Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu quả của việc làm nhục trẻ nơi công cộng

"Việc đánh, xé quần áo của trẻ giữa phố thường bắt nguồn từ sự bất lực của phụ huynh khi không biết đối phó với hành vi xấu của con như thế nào", TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Ngày 18/12, clip được đăng tải trên mạng xã hội, quay cảnh cậu bé gào khóc khi bị người phụ nữ dùng dao rạch nát ống quần. Sau đó, người này liên tục dùng gậy đánh đập cậu bé, dùng dây trói ngang hông, miệng không ngừng quát mắng chết đi, sống làm gì ô nhục…”.

Qua tìm hiểu, người phụ nữ này là bà ruột cậu bé. Bố mất sớm, mẹ đi làm xa nên cậu được bà nuôi từ nhỏ. Bà hành xử như vậy sau nhiều lần cháu trốn học đi chơi.

Hình ảnh cắt từ clip.

Clip nhận được hơn 200 lượt chia sẻ và gần 1.000 bình luận. Trong đó, nhiều ý kiến phản đối cách hành xử của người bà. Bạn Nguyễn Thúy Quỳnh viết, "làm ơn tôn trọng con trẻ, hãy dùng những cách dạy bảo có văn hóa, đừng bạo hành hay xúc phạm trẻ".

Đồng tình với ý kiến trên, bạn Thành Huynh bình luận, như vậy không phải dạy con cháu, mà càng đưa bé vào sai lầm. Cháu bỏ học thì thiếu gì cách khuyên dạy, có cần phải làm nhục bé giữa đường vậy không?

"Ai chẳng thương con cháu, gặp trường hợp như vậy cũng bực, nhưng dạy như vậy là sai lầm trong cách giáo dục", bạn Ngọc Hà nêu quan điểm.

Cậu bé bị mẹ lột truồng đánh giữa phố từng gây xôn xao trong năm 2014.

Trước đó, những hành vi làm nhục trẻ em tại trường học hay trong gia đình cũng xuất hiện. Đa số vụ việc được phát giác nhờ chia sẻ của cộng đồng mạng.

Tháng 4/2015, cho rằng con trai 8 tuổi lấy trộm 100.000 đồng của bà nội đi chơi, một ông bố ở Nghệ An dùng móc áo bằng sắt đánh bầm dập cháu bé, gây thương tích 7%.

Trước đó, mạng xã hội cũng xuất hiện cảnh bố mẹ đánh con giữa nơi đông người, hay cậu bé ở Lạng Sơn bị mẹ lột hết quần áo đánh giữa phố.

Bạo hành vì bất lực

Theo TS Trần Thành Nam, giảng viên Tâm lý học lâm sàng Trẻ em và vị thành niên (ĐH Quốc gia Hà Nội), hành vi đánh, xé quần áo của trẻ vì phát hiện trốn học; hay lột truồng, đánh con giữa phố thường bắt nguồn từ sự bất lực của người lớn.

Bên cạnh đó, phụ huynh cảm thấy bị mất mặt, không kiểm soát được cảm xúc nên có hành vi bùng nổ mà chưa cân nhắc hậu quả. Thậm chí, một số người lớn còn tin rằng việc cho trẻ biết nhục, biết đến tận cùng xấu hổ thì chúng sẽ sợ và không mắc lỗi.

Tuy nhiên, TS Nam cho rằng, những cách ứng xử trên có thể mang lại hậu quả xấu cho trẻ: Trẻ học được một giá trị. Nếu ai đó làm mình xấu hổ hoặc mất mặt, mình có quyền làm nhục họ như cách bố mẹ làm với mình là xé quần áo, đánh trước sự chứng kiến của đám đông.

Bản thân trẻ từng trải nghiệm sự xấu hổ (bị lột quần áo) là một tổn thương. Nếu những việc đó được ghi lại, chia sẻ lên mạng, mỗi lần có người like là một lần đứa trẻ phải trải nghiệm lại sang trấn tâm lý đó. Sự lặp lại sẽ gây tổn thương lòng tự trọng của bé.

Từ cái nhìn định kiến của những người khác, trẻ sẽ gắn nhãn mình là đứa không ra gì, không thể nào khá lên được, mình xứng đáng bị người khác đối xử như vậy vì đến bố mẹ còn làm như thế với mình.

Cách hành xử khi con không nghe lời, trốn học

Từ phân tích trên, TS Trần Thành Nam cho rằng, "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", bố mẹ phải phân tích kỹ việc con không nghe lời hay trốn học do đâu?

Có thể con không nghe lời do chính bố mẹ cũng đưa ra các yêu cầu bất khả thi với hoàn cảnh và năng lực của con. Có thể trẻ trốn học vì môi trường không mang lại được sự chia sẻ và an toàn. Vì vậy, trẻ chuyển sự quan tâm vào những thứ khác như nhóm bạn bè xấu nhưng chấp nhận trẻ.

Nếu ông bà, bố mẹ muốn con cháu có quyết tâm thay đổi và làm những điều mình muốn (như đi học, vâng lời) thì hãy quan tâm, lắng nghe, nhận ra sự tiến bộ và tưởng thưởng xứng đáng (bằng cả những phần thưởng vật chất và tinh thần như thời gian cho nhau, đi chơi cùng nhau...).

Người lớn cũng nên học phương pháp kỷ luật tích cực. Nên thay thế các phương pháp giáo dục con cái dựa trên sự sợ hãi (đánh đập, dọa dẫm) và xấu hổ (lột quần áo ở nơi công cộng; hạ nhục trước mặt người khác) bằng các hình thức kỷ luật như hệ quả logic (con gán nợ cái xe đạp thì phải đi bộ), phạt bằng việc cách ly khỏi cái trẻ muốn (như cấm túc); phạt bằng cách tước quyền lợi (vì con phạm lỗi nên bây giờ với con là không tivi, không ipad và không điện thoại...).

 

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm