Bộ phim đầu tiên trong series The Fast and the Furious ra mắt trong mùa hè 2001, đạt thành công về mặt doanh thu và kéo theo 2 Fast 2 Furious hai năm sau đó. Do một số bất đồng với hãng Universal, Vin Diesel không góp mặt trong tập hai. Dù vẫn đạt doanh thu cao, 2 Fast 2 Furious vấp phải nhiều chỉ trích, thậm chí còn phải nhận hai đề cử Mâm xôi vàng và thường được coi là tập phim kém nhất của cả loạt.
Ý tưởng để Vin Diesel xuất hiện trong đoạn cuối Tokyo Drift (2006) đến từ nhà biên kịch Chris Morgan. |
Dẫu vậy, Universal vẫn muốn kéo dài Fast & Furious sang tập ba nhưng chỉ với mức kinh phí sản xuất khiêm tốn là 10 triệu USD, cùng kế hoạch phát hành bộ phim dưới định dạng DVD thay vì ra rạp. Đây là lúc nhà biên kịch Chris Morgan xuất hiện, giới thiệu kỹ năng “drifting” gây sốt tại xứ sở hoa anh đào khi đó vào cốt truyện. Cuối cùng, Universal mời Vin Diesel xuất hiện chớp nhoáng ở đoạn cuối Tokyo Drift, mở đường cho phần 4 ra mắt năm 2009.
Tokyo Drift có thể không đạt thành công vang dội, nhưng nó vẫn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của thương hiệu tốc độ mà Chris Morgan tạo ra. Đó là đưa Fast & Furious ra ngoài biên giới nước Mỹ. Cũng chính ông là người gợi ý Universal mời Vin Diesel và Paul Walker trở lại trong phần 4 sau khi Tokyo Drift khép lại.
Chris Morgan là tác giả kịch bản của loạt Fast & Furious kể từ tập ba tới nay. |
Từ Fast & Furious (2009) cho tới Fast & Furious 7 (2015), khán giả được gặp gỡ nhiều nhân vật đến từ các nền văn hóa khác nhau, cũng như chu du tới nhiều miền đất trên thế giới như Cộng hòa Dominican, Brazil, Anh, Azerbaijan, Tây Ban Nha... Trên thực tế, Chris Morgan là tác giả kịch bản của cả bốn tập phim kể từ Tokyo Drift tới nay.
Điều may mắn là người hâm mộ không bao giờ quay lưng với Fast & Furious, ngay cả tại thời điểm thương hiệu chạm phải điểm đáy. Nhà biên kịch nhận xét: “Phản hồi của khán giả với đoạn kết của Tokyo Drift thật tuyệt vời. Lúc đó, chúng tôi biết mình có thể đem những nhân vật cũ trở lại trong phần 4. Phần 5 là một sự bùng nổ và thành công kéo dài cho tới tận ngày hôm nay”.
Khi Fast & Furious bước sang phần 7, khán giả có thể cảm nhận thấy quy mô và sự điên rồ của các pha hành động ngày một lớn hơn. Tuy nhiên, theo Chris Morgan, thứ tạo ra cảm xúc “là những điều nhỏ nhặt diễn ra xen giữa các pha hành động, như sự phản bội, một bí mật, hay một đứa bé mới chào đời... Xe hơi có thể bay qua các tòa nhà, nhưng khán giả vẫn chấp nhận điều đó bởi họ quan tâm đến các nhân vật ngồi trong xe”.
Cốt truyện của các tập phim Fast & Furious kể từ khi Chris Morgan tham gia có liên quan hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, tập bốn, năm và sáu là các sự kiện xảy ra trước phần ba. Fast & Furious 7 là những gì diễn ra ngay sau Tokyo Drift. Cảm hứng để Chris Morgan tạo ra cốt truyện xuyên suốt là trò chơi Dungeons & Dragons mà ông rất ưa thích.
Nhà biên kịch tiết lộ: “Tôi thỉnh thoảng vẫn chơi trò đó với nhiều đồng nghiệp khác. Kịch bản Fast & Furious giống như một trò chơi, khi một tình tiết nhỏ có thể dẫn tới những sự kiện lớn hơn diễn ra sau đó. Chúng tôi luôn cố gắng gieo mầm cho các nhân vật và cốt truyện, rồi chờ đợi cơ hội để giúp chúng nảy mầm. Chẳng hạn như phần 6 vốn bắt nguồn từ phần 4. Tôi nghĩ điều tương tự sẽ xảy ra ở phần 8”.
Cũng giống như nhiều người đồng nghiệp, Chris Morgan bị ảnh hưởng nặng nề trước sự ra đi đột ngột của Paul Walker hồi tháng 11/2013. Ông chia sẻ: “Đó là một bi kịch thực sự. Dù đây là một dự án bom tấn, không ai tại Universal dám nhắc đến chuyện công việc khi Paul Walker mới qua đời”.
Chris Morgan nói thêm: “Chỉ khi mọi chuyện trở nên bớt nặng nề, chúng tôi mới cùng nhau ngồi xuống, bàn luận về hướng đi tiếp theo. Tôi thực lòng nghĩ Paul Walker sẽ yêu Fast & Furious 7. Đoạn kết chính là lời tạm biệt và tri ân mà tôi và tất cả muốn gửi tặng anh ấy”.
Fast & Furious 7 ra mắt khán giả từ ngày 3/4. Sau hơn ba ngày trình chiếu, phim đạt doanh thu hơn 392,2 triệu USD toàn cầu, phá vỡ nhiều kỷ lục tại phòng vé.