Quy định tính phí dự kiến sẽ được thực hiện trong thời gian sắp tới. |
Sửa chữa rạn san hô sau khi tàu thuyền mắc cạn. Bảo vệ cây rừng bản địa khỏi sự bùng phát của nấm sát thủ. Tuần tra vùng biển để ngăn chặn nhóm bơi lội quấy rối cá heo và rùa.
Chăm sóc môi trường tự nhiên độc đáo của Hawaii cần có thời gian, nhân lực và tiền bạc, theo Yahoo News.
Hawaii đang muốn khách du lịch trả tiền cho những khoản này khi ngày càng có nhiều người đến đây nghỉ mát hoặc tò mò về khung cảnh ấn tượng xuất hiện trên báo đài.
“Thành thật mà nói, tất cả những gì tôi muốn làm là khiến du khách có trách nhiệm và giúp chi trả cho những tác động mà họ gây ra. Chúng tôi có khoảng 9-10 triệu khách du lịch mỗi năm, nhưng chỉ có 1,4 triệu người sống ở đây. 10 triệu khách đó sẽ giúp chúng tôi duy trì môi trường của mình”, Thống đốc bang Hawaii Josh Green phát biểu vào đầu năm 2023.
Trả phí khi đến Hawaii
Các nhà chức trách đang xem xét luật yêu cầu những cá nhân không phải người bản địa trả tiền để có giấy phép đặt chân đến công viên và đường mòn của tiểu bang. Họ vẫn đang tranh luận xem sẽ tính phí bao nhiêu.
Ông Josh Green đã đưa ra sáng kiến này vào năm ngoái thông qua đề nghị nộp 50 USD để vào Hawaii.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp cho rằng điều đó sẽ vi phạm hiến pháp Mỹ bảo vệ việc tự do đi lại và chuyển hướng sang cách tiếp cận khác.
Chính quyền “đảo thiên đường” đang noi theo các địa điểm tham quan đã áp đặt các loại phí hoặc thuế tương tự như Venice (Italy) và quần đảo Galapagos (Ecuador).
Ví dụ, quốc đảo Palau ở Thái Bình Dương thu tiền hành khách quốc tế đến 100 USD để giúp họ quản lý một khu bảo tồn biển rộng lớn và thúc đẩy du lịch sinh thái.
Tiểu bang thứ 50 của Mỹ tìm cách bảo vệ cảnh quan khi khách du lịch đổ đến nhiều hơn. Ảnh: Insider. |
Sean Quinlan, thành viên Hạ viện Hawaii, cho biết việc thay đổi mô hình là lý do đằng sau về sức hút của quần đảo này.
Cụ thể, số khách chơi golf mỗi ngày đã giảm 30% trong thập kỷ qua trong khi đi bộ đường dài tăng 50%.
Mọi người cũng tìm kiếm các vị trí ít người biết mà họ từng thấy ai đó đăng trên mạng xã hội. Thế nhưng, giới chức địa phương không có khả năng để quản lý tất cả nơi này.
“Không giống như cách đây 20 năm, du khách thường đưa gia đình đến một bãi biển nổi tiếng và đi xem Trân Châu Cảng. Ngày nay, hầu như số đông thích ghé qua nơi xuất hiện trên Instagram và có một cây dừa đu dây tuyệt đẹp”, Quinlan nói.
Phần lớn các công viên và đường mòn tại đây đang được sử dụng miễn phí.
Một số địa điểm phổ biến nhất đã tính phí, chẳng hạn Đài tưởng niệm Diamond Head State, nơi dẫn từ đáy miệng núi lửa 300.000 năm tuổi lên đến đỉnh. Nó thu hút 1 triệu du khách mỗi năm. Khách tham quan phải trả 5 USD/lần ghé.
Theo dự kiến, quy định này sẽ áp dụng cho những người không phải là cư dân từ 15 tuổi trở lên. Nếu muốn đến đến thăm rừng, công viên, đường mòn hoặc “khu vực tự nhiên khác trên đất của bang”, họ phải mua giấy phép hàng năm trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động.
Người có bằng lái xe Hawaii hoặc giấy tờ tùy thân khác sẽ được miễn.
Tác động từ du lịch
Kyle Kajihiro, giảng viên tại Đại học Hawaii (Mānoa), cho hay sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói đã khiến cuộc sống của người Hawaii bản địa trở nên tồi tệ hơn.
Du lịch mang lại nguồn thu lớn cho "viên ngọc của Thái Bình Dương". Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào ngành này đã dẫn đến việc người dân phải trả giá đắt là rời khỏi quê hương của mình và đối mặt với biến đổi khí hậu, tàn phá cảnh quan thiên nhiên, theo CNN.
Nhu cầu bảo tồn của Hawaii rất lớn. Các loài gây hại xâm lấn đang tấn công những khu rừng của quần đảo. Ngoài ra, việc quấy rối động vật hoang dã như cá heo, rùa và hải cẩu là một vấn đề thường xuyên tái diễn.
Những người đi bộ đường dài cũng có thể vô tình tác động xấu đến thiên nhiên bằng ủng của họ. Còn du khách lặn biển và đi du thuyền thì giẫm lên san hô, gây thêm căng thẳng cho các động vật biển vốn đang phải vật lộn với tảo xâm lấn và hiện tượng tẩy trắng.
Những người đi bộ đường dài có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng. Ảnh: The Onion. |
Một báo cáo năm 2019 của tổ chức Bảo tồn Quốc tế ước tính tổng chi tiêu cho việc bảo vệ môi trường ở Hawaii lên tới 535 triệu USD, trong khi nhu cầu thực tế là 886 triệu USD.
Gần đây, tại đường mòn Diamond Head, một số du khách cho rằng mức phí này sẽ hợp lý đối với những ai thường xuyên đến Hawaii hoặc ở lại trong vài tuần.
Con số 50 USD là quá cao, đặc biệt đối với nhóm coi việc đi dạo giữa thiên nhiên là một hoạt động ít tốn kém.
“Với gia đình đông người muốn có trải nghiệm với bọn trẻ, đó sẽ là một khoản tiền lớn”, Sarah Tripp (sống tại Marquette, Michigan), người đang đi nghỉ mát cùng chồng và 2 con, chia sẻ.
“Nếu khách du lịch được thông báo trước, họ sẽ sẵn lòng chi trả. Tuy nhiên, nếu bị tính phí bất ngờ, điều đó sẽ thật tệ hại”, Katrina Kain, giáo viên tiếng Anh đến từ Puerto Rico, bày tỏ.
Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm
Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.