Hậu trường bát nháo giới chân dài
Hậu trường làng mẫu được ví như chiến trường không tiếng súng bởi đằng sau ánh đèn lấp lánh, tiếng vỗ tay và những váy áo lộng lẫy là hàng tá chiêu trò hạ bệ nhau.
Vietnam's Next Top Model đã bước vào mùa giải thứ 3 và sức hút của nó vẫn chưa hề giảm sút. Cái nhìn trung thực và sâu sắc hơn về thế giới thật của những cô gái chân dài trước khi bước lên sàn diễn chính là điểm giúp chương trình thu hút sự quan tâm của số đông khán giả. Nhưng song song với những ý kiến đồng tình, tán thưởng, vẫn có không ít những lời phản đối về cách huấn luyện "kỷ luật thép" của ban giám khảo. Thậm chí, một cuộc tranh cãi giữa những người trong nghề đã nổ ra gay gắt cũng từ một câu hỏi: Huấn luyện người mẫu có cần phải quá nghiêm khắc vậy không?
Hơn xa đàn em cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, nhưng Thanh Hằng cũng từng làm điều tương tự khi đổi ý ngay sát giờ diễn vì "không thích". |
Ai cũng có lý lẽ riêng của mình, nhưng với những người từng "ăn, nằm" với sàn catwalk, câu trả lời sẽ là cần thiết. Hơn ai hết, họ hiểu đằng sau ánh đèn lấp lánh, những tiếng vỗ tay, những bộ trang phục lộng lẫy và bắt mắt là cả một hậu trường giống hệt... bãi chiến trường. Và nguyên nhân của nó xuất phát từ chính là ý thức kỷ luật và phong cách làm việc của các chân dài xinh đẹp.
Là một nhà thiết kế thời trang, tổ chức sự kiện hoặc stylist, ngoài kỹ năng nghề nghiệp vốn có, các mẫu trẻ sẽ phải làm quen và học thêm một kỹ năng mới là khả năng chịu đựng. Không hiếm trường hợp chương trình đã lên kế hoạch ổn thỏa, tổng duyệt xong xuôi, tới trước khi bắt đầu vào trình diễn khoảng vài tiếng đồng hồ, người mẫu giữ vị trí quan trọng trong đêm nhan sắc bỗng dưng... mất hút. Và thế là nhà thiết kế, đạo diễn chương trình lại cuống cuồng lo đi kiếm một người mẫu khác thế thân nếu không muốn công sức cả tháng trời của mình đổ sông đổ bể.
Hồng Quế là người mẫu mới nhất dính sự cố bỏ show. |
Việc tìm người mẫu thế chân không khó, nhưng để tìm được người có số đo tương ứng vào đúng lúc "nước sôi lửa bỏng" ấy lại là cả một vấn đề nan giải. Chưa kể tới việc chất lượng đêm diễn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, uy tín của ban tổ chức cũng bị sụt giảm rõ rệt khi những cái tên thuộc hàng veddette được quảng cáo rầm rộ ấy lại "báo nghỉ" không lý do. Và như một sự trùng hợp đặc biệt, đa số những trường hợp bỏ diễn vô kỷ luật ấy hầu hết thuộc về những "ngôi sao" trong giới, chứ không phải những người mẫu mới chân ướt chân ráo vào nghề.
Tuy nhiên, bỏ diễn đột ngột cũng chỉ là trường hợp khá hi hữu mới xảy ra. Tác nhân chính khiến vô số chương trình bị đổi kịch bản phút chót lại chính là những chân dài đang góp mặt trên sàn diễn. Tập dượt hàng chục lần trước khi lên sân khấu, nhưng không hiểu vì lý do gì nhiều người mẫu vẫn cứ "đãng trí" diễn nhầm kịch bản khi bước lên sàn diễn thật.
Vị trí thường bị nhầm lẫn nhất chính là vị trí vedette trên sân khấu, bất chấp nó đã được phân công ngay từ đầu. Khi bước lên sàn chữ T, máu ăn thua đã trỗi dậy thì sự phân công nhiều lúc chỉ mang tính chất minh họa. Không hiếm trường hợp tranh giành vị trí dẫn đầu tới mức xô đẩy nhau ngay trên sàn diễn, cũng chẳng ít trường hợp nhà thiết kế bối rối khi phải dắt một lúc hai cô vedette lên sân khấu chào khán giả, để họ khỏi phải cãi lộn như các bà bán tôm cá.
Không chỉ mẫu nữ, những chàng trai chân dài cũng đem lại không ít rắc rối bất chấp việc đất diễn của họ còn hạn chế. Không tranh giành vị trí như đồng nghiệp nữ, rắc rối đến từ những chàng trai đẹp mã này chủ yếu tới từ sự tự tin quá lớn và mong muốn biến mình thành "cái rốn của vũ trụ".
Lê Kiên Định - giải bạc Siêu mẫu 2011 cũng nằm trong "sổ đen" của không ít nhà thiết kế. |
Nhà thiết kế muốn tất cả người mẫu để tóc thẳng, một mình chàng sẽ uốn tóc xoăn. Đạo diễn chương trình quy định tất cả trang phục sẽ được "đóng thùng" gọn ghẽ, riêng chàng phải phong phanh cho thêm phần lãng tử. Bị nhắc nhở, số đông sẽ gượng gạo làm theo, tuy nhiên có những trường hợp đã khiến nhà thiết kế "dựng tóc gáy" khi hùng hổ phán: "Tôi là người mẫu nổi tiếng, tôi có quyền mặc đồ theo ý muốn. Áp đặt ý đồ của nhà thiết kế lên tôi là... thiếu tôn trọng". Gặp những "ca khó" như thế này, nhà thiết kế cũng như những nhà tổ chức chương trình đành ngậm ngùi đưa tên chàng vào "sổ đen", bất chấp thương hiệu của chàng khi ấy đang đình đám cỡ nào...
Một người mẫu có cả chục năm đứng trên sàn diễn từng tuyên bố: "Ở đâu có cái gì, trong cánh gà sàn diễn có cái đó". Quả thật, ngoài hỉ nộ ái ố thường gặp như bất kỳ nơi đâu của cuộc sống, những chiêu trò hạ bệ nhau cũng xuất hiện nhan nhản ở nơi tưởng chừng chỉ toàn sắc màu nghệ thuật. Từ chuyện cạnh khóe sau lưng, cãi vã tay đôi, lật tẩy "bí mật động trời" cho tới chiêu trò tưởng chừng chỉ xuất hiện trên sân khấu ca nhạc, tất cả đều có hết đằng sau sàn catwalk.
Những tuyên bố đại loại: "Có nó thì không có tôi" không phải là chuyện hiếm hoi, thậm chí cả những siêu mẫu thuộc dạng đàn chị cũng thường xuyên sử dụng để làm phương tiện gây sức ép lên những đàn em trót làm mình "ngứa mắt". Tất nhiên, với sức ảnh hưởng của họ, không ít nhà tổ chức đành ngậm ngùi thỏa hiệp, bất chấp sự bất công những người mẫu ít tên tuổi phải gánh chịu.
Áp lực dưới ánh đèn màu quả thật không dễ chịu, nhưng liệu nó có phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc một loạt chân dài bỗng dưng đồng loạt mắc chứng... hay quên? Cách quên của họ cũng lạ lùng, khi họ đột nhiên quên mất trước đây mình từng xuất phát từ đâu và ai là người nâng đỡ mình tới vị trí hôm nay.
Trang Lạ - chân dài nổi tiếng với cách hành xử "lạ". |
Lừng danh nhất trong số các bệnh nhân này là một chân dài có cách hành xử lạ tới mức nhiều người băn khoăn không hiểu biệt danh của cô nàng có xuất phát từ đó hay không? Giáp mặt với những người quen biết, thậm chí từng làm việc lâu dài, ánh mắt cô nàng chỉ khẽ phớt qua tỉnh rụi và đôi chân lướt qua thật nhanh, bất chấp việc cách đó chỉ vài tháng, mỗi khi gặp họ cô đều vồn vã bước tới chào hỏi từ xa. Thậm chí, trong show thời trang của một nhà thiết kế từng giúp cô từ thuở mới bước chân vào nghề, cô người mẫu đến với tư cách khách không mời vẫn điềm nhiên như ngôi sao lớn khi thỏa sức tạo dáng chụp hình, quên luôn cả việc gật đầu chào "người anh" cũ! Nhà thiết kế kiêm ân nhân của cô nàng người mẫu cũng chỉ đành tự trào: "Mình cao 1m70, nặng 65kg, lại đứng ngay cửa ra vào, chẳng lẽ nó cũng không nhìn thấy?".
Có điều, sự suy giảm thị lực cũng như trí nhớ của những cô gái chân dài thường thường tỷ lệ thuận với việc "lên đời" của họ. Khi còn là người mẫu ít tên tuổi, tới muộn còn là việc hy hữu đừng nói tới chuyện dám bỏ show hay phá vỡ kịch bản chương trình, nhưng khi họ đã có danh tiếng, địa vị nhất định trong nghề, mọi thứ cũng theo đó mà đổi thay chóng mặt. Nói như cách hài hước của một cựu mẫu lừng danh thì: "Cũng nên thông cảm cho mấy em nó. Ngồi trên Audi Q7 thì nhìn ngang làm sao thấy được mặt ai mà chào hỏi?".
Hậu trường nhốn nháo của làng người mẫu vẫn còn là một câu chuyện dài kỳ, nhưng cách khắc phục nó hẳn không chỉ trông chờ vào sự tự giác cũng như ý thức công việc của những chân dài. Nói như Thái Bá Dũng - Giám đốc thương hiệu thời trang Maschio - thì hậu trường catwalk biến thành chiến trường không hoàn toàn chỉ do lỗi của những người trình diễn trên sân khấu. Chính những nhà thiết kế, người tổ chức chương trình là một phần lý do khiến cánh gà sàn diễn lộn xộn và bừa bãi. Sự cả nể, dễ thỏa hiệp cũng là môi trường tốt để sự vô kỷ luật trong giới mẫu có đất tung hoành.
Không ít người mẫu sau khi dính lùm xùm bỏ show, phá kịch bản lại đàng hoàng tiếp tục được xuất hiện trong các chương trình khác, giống như chưa từng có chuyện rắc rối xảy ra. Rất nhiều "ngôi sao" vẫn trụ vững trong nghề, bất chấp tiếng tăm và cách hành xử đã được đưa vào danh sách đen của vô số nhà thiết kế. Với hàng tá "tấm gương" rực rỡ như vậy, điều gì sẽ làm kim chỉ nam cho những mẫu mới chập chững trên sàn diễn?
Anh Thái Bá Dũng cho rằng, đã tới lúc các nhà thiết kế đừng mãi "hiền lành" và chịu trận. Không chỉ tạo một tiền lệ xấu cho ngành công nghiệp thời trang còn rất nhiều tiềm năng tại Việt Nam, sự hiền lành của họ còn tiếp tay cho sự thiếu ý thức, vô kỷ luật của một số không nhỏ người mẫu cả nam và nữ. Riêng đối với bản thân anh, một lời "tuyên chiến" rõ ràng và cứng rắn được đưa ra: "Ý đồ của nhà thiết kế luôn phải được tôn trọng hàng đầu. Tất cả người mẫu dù nổi tiếng tới đâu, nếu không thể chấp nhận yêu cầu đó và những quy định khác về trình diễn, tôi sẽ không làm việc. Cơ hội được dành cho những người mẫu khác, có thể ít tên tuổi hơn, nhưng có ý thức và kỷ luật tốt hơn. Đó mới là sự công bằng cần phải có!".
Theo TTTĐ