Ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng (CĐ) Bách Việt (TP.HCM), cho biết cùng thời điểm này năm ngoái, hơn 200 thí sinh đăng ký học nhưng năm nay thì chưa có hồ sơ đăng ký. Cũng có thí sinh hỏi thăm thông tin về trường nhưng cũng chỉ hỏi cho biết.
Nguyện vọng nào cho CĐ?
Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia mới là mùa để các trường ĐH và CĐ tuyển sinh. Theo đánh giá của hiệu trưởng các trường CĐ, mùa tuyển sinh năm nay sẽ khó khăn hơn.
Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết năm nay, khi thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia cũng đồng thời đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.
Điều đáng nói, các trường CĐ đã chuyển về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên sẽ không thể xuất hiện trong danh sách nguyện vọng trên hồ sơ của thí sinh bởi không chung hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT, chỉ những trường CĐ sư phạm vốn còn thuộc Bộ GD&ĐT mới có tên trong hệ thống. Chỉ chừng đó đã thấy trường CĐ bất lợi đến chừng nào.
Một bất lợi nữa cho các trường CĐ là chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH tăng nhiều. Theo ông Trần Mạnh Thành, dù Bộ GD&ĐT vẫn duy trì điểm sàn, các trường CĐ không hy vọng nhiều về những thí sinh “lọt sàng xuống nia” bởi chỉ tiêu của nhiều trường ĐH tăng và số trường xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT ngày càng nhiều.
Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
|
Nếu như năm 2016 hơn 200 trường xét tuyển bằng học bạ thì năm 2017, số này tăng lên gần 300 trường. “Tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh, tôi nhận thấy trường CĐ bị lạc lõng bởi thí sinh chỉ quan tâm các trường ĐH chứ không quan tâm bậc CĐ”, ông Thành trăn trở.
Hiệu trưởng một trường CĐ khác cho biết mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu các trường CĐ chuyển về từ Bộ GD&ĐT phải chuyển đổi chương trình đào tạo (nhưng không ghi lộ trình) để phù hợp chương trình của bộ này. Việc yêu cầu lúc này là đánh đố vì các trường mới chuyển về.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng CĐ Công Thương TP.HCM, cho rằng từ năm 2018 trở đi, khi Bộ GD&ĐT không quy định điểm sàn, hệ CĐ còn bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa.
Loay hoay tìm 'đường sống'
Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng CĐ Viễn Đông, nhận định quy chế xét tuyển ĐH ngày càng thoáng cùng với xu hướng ĐH hóa toàn dân thì chắc chắn bậc CĐ sẽ có tác động, nhiều trường khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh. Trường nào đã khẳng định được thương hiệu mới hy vọng tuyển sinh tốt.
Theo ông Hải, vấn đề cốt lõi của tuyển sinh là chất lượng đào tạo và việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, trường nào giải quyết được việc đó sẽ thuận lợi trong tuyển sinh.
Ông Trần Mạnh Thành cho biết nếu không kết nối với doanh nghiệp để tạo việc làm cho thí sinh sau khi ra trường thì trường sẽ rất khó tuyển sinh, ngay cả khi đó là trường ĐH.
Bên cạnh đó, các trường cần phải thiết kế lại chương trình đào tạo để giảm thời gian học, qua đó giảm được học phí cho sinh viên.
“Ở Trường CĐ Bách Việt, thời gian đào tạo của nhiều ngành chỉ còn 2 năm; những ngành như công nghệ, sức khỏe còn 2 năm rưỡi thay vì 3 năm như trước đây”, ông Thành nói.
Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cũng thừa nhận quy mô tuyển sinh 5 năm qua không đạt so với mục tiêu và liên tục giảm qua các năm. Tuyển sinh ngày càng khó khăn, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập, chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất yếu kém, giáo trình đào tạo còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chất lượng và hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở còn thấp…
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho rằng tuyển sinh năm 2017 sẽ vô cùng khó khăn, đặc biệt đối với những trường chưa tạo được thương hiệu.
Khó khăn này đặt ra yêu cầu các trường, kể cả trường công lập, phải tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo gắn với yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu không, thí sinh sẽ không đến, các trường không tuyển sinh được thì không thể duy trì hoạt động.