Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu trường 10 cảnh phim nổi tiếng: Hollywood đã làm ra sao?

Để quay được một cảnh phim hoàn hảo, cần có công sức của rất nhiều người. Nhưng đôi khi, người ta không dự đoán trước được những rủi ro trong quá trình sản xuất.

Các nhà làm phim có thể “ứng vạn biến”, và đôi khi một tình huống ngẫu nhiên có thể bẻ chuyện phim theo một hướng hay hơn.

Dưới đây là chuyện hậu trường của 10 cảnh phim nổi tiếng: Hollywood đã làm ra sao?

Alien

Fan của phim khoa học giả tưởng sẽ không bao giờ quên cảnh các nhân vật trong Alien lần đầu lạc bước giữa không gian vô định, tăm tối, mở ra cho tất cả những điều điên rồ sau đó. Phần còn lại do nhân vật Space Jockey “cướp diễn đàn”.

Nhưng để đảm bảo các xác chết đủ “nặng ký” trong phim, đạo diễn Ridley Scott đã thay diễn viên bằng những đứa trẻ cho những cảnh quay dài hơn - cụ thể là con của ông và nhà quay phim Derek Vanlint. 

Apocalypse Now

Apocalypse Now, bản trường ca về Việt Nam của Francis Ford Coppola, được xem là một trong những bộ phim hay nhất của điện ảnh thế giới, và danh xưng đó đến không hề dễ dàng.

Quá trình sản xuất gặp không biết bao nhiêu trục trặc, nhưng chuyện Martin Sheen bị đột quỵ bởi một cơn đau tim vì lịch quay “nhừ tử” có thể nói là điều tệ nhất.

Đạo diễn giữ kín chuyện này, và gọi người anh em của Sheen đến phim trường để làm người đóng thế cho nam diễn viên cho đến khi Sheen hồi phục. 

The Shining

The Shining lôi cuốn nhờ cảm giác hồi hộp kéo dài và sự “tra tấn tinh thần” chầm chậm suốt bộ phim, cho đến khi nhân vật Jack Torrance phát khùng.

Anh ta đã điên cuồng phá nát cánh cửa phòng tắm khi phát hiện vợ và con trai trốn trong đấy. Đoạn phá cửa bằng rìu này đã trở thành một trong những cảnh phim mang tính hình tượng nhất.

Không khí tại hiện trường căng thẳng cực độ trong cảnh quay với Jack Nicholson, Shelly Duvall (người vợ) và vị đạo diễn khó đoán: Stanley Kubrick.

Nicholson là cựu lính cứu hỏa tình nguyện, tỏ ra rất “nhà nghề” khi phá cửa, khiến bộ phận đạo cụ được yêu cầu phải chuẩn bị loại cửa dày hơn. Và thế là cùng với “sở thích” quay đi quay lại không biết mệt của đạo diễn, tổng cộng có 60 chiếc cửa bị chẻ vụn.

The Exorcist 

Đôi khi, một cảnh phim tuyệt vời cũng có thể kết thúc số phận trong phòng dựng. Và đó là trường hợp của The Exorcist (1973). Sau khi cô gái trẻ bị chiếm hữu, người mẹ đã tìm hai linh mục đến để làm phép, và kết quả thật “dã man”.

Regan (Linda Blair), người bị chiếm hữu, bỗng có thể quay đầu 360 độ và nôn vọt xa đến mức kinh ngạc. Nhưng màn “khủng” nhất của cô chỉ được hé lộ khi bộ phim công chiếu lại vào năm 2000 nhân kỷ niệm 25 năm.

Trong cảnh đó, Regan cong ngược người và đi xuống cầu thang, một kỹ thuật gọi là “nhện đi bộ”. Nghệ sĩ uốn dẻo Linda R. Harger đã đóng thế cảnh này, dĩ nhiên có nhiều dây nhợ bảo hộ.

Phần hậu kỳ gặp khó khăn để xóa dây (vì chưa đủ kỹ thuật), nên cảnh quay bị cắt đi. Nhiều năm sau, khi có thể xóa bằng kỹ xảo hiện đại, “nhện đi bộ” được trả về đúng chỗ.

Indiana Jones

Series Indiana Jones có rất nhiều cảnh tuyệt vời, nhưng không phải cảnh nào cũng nhờ vào hiệu ứng đặc biệt hoặc diễn viên đóng thế. Trong phần Last Crusade, Indy và cha anh có một chuyến đi giữa mùa đông giá rét trên khinh khí cầu của Đức.

Thực tế, cảnh này quay vào mùa hè. Các diễn viên quần chúng phải mặc áo khoác lông và đội mũ kín mít, ai cũng mồ hôi ròng ròng. Sean Connery quyết định… cởi bớt quần, tin là phần dưới sẽ không lọt vào máy quay. Harrison Ford cũng làm tương tự. Cuối cùng, cảnh phim mà cả hai chỉ độc chiếc quần lót (che dưới bàn) đã bị cắt.

Jaws

Hàm Cá Mập (Jaws) của Steven Spielberg là một trong những bộ phim đáng sợ nhất. Con cá mập khổng lồ không chỉ là cơn ác mộng với khán giả mà với cả đoàn phim, làm chậm trễ lịch quay và tiêu tốn ngân sách.

Vấn đề “bự” nhất là 3 con cá mập điện tử tên Bruce. Mặc dù được giao cho nhà thầu “xịn” nhất thiết kế, nhưng do thường xuyên ngâm nước, chúng cần được sơn lại hàng đêm. Ngoài ra, máy móc bên trong cần bảo trì hàng tuần vì nước biển gây hỏng hóc.

Thế nhưng, hoãn lịch quay cũng không hẳn là chuyện xấu, vì nhờ vậy mà đạo diễn có thời gian sáng tạo nhiều hơn. 

Mad Max: Fury Road

Đạo diễn George Miller là người đòi hỏi cao về độ “thực” của các cảnh quay. Vì thế, khi thực hiện bộ phim Mad Max, ông lấy làm mừng khi 150 diễn viên đóng thế cũng có cùng tinh thần đó.

Fury Road phải hoãn khá lâu trong quá trình thực hiện, nhưng trong rủi có may, vì có thêm thời gian chuẩn bị để đảm bảo an toàn cho các diễn viên thế thân.

Màn giáp trận đung đưa trên những cây sào hoàn toàn không dùng kỹ xảo. Các diễn viên đóng thế đã được huấn luyện 8 tuần để có thể “nhuyễn” phần hành động này trước ngày bấm máy.

A Nightmare on Elm Street

Có vô số lý do để cảnh giác trong bồn tắm, và cảnh quay trong A Nightmare on Elm Street nhắc chúng ta hai chuyện: chết đuối và… Freddy Krueger. Bộ phim này có rất nhiều cảnh khủng khiếp, nhờ vào đạo diễn kiêm người viết kịch bản Wes Craven.

Một trong những cảnh giết người không thể nào quên là cảnh cô gái trẻ ngủ quên khi đang ngâm bồn và bị lôi tuột xuống nước bởi một bàn tay gớm ghiếc trồi lên từ đáy bồn. Diễn viên đóng thế diễn cảnh bị kéo xuống trong một chiếc bồn tắm không đáy đặt trên một hồ bơi, dựng bối cảnh xung quanh. 

Jurassic Park

Jurassic Park gây thót tim người xem khi ra mắt vào năm 1993. Cảnh kinh điển nhất: con T-rex bạo chúa “đe dọa” hai chị em đang kẹt cứng trong chiếc xe jeep. Con khủng long mô hình này nặng khoảng 6 tấn, đủ sức gây nguy hiểm cho đoàn phim. Để an toàn, người ta lắp chuông báo động, cho biết khi nào khủng long hoạt động.

Nhưng các cảnh mưa tầm tã trên hiện trường làm “mát” chuông, khiến nó báo động tùy tiện, làm mọi người càng hoảng sợ hơn. Để bớt căng thẳng cho các cảnh có con T-rex, đạo diễn Steven Spielberg sẽ giả tiếng khủng long qua loa tay, khiến đoàn phim mải cười quên cả sợ. 

Superman Returns

Bạn chẳng thể nào nhắc đến Siêu Nhân mà không có vùng quê Smallville Kansas. Thế nhưng, Superman Returns lại quay ở Australia, khiến đạo diễn Bryan Singer đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng.

Để cho thấy nông trại Kent với những cánh đồng ngô trải dài, nơi chú bé Clark khám phá siêu năng lực của mình, các nhà làm phim phải dựng nên cảnh đấy. Điều đó có nghĩa họ phải tạo một con đường giữa nơi không-có-gì-cả, rồi trồng lên một cánh đồng ngô trong vòng 4 tháng trước khi quay.

Về sau, phần lớn các cảnh nơi đồng ngô này bị cắt trên phim, chỉ giữ lại một cảnh. Thật lãng phí ngân sách!

http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20151115/hau-truong-10-canh-phim-noi-tieng-hollywood-da-lam-ra-sao/1002883.html

Theo Đường Thiên Khuê/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm