Hậu trường lồng tiếng phim bộ Hong Kong
Dù không bao giờ xuất hiện trước công chúng đình đám như diễn viên, nhưng người lồng tiếng cũng là nhân tố quyết định 70% cho thành công của phim lồng tiếng.
Từ những năm 90, sự du nhập phim bộ Hong Kong, Đài Loan, nhất là phim kiếm hiệp vào Việt Nam và trở thành làn sóng làm mưa làm gió trên truyền hình. Hiện nay, phim lồng tiếng tuy không còn ở thời kỳ thịnh hành như trước nhưng vẫn giữ được chỗ đứng của mình trên các kênh truyền hình như HTV2, HTV3…
Ngày trước, khán giả thường ngạc nhiên khi xem phim vì các diễn viên đều là người Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan… nhưng lại nói tiếng Việt, thậm chí khẩu hình miệng cũng không chệch đi một chút nào.
Đặc biệt, người xem không bao giờ nhận ra các giọng nói của nhiều nhân vật như em bé, người trẻ, người già trong phim lại chỉ do một người lồng tiếng. Đó là nhờ vào khả năng nắm bắt tốt tâm lý nhân vật của người lồng tiếng để mang lại cảm xúc hoàn hảo nhất làm rung động trái tim khán giả qua màn hình nhỏ. Vì vậy, giọng nói của diễn viên lồng tiếng không đơn thuần là "nhái giọng" hay "pha tiếng", mà còn phải thể hiện được chiều sâu nội tâm của từng nhân vật.
Bộ phim Cô gái đồ long từng khiến người Việt say mê. |
Một số bộ phim được nhóm lồng tiếng Việt Nam thực hiện. |
Hoàng Kha, sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Tuyệt vời, không phải ai cũng có thể lồng tiếng phim được. Phải có chất giọng và đam mê như các anh chị cô chú thì mới mang lại cảm xúc cho phim".
Dù có rất nhiều khán giả hâm mộ cuồng nhiệt phim bộ lồng tiếng nhưng ít người biết đến sự góp mặt của những "ngôi sao" thầm lặng. Họ chỉ có thể phô trương giọng nói, khán giả không biết mặt, thậm chí, tên của họ chỉ xuất hiện mấy giây sau khi bộ phim kết thúc, đọc không kịp làm sao nhớ đến họ. Đạo diễn lồng tiếng Xuân Tâm từng nói: "Lồng tiếng là một nghề khắc nghiệt, công việc nhiều nhưng danh vọng và tiền tài gần như số không. Đây không phải và không thể là nghề giúp kiếm được tiếng tăm, sự giàu có".
Đa phần diễn viên lồng tiếng ở Việt Nam là những người được tuyển chọn từ các khóa diễn viên hay nhạc kịch. Họ đến với nghề từ rất lâu và vì đam mê nên mới tiếp tục cho đến bây giờ. Vì vậy, nhiều người bất ngờ khi biết đằng sau hình ảnh nam thanh nữ tú trẻ đẹp trong phim kiếm hiệp lại là những con người ở độ tuổi trung niên.
Nhóm lồng tiếng Phi Đạt. |
Một người hâm mộ phim bộ Hong Kong tâm sự: "Tôi rất ghiền chất giọng của các cô chú trong phim Hong Kong. Họ giúp phim có hồn, diễn tả thật như diễn viên đang nói tiếng Việt, giờ mới được thấy người thật giọng thật. Các cô chú vô cùng tuyệt vời! Tôi tự đặt câu hỏi: 'Mai mốt cô chú già hết, lớp trẻ có ai thay thế được tốt như họ không?'".
"Phần đầu đoạn clip người dẫn gọi họ là ''những ngôi sao thầm lặng''. Đó giờ cứ nghĩ mỗi vai trong phim cần mỗi người lồng tiếng khác nhau, ai ngờ một người trong các cô chú đã có thể đảm nhận nhiều vai giọng khác nhau. Lại còn đỉnh nữa! Thích nhất là cô Bích Ngọc", nickname A Rainy Day bình luận.
Hình ảnh cắt ra từ clip nhóm lồng tiếng ở hải ngoại. |
Nhóm lồng tiếng SanYang. |
Công việc lồng tiếng được thực hiện trong phòng thu tại các trung tâm điện ảnh và truyền hình ở các thành phố. Tay cầm kịch bản, tai nghe âm thanh, mắt nhìn màn hình và miệng "diễn" khớp với từng nhân vật là công việc hàng ngày của người lồng tiếng. Xen lẫn trong giờ làm việc là những giây phút vui vẻ, đùa giỡn của đội ngũ làm việc lâu năm bên nhau.
Được biết, mức cát-xê cho diễn viễn lồng tiếng được chia làm 5 mức. Thấp nhất là 200.000 đồng/buổi, với những người mới vào nghề, tuy nhiên, mức cao nhất cũng không vượt quá 1 triệu đồng/ngày.
Dù nghề lồng tiếng không mang lại danh vọng, tiền tài nhưng "những ngôi sao thầm lặng" vẫn tâm huyết mà tiếp tục theo đuổi nghề. Họ không chỉ quyết định 70% thành công cho bộ phim, mà còn góp phần tạo nên tuổi thơ đáng nhớ của đông đảo bạn trẻ trên toàn Việt Nam. Mấy ai là fan của TVB mà không nằm lòng câu nói: "Diễn viên lồng tiếng Thế Thanh, Bích Ngọc, Bá Nghị, Thu Hương...", phim nào cũng thế, tập nào cũng thế, nghe rất đỗi thân thương!
Theo NCĐT