Hè độc của teen: Đi ăn chuột đá
Ở ngôi làng xứ Mường tỉnh Hoà Bình, người con trai nào chưa săn được chuột đá thì xem như chưa trưởng thành.
Ở xứ Mường (Cao Phong, Hoà Bình), Việt Lâm tỏ vẻ bí mật: “Miền Tây các bạn có chuột dừa, chuột đồng nghe nói rất ngon phải không? Tối nay mình sẽ dẫn bạn săn chuột đá rừng núi xứ Mường để so sánh”.
Việt Lâm bật mí thêm: "Vùng này ở những đồi cỏ ranh hay ruộng lúa cũng có nhiều chuột to nhưng không mấy người bắt". Cậu cho biết, hào hứng và cũng uy tín nhất vẫn là săn chuột đá bởi thằng con trai nào chưa bắt được nó thì vẫn bị xem như chưa lớn
Trong gần đỉnh Đá Chắm, Đá Sống nổi danh có những tay săn chuột đá cừ khôi, Lâm kể: "Mỗi lần săn chuột đá là một lần đấu trí rèn luyện người đi săn đức tính kiên trì, tinh nhanh bởi khả năng về tay không sau một đêm thức trắng là chuyện bình thường".
Khi tôi và Lâm tới thì một nhóm thợ săn chuột đá trong đó có rất nhiều teen lần đầu tiên theo chân các anh học nghề với đèn pin trên trán, dao đi rừng, cung nỏ, mồi dụ chuột đá… đang chờ háo hức lên đường.
Lên đường. |
Chàng trai dân tộc Mường nổi danh sát thủ chuột đá tên Tính ở làng Má Trong, có thâm niên hơn mười năm đấu trí cùng loài vật tinh khôn này cho biết săn chuột đá phụ thuộc vào tuần trăng. Trăng sáng thì chuột không đi kiếm ăn. Như đêm nay trăng thượng tuần phải chờ trăng lặn khoảng nửa đêm mới may ra “dụ khị” được nó ra khỏi hang để “ra tay”.
Lội bộ rả rời cả chân không biết bao nhiêu km, nhiều lần ngã dúi dụi trong bóng tối cuối cùng chúng tôi cũng đến được núi đá. Cả nhóm toả ra nhiều hướng tìm các hang đá đặt mồi là các củ mì làm mồi nhử.
Có kinh nghiệm nhiều lần theo chân các “sát thủ”, Việt Lâm vừa đặt mồi vừa cho biết: “Chuột đá tinh quái lắm, phải kiên nhẫn chờ nó ra ăn quen rồi mới dùng nỏ bắn, nếu đặt bẫy là thua. Nhiều con bị bắt hụt sau này trở nên kỳ quái mình cũng phải sợ”.
Vượt qua các vách đá. |
Đặt mồi. |
Sau khi đặt bẫy, đặt mồi, chúng tôi tắt đèn ngồi im trên các hốc đá. Trời Tây Bắc lạnh căm căm, sương rơi lộp bộp trên áo, hai chúng tôi vẫn dõi mắt chờ tiếng sột soạt nhưng tất cả chìm vào im lặng. Cơn buồn ngủ khiến tôi díp cả mắt.
Cái bấm nhẹ vào tay của Tính làm tôi chợt bừng tỉnh. Tiếng sột soạt nghe rất rõ, vậy là có một con chuột đá đang ăn mồi ngoài kia.
Ra tay. |
Anh chàng người Mường cầm chắc nỏ trên tay rồi bật đèn sáng rực. Một con chuột rất to, mắt đỏ lừ ngừng cạp sắn cảnh giác. Nhưng khi Tính chưa kịp bắn thì con vật đã chạy. Đến lần phục thứ ba, phát tên của sát thủ chuột đá mới trúng đích.
Một chú chuột đá trúng tên lăn quay. |
Cầm trên tay chiến lợi phẩm, Tính kể có lần chàng phục suốt hai ngày mới bắn hạ được một con chuột trùm nặng cả ký làm được mấy món ngon lành đãi cả nhà.
Gần sáng, chúng tôi hú gọi nhau về. Đêm nay dù không thắng lớn nhưng không nhóm nào phải trở về làng tay trắng.
Đúng như Lâm nói ngay từ đầu với tôi săn chuột đá chẳng dễ, người săn chuột đá không chỉ để thoã mãn cái thú đấu trí xuyên đêm cùng loài vật tinh ranh này mà còn ghiền cảm giác thưởng thức mùi vị đặc biệt của đặc sản vùng cao này.
Không như chuột đồng, chuột dừa tràn lan ở miền Tây, thịt chuột đá ngon hơn bất cứ thịt loài chuột nào khác và chỉ để chia và đãi nhau chứ hiếm khi nào bán, nhiều nhà giàu bỗng dưng thèm món đặc sản này cũng đành nuốt nước miếng. Thịt chuột đá có thể làm được nhiều món nào luộc, hầm, nướng nhưng ngon nhất vẫn là om cùng với thân chuối rừng non ngon đến quên cả lối về.
Ở nhiều vùng chuột đá nhiều mà tôi từng đi qua như Sơn La, Hà Giang, teen ở đây mỗi lần đặt bẫy một đêm bắt được khá nhiều ăn không hết nên gác lên giàng bếp đến khi thịt chuột khô lại mang ra nướng ăn thơm ngon không thể tả.
Theo Mực Tím