Hậu trường cuộc gặp lịch sử của Kim Jong Un và TT Hàn Quốc
Thứ hai, 30/4/2018 13:40 (GMT+7)
13:40 30/4/2018
Đội cận vệ tất bật chuyển mì lạnh, "thiên thần nhí" xứ Hàn khoe giọng hay hai đệ nhất phu nhân nắm tay là những khoảnh khắc đặc sắc dù không có mặt hai nhân vật chính của sự kiện.
Các nhân viên an ninh Triều Tiên chuyển những khay mì lạnh được bọc giấy bạc từ ôtô vào nơi tổ chức tiệc chiêu đãi tối 27/4 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjeom). Tiệc chiêu đãi do Tổng thống Moon Jae In chủ trì sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử.
Trong phát biểu khai mạc cuộc gặp sáng 27/4, ông Kim Jong Un đã đề cập món mì lạnh Bình Nhưỡng. "Tôi được biết là thực đơn bữa tối ở đây đã trở thành chủ đề nóng", ông nói với Tổng thống Moon Jae In. "Tôi có mang mì lạnh từ Bình Nhưỡng đến đây, hy vọng ngài tổng thống có thể thưởng thức mì Bình Nhưỡng".
Hai nhà lãnh đạo dùng mì lạnh từ nhà hàng Okryukwan nổi tiếng của Bình Nhưỡng. Lời giới thiệu về món mì của ông Kim đã khiến người Hàn Quốc đổ xô đến các cửa hàng mì lạnh, và "mì lạnh" vọt lên vị trí đầu tiên trong danh sách những từ khóa thịnh hành trên Twitter.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói với tổng thống Hàn Quốc rằng naengmyeon - món mì kiều mạch để trong nước dùng từ thịt ướp lạnh - đã đi "một chặng đường dài" từ thủ đô Bình Nhưỡng. Sau đó, ông quay sang đùa với em gái Kim Yo Jong, "À, có lẽ chúng ta không nên nói là xa".
Giọng ca 11 tuổi Oh Yeon Joon của Hàn Quốc biểu diễn trước các nhà lãnh đạo. Năm 2016, cậu bé trở thành hiện tượng tại Hàn Quốc sau màn trình diễn gây sốt trên chương trình "We Kid" với giọng hát trong trẻo và đầy xúc cảm.
Các vệ sĩ Triều Tiên tẩy trùng sàn nhà và bàn ghế trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngồi viết sổ lưu niệm tại Nhà Hòa bình ở khu phi quân sự. "Một lịch sử mới hôm nay bắt đầu; kỷ nguyên của hòa bình, bắt đầu của lịch sử", ông Kim viết.
Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Jung Sook (váy xanh) cùng Đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol Ju tại tiệc chiêu đãi ở Bàn Môn Điếm. Cả hai đệ nhất phu nhân đều từng có thời gian làm ca sĩ.
Hai đệ nhất phu nhân cầm tay nhau. Đây là lần đầu tiên ông Kim Jong Un và phu nhân đặt chân tới Bàn Môn Điếm, cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1953 đến nay, một lãnh đạo Triều Tiên đặt chân lên phần đất của Hàn Quốc.
Dàn cận vệ 12 người hộ tống xe của vợ chồng nhà lãnh đạo Triều Tiên rời bữa tiệc. Trước đó, với dáng vóc cao lớn trong bộ suit đen, họ đã gây chú ý khi chạy bộ hộ tống chiếc xe chở vị lãnh đạo về ăn trưa trong cuộc gặp thượng đỉnh. Không chỉ xuất thân từ những gia đình thượng lưu mà tính cách và ý thức hệ của họ cũng phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi trở thành cận vệ cho ông Kim.
Em gái của ông Kim Jong Un là Kim Yo Jong luôn theo sát người anh trai trong cuộc gặp thượng đỉnh lần này. Cô đã có màn ra mắt đầy ấn tượng ở Olympics PyeongChang tổ chức tại Hàn Quốc
hồi tháng 2.
Kim Yo Jong, 30 tuổi, hiện là người đứng thứ hai trong cơ quan tuyên truyền của đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền.
Giới quan sát nhận định cô cũng sẽ tháp tùng anh trai trong chuyến lần gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới.
Chung Eui-yong (phải), người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Hàn Quốc, trao đổi với Ri Su Yong, nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên.
Các nhà báo từ cả Hàn Quốc và Triều Tiên tập trung tác nghiệp kín phòng truyền thông tại Bàn Môn Điếm.
Khi ông Kim Jong Un tiến đến giới tuyến quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, 12 cận vệ đã đứng xung quanh ông theo đội hình chữ V. Họ đứng chờ ở ranh giới khi ông sang Hàn Quốc.
Hai nhà lãnh đạo Moon Jae In và Kim Jong Un xác nhận cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mọi con mắt giờ dồn về phía Donald Trump với cuộc gặp ông Kim trong vài tuần tới.
Tổng thống Philippines Rodridgo Duterte gọi nhà lãnh đạo Kim Jong Un là "người hùng của mọi người" sau khi ông Kim tuyên bố sẽ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.