Bà Đặng Thị Tươi (80 tuổi) móm mém “hello” với những khách Tây đi qua hẻm. Đó cũng là từ tiếng Anh duy nhất mà người phụ nữ sống hơn nửa thế kỷ ở “phố Tây” của Sài Gòn biết. Mua nhà ở Bùi Viện từ năm 1962, những thăng trầm của con phố này như một dòng sông chảy mải miết trước mắt bà từ ngày còn là cô dâu mới cưới đến người vợ lam lũ gánh gạo bán rong và bây giờ lúc tuổi già 80 không còn chiếc răng nào.
Bùi Viện chính thức trở thành tên của con đường này từ ngày 6/10/1955. Trước đó, dưới thời Bảo Đại, nó có tên là Bảo hộ Thoại. Hay trước đó nữa, nó là con đường mòn của một ngôi làng mang tên là Tân Hoà.
Bà Tươi nói rằng những xóm nhỏ tụ lại quanh con phố này là người từ miệt Bình Chánh, Bình Điền về. Cũng có một số nhà từ miền Tây di cư lên làm thợ hoặc bán buôn. Phố Bùi Viện có tiếng “nổi loạn” từ ngày xưa. “Người ở mấy xóm bên kia (đường Phạm Ngũ Lão bây giờ - PV) đánh nhau, rượt nhau chạy dọc cái phố này”, bà cụ Tươi kể lại.
Bùi Viện là ai?
Theo cuốn sách Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh của tác giả Nguyễn Q.Thắng và Nguyễn Đình Tư, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên đường Bảo hộ Thoại thành Bùi Viện từ 1955.
Đường Bùi Viện trở thành phố đi bộ từ đêm 20/8. Ảnh: Tùng Tin. |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng lý giải khá cặn kẽ về người được đặt tên cho con phố này. Trong đó, có chi tiết thú vị cho thấy Bùi Viện chính là vị quan Việt Nam đầu tiên xuất dương sang Mỹ đặt quan hệ ngoại giao.
Sách Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh ghi rằng Bùi Viện (1841-1878) là danh sĩ thời vua Tự Đức, hiệu Mạnh Dực, quê làng Trình Phổ, tổng An Hội, huyện Trực Định, thuộc Kiến Xương, tỉnh Nam Định.
Năm Bính Thìn 1856, Bùi Viện đỗ cử nhân. Ất Mão năm 1855, trước năm ông thi đỗ, Quốc tử giám tế tửu Võ Duy Thanh biết tài ông, tiến cử ông với Tham tri bộ Lễ là Lê Tuấn ở Quảng Bình. Bùi Viện là người giúp Lê Tuấn bình định các nhóm Cờ đen, Cờ vàng quấy rối ở miền Bắc thời kỳ này.
Doanh điền sứ Doãn Thần nghe tiếng Bùi Viện, mời ông cộng sự mở mang cửa bể Hải Phòng ngày nay. Sau đó, ông lại đảm nhận việc dẹp loạn quân Quảng Văn Tế phát động ở Quảng Yên. Bùi Viện cùng những người yêu nước là Hoàng Phan Thái, Nguyễn Tư Giản, Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Trường Tộ lập Tân đảng, chú ý khích động triều đình duy tân, cải cách chính trị, quân sự, văn hoá.
Thức muộn và dậy trễ đã trở thành đặc trưng của Bùi Viện. Ảnh: Hải An. |
Năm Quý Hợi 1863, Bùi Viện lần đầu tiên xuất ngoại vận động bang giao với Mỹ. Đến Washington, ông được Tổng thống Abraham Lincoln tiếp, nhưng vì không mang theo quốc thư nên đành phải trở về. Đến khi có quốc thư trong tay, Bùi Viện sang Mỹ lần 2 nhưng tình hình nước Mỹ đã đổi. Tổng thống Lincoln bị ám sát, tổng thống mới là Ulysses Simpson Grant bận đối phó với cuộc nội chiến, Bùi Viện một lần nữa phải trở về.
Vua Tự Đức vẫn trọng dụng ông và bổ nhiệm làm Tham tri, rồi đổi làm Tham chánh Thương biện, cùng với Nguyễn Tăng Doãn coi về việc quan thuế ở Bắc Việt. Ít lâu sau, ông được đổi làm Chánh quản đốc Nha tuần tải, Bùi Viện liên tục thực thi kế hoạch chỉnh đốn hải quân, thành lập đội tuần dương quân đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của mình. Ông mất năm 1878.
Những ngõ phố “Liên Hợp Quốc”
Ngay cả những người như bà Tươi cũng không biết từ lúc nào Bùi Viện trở thành phố Tây không ngủ như bây giờ. Nhưng những người “Tây” đầu tiên đến sống trên con phố này không phải là khách du lịch. “Người Mỹ làm việc ở Sài Gòn trước 1975 đã sống trong những căn chung cư đó”, bà Tươi chỉ về phía chung cư cũ lụp xụp phía bên kia đường.
Đường Bùi Viện (màu đỏ). Ảnh: Google Maps. |
Có người nói rằng phố Tây bắt nguồn từ cơ duyên kinh doanh phòng trọ cho thuê của một cặp vợ chồng. Cũng có người nói nhờ xuất hiện trên cuốn sách du lịch Lonely Planet năm 1993, những du khách nước ngoài đến Sài Gòn đã chọn Bùi Viện làm điểm dừng chân trước khi toả đi miền Tây hoặc ra miền Trung.
Ông Lê Hoàng Nhân nói cái mốc chuyển mình của Bùi Viện là sau Đổi Mới năm 1986. Đầu những năm 1990, khách du lịch bắt đầu xuất hiện ở khu phố này. Rồi nhà hàng, khách sạn, những cửa tiệm mọc lên, tiếng nhạc, tiếng cười nói huyên náo đêm ngày. Những nhà hàng đồ Ấn với vị cà ri cay nồng, nhà hàng Ý với pizza béo ngậy phô mai cũng len lỏi đâu đó. Ở Bùi Viện, ẩm thực không chỉ là món ăn, nó mang cả văn hoá của những người nước ngoài đến đây sinh sống.
Nhà hàng Baba’s kitchen ở 164 Bùi Viện do người Ấn mở, phục vụ cũng là người Ấn. Ngoài đồ ăn ngon, đúng vị thì điểm trừ duy nhất là phục vụ nói tiếng Anh khá tệ. Có khoảng 3 nhà hàng Ấn Độ dọc theo phố Bùi Viện luôn trong tình trạng tấp nập khách ra vào.
Dọc phố này cũng không hiếm những nhà hàng Ý do chồng người Ý lấy vợ Việt mở ra. Một người Mỹ trung niên có thể ngày đóng bộ lịch sự đi dạy tiếng Anh, nhưng tối đến lại cặm cụi làm đầu bếp trong nhà hàng món chay Âu Á của mình. Những quán ăn nhiều mùi vị hay những cuộc "hôn nhân quốc tế" cũng là một đặc trưng của phố Tây Bùi Viện.
Phố Bùi Viện luôn nhộn nhịp từ sáng đến khuya. Ảnh: Tùng Tin. |
Dĩ nhiên, món Việt cũng hoà nhập rất nhanh trong môi trường ẩm thực đa quốc gia này. Quán bánh xèo phía góc Bùi Viện – Cống Quỳnh bán 25.000 đồng cho khách Việt và 30.000 đồng cho khách Tây. Tào phớ, chè vẫn bán theo gánh đều đặn mỗi chiều. Phở, hủ tiếu hay bánh mì kẹp chả được bán cả ngày.
Gần đây, một quán cà phê có tên Cộng với trang trí đặc trưng của miền Bắc thời bao cấp được mở ngay giữa phố. Phía Đề Thám, quán cà phê thời thượng Starbucks mới có thêm chi nhánh với ba lầu rộng rãi. Và dĩ nhiên, quán bar, bia, những cuộc chơi xuyên đêm trong tiếng nhạc ồn ào vẫn là một phần không thể thiếu của con phố này.
Bóng tối sau ánh đèn
Phía sau cuộc sống náo nhiệt và ánh đèn lấp lánh là bóng tối với đủ hình dạng của các loại tệ nạn. Ở Bùi Viện, khách du lịch có thể mua "cỏ" dễ như mua một bao thuốc lá. Những cư dân ở phố này cũng dễ dàng chấp nhận cảnh kim tiêm vứt lại đầu ngõ lúc sáng sớm. “Tụi nó không làm gì mình thì mình cũng đành thôi”, một người nói.
“Nếu nói giàu thì chỉ có những ngôi nhà mặt tiền cho thuê giá tính bằng đôla. Nhưng cứ đi vào ngõ xem, nhà ai cũng nghèo hết trơn, dù ở đây sống cả chục năm rồi. Mọi người làm đủ nghề kiếm sống, chủ yếu làm thuê, làm mướn cho người ta”, ông Lê Hoàng Nhân nói.
Phía sau ánh đèn lấp lánh, hàng quán nhộn nhịp là thế giới của những người lao động nghèo. Ảnh: Lê Quân. |
Ở ngõ 169 Bùi Viện, có 8 người phụ nữ già sống nương tựa vào nhau trong một ngôi nhà xập xệ. Người làm nghề rửa bát thuê, người bán vé số, người cạo gió giác hơi… Họ có điểm chung là đều nhiều tuổi, không nhà cửa và nghèo khó. Thời gian và ngày tháng của họ dường như không liên quan đến thế giới sôi động phía bên kia bức tường.
Bà Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1936) làm nghề giác hơi nhưng những ngày không có khách, bà chỉ dám ăn cháo loãng với nước tương để dành từ trước. Một ngày thu nhập khá của bà Hường chỉ tầm 60-70 nghìn đồng, ngày ít thì 30-40 nghìn đồng, “có ngày không có cũng đành phải chịu thôi”.
Bà Nguyễn Thị Kim Trúc bán vé số dạo nhiều năm nay. Thu nhập có ngày đủ ăn, có ngày còn phải bù lỗ. Cả 8 người ngủ chung trên sàn nhà và “chẳng ai đùm bọc ai nổi vì ai cũng rách tả tơi”.