Brandon Stanton, sinh ngày 1/3/1984, là nhiếp ảnh gia người Mỹ và là một blogger, anh nổi tiếng với những bức ảnh trên trang Facebook có tên Humans of New York được lập vào năm 2010.
Trang Facebook của anh ban đầu mô tả chân dung những con người ở thành phố New York cùng với những cuộc hội thoại đầy dung dị. Tháng 10/2013, cuốn sách đầu tiên mang tên Humans of New York được phát hành và nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới. Cho đến nay, trang Facebook của Humans of New York có tới gần 10 triệu người theo dõi.
Stanton bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành tài chính tại công ty Gambit Trading LLC ở Chicago năm 2008. Đến tháng 7/2010, anh bị mất việc.
Đầu năm 2010, anh mua chiếc máy ảnh bán chuyên Canon EOS 7D. Mặc dù chưa từng qua một lớp nhiếp ảnh chính quy nhưng anh bắt đầu tự chụp hình ở trung tâm thành phố Chicago khi có thời gian rảnh rỗi.
Tháng 7/2010, khi không còn việc làm, anh quyết định biến sở thích của mình thành sự nghiệp và bắt đầu tour du lịch các thành phố của Mỹ, khởi đầu là New Orleans, Pittsburgh và sau đó là Philadelphia.
Khi những bức ảnh của anh nhận được phản hồi tích cực trên trang Facebook cá nhân, anh quyết định tiến xa hơn. Tháng 8/2010, anh tới thành phố New York. Anh chỉ định dừng chân nơi đây ít ngày sau đó đến West Coast. Tuy nhiên, anh nhận thấy những con đường ở New York quá lý tưởng cho phong cách của mình, do đó, hàng ngày, anh đi bộ trong thành phố, chụp ảnh và đăng tải trong album có tựa đề “Humans of New York”. Ý định ban đầu của anh là “chụp 10.000 bức ảnh người dân New York và đưa họ vào bản đồ”.
Đến tháng 11/2010, trang Facebook có tên Humans of New York ra đời. Kể từ đó đến nay, không chỉ giới hạn ở con người New York, những bức ảnh của Stanton còn tiến xa hơn đến những con người cùng những mẩu chuyện rất đời thường và chân thực tại 10 quốc gia mà anh đi qua trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, cư dân mạng không khỏi xúc động trước bức hình kể về chuyện tình “vợ nhặt” được chụp tại thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam.
“Anh ấy thấy tôi và con trai đang ngủ tại một công trình xây dựng vào đêm giao thừa. Chúng tôi bị đẩy ra ngoài đường vì chồng bỏ rơi. Anh ấy nói: ‘em không nên sống như vậy, hãy về nhà với anh’. Chúng tôi sống cùng nhà vài tháng và anh ấy không hề đòi hỏi bất cứ thứ gì ở tôi, anh thậm chí còn rất tốt với con trai tôi. Nhiều lúc về nhà, tôi thấy anh đang đặt con trai lên vai chơi đùa. Sau vài tháng, chúng tôi nảy sinh tình cảm”. |
Hay bức ảnh biểu diễn thời trang của một “model nhí” đầy hồn nhiên, tinh nghịch ở thành phố Hồ Chí Minh. |
Vẻ mặt trầm ngâm của một nhân viên nhà hàng ở Hà Nội. “- Nỗi buồn lớn nhất của anh là gì?
- Cô đơn.
- Khi nào anh cảm thấy cô đơn nhất?
- Vào những tối cuối tuần ở trường đại học, đôi khi tôi ngồi một mình trong góc phòng kí túc xá chỉ với một chút ánh sáng, trong khi tất cả bạn của tôi đều ra ngoài.
- Tại sao bạn không đi cùng họ?
- Điều đó khó nói lắm”. |
Những lời nhận xét đầy yêu thương về người mẹ của một câu bé.
“- Điều gì em thấy thích nhất về mẹ? - Mẹ em chăm chỉ lắm - Mẹ chăm chỉ ra sao? - Mẹ nấu đồ ăn để bán hàng cả ngày. Sau đó, mẹ trở về nhà và nấu ăn cho cả gia đình”. |
Nỗi trăn trở của một người cha ở thành phố Hồ Chí Minh. “Sau khi con trai tôi sinh ra, tôi không thể tìm được việc làm trong vài tháng trời. Tôi tìm khắp nơi. Tâm trí tôi rối bời lắm. Tôi tức giận với tất cả mọi thứ. Điều tồi tệ nhất là khi con trai tôi được chẩn đoán là bị suy dinh dưỡng. Tôi ghét bản thân tôi quá”. |
Nụ cười hạnh phúc của đôi lứa.
“- Bạn có nhớ giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời mình không? - Đó là lần đầu tôi hôn cô ấy”. |
Niềm tự hào về người cha quá cố. “Bố tôi từng làm ở cơ quan quản lý rừng và tài nguyên đất đai ở khu tôi. Ông sống rất giản dị và mặc chỉ 3 chiếc áo trong cả cuộc đời cho đến khi ông ra đi. Tôi vẫn giữ 3 chiếc áo đó để luôn nhớ về ông". |
Cô gái trầm ngâm.
“- Bạn đang nghĩ gì thế? - Tôi đến đây để không phải nghĩ gì cả”. |