Công thứ nhất, đó là cô Nhung đã cho thấy thực trạng của việc thực hiện quy định không xúc phạm danh dự, không xâm phạm thân thể học sinh trong ngành giáo dục, ít nhất là ở tỉnh Long An.
Tình cảm của những học sinh nhỏ đã giúp "cô giáo quỳ xin lỗi" đứng vững. |
Cô Nhung là giáo viên trẻ, vừa từ nơi khác chuyển về trường tiểu học Bình Chánh chưa được tháng. Trong hoàn cảnh đó, bao giờ giáo viên cũng dè dặt, không làm những gì mà mình chưa chắc đúng, có thể bị “dòm ngó”.
Việc cô Nhung vừa về trường mới đã thực hiện ngay phạt học sinh quỳ gối, điều đó chứng tỏ cô từng hành xử như vậy một cách bình thường ở nơi cũ - một trường tiểu học khác cũng thuộc huyện Bến Lức.
Bến Lức không phải vùng sâu, mà trái lại là huyện công nghiệp phát triển hàng đầu của tỉnh Long An. Câu hỏi đặt ra, ở các trường tiểu học vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi nhiều người nông dân vẫn còn thói quen gửi con mình cho giáo viên “Cô đánh cho nó nên!”, tình trạng xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể học sinh còn ở mức độ nào?
Công thứ hai, đó là qua chuyện “cô giáo quỳ xin lỗi” đã phần nào cho thấy năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục. Để trở thành hiệu trưởng, thầy Huỳnh Công Sơn buộc phải qua lớp Trung cấp Lý luận chính trị và lớp Quản lý Giáo dục. Ở những lớp học kéo dài đó, người cán bộ được trang bị rất đầy đủ kỹ năng quản lý.
Vậy mà, trong một tình huống rất đơn giản (nhưng nhạy cảm), thầy Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Chánh lại để xảy ra chuyện đau lòng. Chỉ cần người đứng đầu trường Tiểu học Bình Chánh đưa ra quyết định chưa cần thật chính xác, mà đừng sai lầm nghiêm trọng, mọi việc đã tốt hơn nhiều.
Công tiếp theo, cách hành xử của các phụ huynh trong trường hợp này phần nào cho thấy thực trạng của Ban Đại diện Cha mẹ học sinh ở nhiều trường học. Theo tinh thần chung, Ban Đại diện Cha mẹ học sinh được lập ra để phối hợp với giáo viên và nhà trường lo cho các em học sinh.
Trong trường hợp này, khi phát hiện giáo viên xử phạt học sinh quỳ gối, chỉ cần bà Trưởng Ban Đại diện Cha mẹ học sinh gặp giáo viên để góp ý hoặc phản ánh đến trường để góp ý với hiệu trưởng, là mọi việc được khắc phục ngay. Nhưng không, các bậc phụ huynh đã “đùng đùng” kéo vào trường và gặp cho bằng được giáo viên để “trả đũa” bằng cách bắt “quỳ cho biết khổ”.
Công nữa của cô Nhung là đã cho thấy vẫn còn nguyên vẹn tình yêu trong sáng của học sinh dành cho thầy cô, mặc cho người lớn có làm điều gì trái quấy.
Trong những ngày qua, trước áp lực tinh thần khủng khiếp đè nặng cô giáo trẻ sinh non ngày tháng, tình cảm của những học trò nhỏ dành cho cô giáo, những đôi mắt ngây thơ trong vắt của các em đã giúp cô giáo Nhung đứng vững.
Thậm chí, vào đúng ngày 8/3, cô Nhung đã dự định sẽ thôi không đi dạy nữa. Khi cô tạt vào lớp nói lời chia tay các học trò, nhiều em đã òa khóc, khuyên cô đừng bỏ lớp, bỏ các em… Và cô Nhung đã thay đổi quyết định, sẽ vượt qua thách thức, tiếp tục đứng trên bục giảng, tiếp tục gắn bó với học sinh thân yêu!