử vong ở Mỹ và gần 4 triệu người chết trên toàn thế giới. Vì thế, Brown trở thành một trong số hàng triệu người phải nếm trải ám ảnh kéo dài khi mất đi thân nhân.
Nhiều chuyên gia tâm lý, nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng đau buồn quá độ như trên có thể ảnh hưởng tới khả năng hòa nhập, sinh hoạt hàng ngày của những người cùng cảnh ngộ với Brown.
Natalia Skritskaya - nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Đau buồn Phức tạp, ĐH Columbia (bang New York, Mỹ) - nói rằng còn quá sớm để khẳng định tình trạng buồn đau quá độ có trở thành di chứng từ đại dịch hay không.
Tới nay, dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới và các nghiên cứu tâm lý hậu đại dịch chưa phổ biến.
Cô khẳng định trạng thái đau buồn kéo dài là có thực, có khả năng gây suy nhược cơ thể. Do đó, người rơi vào tình huống này có thể điều trị bằng cách trò chuyện với chuyên gia tư vấn.
"Giải pháp này nhằm giúp mọi người đối mặt với thực tế. Đây không phải phương pháp điều trị dễ dàng", chuyên gia Skritskaya nói.
Jerri Vance, một công dân ở Tây Virginia, cho biết liệu pháp này giúp cô vượt qua nỗi đau sau cái chết của người chồng vì Covid-19. Tuy nhiên, cô lo lắng cho tâm lý của hai con gái.
Tại Mỹ, đại dịch cướp đi mạng sống của hơn 606.000 người, theo AP. Ảnh: KQED. |
"Nhìn các con buồn bã khiến tôi càng thêm đau đớn. Một đứa nhà tôi chưa có nhiều tiển triển sau khi trị liệu vì luôn gắn bó, quấn quýt với bố", Vance nói.
Một nghiên cứu dự đoán các trường hợp mắc chứng đau buồn quá độ liên quan tới đại dịch sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Nhiều người ôm tiếc nuối vì không thể tiễn người thân ra đi bằng một lễ tang tử tế, người tỏ ra bất bình khi đại dịch tiếp tục kéo dài.
"Tôi nghe mọi người bàn tán về dịch bệnh trong văn phòng, nhưng cố không tham gia vì sợ bị coi là thiếu chuyên nghiệp khi chưa thể vượt qua nỗi đau", Betsy Utnick, người phụ nữ mất bố vì Covid-19 vào tháng 12 năm ngoái, kể.
Wasti, nhà sáng tạo nội dung trực tuyến ở New York, vẫn loay hoay tìm lối thoát cho bản thân sau khi bố cô qua đời.
"Đây là lần đầu tôi mất đi một người mình yêu quý, Tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ ổn sau vài tháng nhưng tôi đã sai. Cảm xúc tiêu cực cứ liên tục ập đến như những đợt sóng", cô nói.
Giờ, những người mất đi thân nhân vì Covid-19 đang chia sẻ nỗi buồn, tưởng nhớ người đã khuất trên mạng xã hội. Ở một hội nhóm trên Internet, hơn 10.000 thành viên tham gia, thảo luận về chủ đề này.
Ngoài việc chia sẻ câu chuyện cá nhân, Lisa Smid, một công dân New York, cố gắng xoa dịu nỗi nhớ bạn trai quá cố bằng một bài giảng trực tuyến tại Bảo tàng Vận tải New York.
"Thông qua sự kiện này, tôi muốn giải phóng bản thân khỏi nỗi buồn. Không ai xứng đáng trải qua những cảm xúc này", cô trải lòng.