Clip con gái của nữ điều dưỡng Phùng Thị Hạnh (28 tuổi, Bệnh viện Quân Y 103) đang chống dịch ở Bắc Giang khóc khi thấy mẹ trên tivi nhận được nhiều sự quan tâm. Trên mạng xã hội, nhiều người đã khắc họa lại hình ảnh cảm động này bằng những bức tranh vẽ tay. Ảnh: FB. |
"Con ngoan, hết dịch mẹ sẽ về" là lời động viên, an ủi mà tác giả muốn gửi gắm thông qua các bức vẽ. "Thương lắm những y, bác sĩ phải tạm xa gia đình, con nhỏ để lên đường chống dịch", "Tri ân những chiến sĩ, nhân viên y tế đang nỗ lực ở tuyến đầu"... là những bình luận của dân mạng dưới loạt tranh. Ảnh: HKiên. |
Hình ảnh chàng sinh viên năm hai khoa Y Phạm Trung Anh ngất xỉu vì kiệt sức khi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Giang được ghi lại và lan truyền trên một số diễn đàn, khiến nhiều người xót xa. Một fanpage lớn đã tái hiện khoảnh khắc này trên tranh vẽ như lời tri ân lực lượng y, bác sĩ ở tuyến đầu. Ảnh: Thăng Fly. |
Khi Bắc Giang trở thành "điểm nóng" dịch Covid-19 với số ca F0, F1 tăng cao mỗi ngày, nhiều y, bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên đã xung phong, sẵn sàng lên đường chi viện tuyến đầu. Ảnh: Thăng Fly. |
Bức vẽ này khắc họa lại hình ảnh các nữ y, bác sỹ Bệnh viện 19-8 Bộ Công an và Bệnh viện Y học Cổ truyền lên đường chi viện cho tâm dịch Bắc Giang vào ngày 27-28/5 vừa qua. Ảnh: Thăng Fly. |
Hôm 16/5, mạng xã hội chia sẻ clip trung úy Tống Ngọc Kiên, cán bộ thuộc Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an huyện Yên Dũng (Bắc Giang), đứng nghiêm, giơ tay chào đoàn xe chở cán bộ y tế chi viện từ Bắc Giang. Khoảnh khắc ý nghĩa này cũng đã được tái hiện bằng tranh vẽ. Ảnh: Thăng Fly. |
Đằng sau mỗi bức vẽ đều là những câu chuyện cảm động, ý nghĩa về sự vất vả, hy sinh của các nhân viên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Thông qua những bức vẽ này, cộng đồng mạng cũng mong muốn tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ tinh thần cho đội ngũ nhân viên y tế, chiến sĩ, tình nguyện viện tại các vùng dịch. Ảnh: SUZU. |