Măng Đen là địa điểm du lịch được nhiều du khách trẻ yêu thích nhờ khung cảnh hoang sơ, khí hậu dễ chịu. Ảnh: @_callmewin_. |
Bắt đầu khai thác dịch vụ lưu trú tại Măng Đen từ năm 2021, bà Đỗ Hải Anh, chủ cơ sở Ventosa Homestay Măng Đen, chứng kiến sự thay đổi ngành du lịch tại địa phương "qua từng ngày".
Khác biệt rõ nhất phải kể đến đầu năm nay. Theo đó, vào dịp Tết Nguyên đán, lượng khách đến thị trấn tăng cao, thậm chí nhiều người không đặt phòng trước phải dựng lều ngủ ở ven đường. Sau đó, số lượng homestay mọc lên nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách.
"Tình hình du lịch ở đây năm nay khác lắm. Hàng loạt khách sạn mới xuất hiện, tôi ước chừng cũng gấp khoảng 2 lần năm trước. Mỗi ngày tôi đều nghe thấy tên một homestay mới", bà Anh chia sẻ với Tri thức - Znews.
Áp lực cạnh tranh mỗi ngày
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, đến nay, huyện Kon Plông có khoảng 100 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú với nhiều loại hình khác nhau như resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ với quy mô khoảng 1.100 phòng, đảm bảo phục vụ cho khoảng 6.000 lượt khách/ngày/đêm. Trong khi đó, năm 2023, quy mô phòng chỉ dừng ở con số 800.
Lượng khách đến huyện tham quan vui chơi vào dịp Tết Nguyên đán cũng tăng đáng kể. Vào dịp này, tỉnh Kon Tum đón khoảng 311.435 lượt khách. Trong đó, có đến 200.000 lượt khách tập trung tại các điểm du lịch ở Măng Đen.
Lượng khách đến Măng Đen dịp Tết Nguyên đán 2024 là tín hiệu khả quan cho ngành du lịch địa phương. Ảnh: @_im.rot_, @lil_sacly. |
Khách du lịch đến đây ngày một đông, kéo theo lượng người làm du lịch từ địa phương khác đổ xô đến thị trấn huyện lỵ của huyện Kon Plông mua đất, thuê đất, đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú cũng tăng theo.
Đây là một trong số tín hiệu tích cực cho thấy ngày du lịch tại địa phương phát triển. Song, việc "mỗi ngày nghe một tên homestay mới" cũng gây áp lực cho chính các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Bà Hải Anh phải liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ để hút khách từ năm 2022. Đầu năm nay, bà cũng cho bổ sung phòng.
"Tôi cảm thấy vui mừng khi chứng kiến ngành du lịch trên địa bàn huyện phát triển. Mỗi cơ sở lưu trú có thể mạnh riêng, có thể thúc đẩy sự phát triển của cả vùng. Đồng thời tạo công ăn việc làm, thu hút lực lượng lao động chất lượng. Tuy nhiên, tôi cũng lo lắng về tình trạng chặt chém và nhiều cái tiêu cực. Càng nhiều homestay, nhiều khách sạn thì sự cạnh tranh càng lớn và chính homestay của tôi cũng phải thay đổi để hoàn thiện hơn", bà Anh cho hay.
Du khách check-in tại thác Ba Sỹ, Kon Plông. Ảnh: @lngcanh_39. |
Tình trạng nhiều cơ sở lưu trú mới mọc lên cũng khiến bà Huỳnh Loan, chủ cơ sở Ylang home - Homestay Măng Đen, phải tích cực làm mới dịch vụ, suy nghĩ trang trí phòng ốc và tìm kiếm khách hàng mỗi ngày.
"Nếu hỏi tôi có áp lực khi homestay mọc lên nhiều hay không, câu trả lời là có. Tôi áp lực mỗi ngày", bà Loan nói.
Ngoài bài toán thu hút khách, một số người làm du lịch tại Măng Đen còn phải lên kế hoạch kinh doanh thêm dịch vụ khác như nông trại, quán cà phê... nhằm kiếm thêm thu nhập do lượng khách đến địa phương phân bổ chưa đều vào các ngày trong tuần.
Bà Anh nhận định ngày thường ở Măng Đen rất vắng khách, các cơ sở chỉ nhộn nhịp vào cuối tuần hoặc ngày lễ. Ai đầu tư khách sạn ở đây phải có sự tính toán, nếu không sẽ lỗ.
Quốc lộ 24 tại thị trấn Măng Đen nhộn nhịp hôm mùng 5 Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: Ghiền Măng Đen. |
Vấn đề về nhân sự cũng khiến không ít chủ cơ sở lưu trú thở dài mỗi khi nhắc đến. Bà Ngọc Diễm, đại diện một khách sạn tại Măng Đen, cho rằng chất lượng nhân sự tại đây chưa cao. Nhân viên chiếm phần đông là người Mơ Nâm (một nhánh thuộc dân tộc Xơ Đăng).
"Các bạn nhân viên là người dân tộc bản địa ở đấy rất dễ thương và chịu khó. Tuy nhiên, họ khá chậm việc, chưa giao tiếp lưu loát và chỉ thường làm ngắn ngày. Nhìn chung, các bạn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nhân sự ngành dịch vụ cần", bà Diễm nói.
Đồng quan điểm, dưới góc độ một chủ cơ sở lưu trú tại Măng Đen, từng sống ở thành thị, bà Hải Anh cho rằng mặt bằng chung lương và đãi ngộ ở Măng Đen đang cao hơn các thành phố lớn, đối với một nhân viên pha chế.
"Lương cơ bản ở Măng Đen thấp nhất là 5 triệu đồng/tháng bao gồm ăn ở. Các bạn ở thành phố lớn lao động tay chân có thể được trả tới 8 triệu đồng/tháng, nhưng họ cũng phải thuê nhà và chi phí ăn uống, xăng xe, không thể có thu nhập net (lương ròng, khoản thu nhập sau khi đã trừ các khoản thuế...) như trên này. Lực lượng lao động thạo việc như ở thành phố rất ít. Ngoài ra, mức độ gắn bó lâu dài với công việc cũng không có. Đến vụ cấy, vụ mùa thu hoạch cà phê thì họ lại bỏ việc", bà Anh bộc bạch.
Lễ 30/4 chưa kín phòng
Lượng khách đến Măng Đen vào dịp Tết Nguyên đán là dấu hiệu khởi sắc cho ngành du lịch địa phương. Tuy nhiên, tình hình đặt phòng tại đây cho dịp lễ 30/4 - 1/5 lại chưa cho thấy sự khả quan như vậy.
Măng Đen là một trong số địa điểm lý tưởng để du khách săn mây. Ảnh: Ventosa Homestay Măng Đen. |
Vào thời điểm năm ngoái, trước lễ 30/4 cả tháng, cơ sở kinh doanh của bà Hải Anh đã không còn phòng cho thuê ngay từ đầu tháng 4. Mỗi ngày, bà Hải Anh nhận 50-70 cuộc gọi và tin nhắn trên fanpage xuyên suốt từ 5h đến 1h sáng hôm sau. Câu hỏi lặp lại nhiều nhất là tình trạng phòng vào ngày lễ.
Nhưng năm nay, liên quan đến công suất buồng phòng vào dịp lễ 30/4, bà Anh cho biết hiện tại đơn vị đã có khách đặt phòng cho các ngày 29, 30 nhưng chưa có dấu hiệu kín phòng.
Một số cơ sở lưu trú hạng sang như Golden Boutique Hotel Mang Den, De Vivre Homestay Mang Den hay nơi ở khác như Resort Đăkke Măng Đen, Osaka Măng Đen Homestay, Lucky House - Măng Đen Homestay cũng chưa đạt công suất buồng phòng 100% vào lễ 30/4.
Ngoài ra, các cơ sở lưu trú sở hữu phòng dorm cho du khách theo nhóm như Ở Nhà homestay vào dịp lễ năm ngoái phải mất một tuần đầu tiên hoặc cận lễ có phát sinh mới lấp đầy phòng. Cơ sở vẫn chưa nhận khách vào năm nay.
"Tầm 1-2 tuần nữa thôi sẽ có khách hỏi. Nhưng tôi thấy lễ 30/4 nào phòng cũng chật kín khách", bà Nguyễn Thúy Trinh, chủ cơ sở này cho biết.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.