Tháng 10 năm 2018, theo số liệu của VAMA, doanh số toàn thị trường xe hơi Việt Nam đạt con số 28.899 xe, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 21% so với tháng 9.
Đáng chú ý, xe nhập khẩu đạt doanh số 11.300 chiếc, tăng trưởng "phi mã" 46%. Nghị định 116, rào cản ngăn xe nhập khẩu về Việt Nam, được dựng lên từ tháng 1/2018, coi như phần nào đã được dỡ bỏ, và xe nhập khẩu đang tràn vào Việt Nam theo kiểu "tức nước, vỡ bờ".
Tháng 10, xe nhập khẩu đạt doanh số 11.300 xe, tăng 46%. |
Cũng trong tháng 10, thị trường xe hơi ghi nhận hàng loạt mẫu xe đội giá bán. Chính xác hơn, các đại lý đã đưa ra các gói phụ kiện và khách hàng nào muốn sở hữu xe sớm thì phải bỏ thêm tiền, với số tiền 50-200 triệu đồng tùy đại lý. Tất nhiên, không phải mẫu xe nào bán chạy cũng đội giá.
Trong top 10 xe bán chạy nhất Việt Nam trong tháng 10, chỉ có hai mẫu xe bán theo kiểu "bia kèm lạc", là Toyota Fortuner (doanh số 1.267 xe, đội giá khoảng 100 triệu đồng) và Ford Ranger (doanh số 1.149 xe, đội giá khoảng 70 triệu đồng), và đây đều là hai mẫu xe nhập khẩu.
8 mẫu xe bán chạy nhất thị trường còn lại, ngoài Toyota Wigo (nhập khẩu, doanh số 1.529 xe, đội giá không đáng kể), đều là xe lắp ráp trong nước.
Ngoài Fortuner và Ranger, một số mẫu xe ghi nhận tình trạng bán hàng theo kiểu bia kèm lạc còn có Honda CR-V, Toyota Rush, Ford Everest hay cả Mitsubishi Xpander. Đây đều là những mẫu xe hấp dẫn, có doanh số bán cao, hoặc mới ra mắt trên thị trường và nhận được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng.
Ford Ranger Raptor vừa xuất hiện đã ngay lập tức "bia kèm lạc". |
Vì sao xe nhập khẩu bán chạy tăng giá?
Các mẫu xe hơi có giá gần 1 tỷ đồng cho tới 1,5 tỷ đồng nằm ở phân khúc tầm trung. Ở tầm giá này, khách hàng có xu hướng sẵn sàng bỏ thêm tiền ra mua phụ kiện để sở hữu chiếc xe mình ưng ý. Đây chính là "mỏ vàng" cho các đại lý để bán xe theo kiểu bia kèm lạc.
Ở phân khúc xe hơi phổ thông, những thay đổi về giá hay bán thêm phụ kiện rất dễ khiến khách hàng bỏ cuộc, và tìm mua các sản phẩm khác có mức giá tốt hơn.
Đó cũng là lý do mà Toyota Wigo tuy cũng là xe nhập khẩu và đang rất hot tăng giá không đáng kể trước sức ép của hai đối thủ lớn là Hyundai Grand i10 và Kia Morning.
Nguyên nhân của việc bán xe theo kiểu bia kèm lạc, theo các đại lý, là do lượng khách hàng hỏi mua xe quá nhiều và nguồn cung là không đủ để đáp ứng. Nghị định 116 có vẻ như là nguyên nhân chính yếu của sự khan hàng này.
Ông Phạm Thành Lê - diễn đàn Otofun chia sẻ: "Lý do một số mẫu xe nhập khẩu về Việt Nam tăng theo kiểu “bia kèm lạc” khá dễ hiểu: Cầu lớn hơn cung. Ở thị trường xe hơi Việt Nam, cầu lớn hơn cung là điều bình thường. Nhưng đáng tiếc ở chỗ không phải do sản phẩm có nguồn cung cực kỳ hạn chế hay chất lượng vượt trội, mà lại từ các yếu tố khác, trong đó yếu tố chính là Nghị định 116."
Chuyên gia xe hơi Vinh Nguyễn cho rằng: "Các đại lý bán "bia kèm lạc" để bù chi phí hệ thống đứng im trong thời gian đầu 2018, khi Nghị định 116 khiến xe nhập khẩu gần như không có để bán trong suốt 8 tháng đầu năm 2018."
Nghị định 116 tạo rào cản khiến xe nhập khẩu không thể về Việt Nam trong hơn nửa năm 2018, ngoại trừ Honda CR-V. Không có xe nhập khẩu để bán, nhiều đại lý đìu hiu, nhân viên kinh doanh "ngồi chơi xơi nước".
Thiệt hại về kinh tế trong giai đoạn này được đổ dồn vào dịp cuối năm 2018, cũng là dịp xe nhập khẩu đã có thể vào Việt Nam, và các đại lý cũng như nhân viên bán hàng tất nhiên phải tìm cách gỡ gạc, trong đó có chiêu "bia kèm lạc".
"Bia kèm lạc là chiêu gỡ gạc của các đại lý".
Chuyên gia Vinh Nguyễn
Nghị định 116 không chỉ tạo nên tình trạng khan hàng xe nhập khẩu trong gần 9 tháng của năm 2018, mà còn khiến rất nhiều người tiêu dùng rơi vào cảnh chờ đợi mua xe trong một thời gian dài.
Nhắc lại năm 2017, thông tin về việc thuế nhập khẩu xe hơi trong khu vực sẽ về mức 0% từ đầu năm 2018, đã khiến từ khoảng giữa năm, thị trường xe hơi trở nên đìu hiu khi nhiều khách hàng mang tâm lý chờ đợi.
Cũng là số khách hàng chờ đợi mua xe nhập khẩu với giá tốt hơn này, phải chờ thêm gần 9 tháng của năm 2018 nữa, do hiệu lực của Nghị định 116. Thời điểm này, khi xe nhập khẩu đã có thể về nhiều hơn, người mua đổ xô đặt xe, tạo tình trạng cung không đủ cầu, và là điều kiện để đại lý đội giá xe.
Ngoài ra, trong bối cảnh ai cũng muốn có xe trước Tết, mà số lượng nhập khẩu về không thể cung ứng kịp, thì việc phải mua kèm phụ kiện để được hưởng "ưu tiên" là điều không thể tránh khỏi.
Chuyên gia xe hơi Đức Minh cho hay hiện tượng "bia kèm lạc" không chỉ diễn ra tại Việt Nam. Ở Mỹ hay Anh người ta đặt ra một mức giá gọi là MSRP (Manufacturer's Suggested Retail Price) - giá khuyến nghị của nhà sản xuất. Khi cầu lớn hơn cung thì giá thực tế sẽ cao hơn khuyến nghị/MSRP và ngược lại."
Khách hàng không hài lòng, nhưng vẫn xuống tiền
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, khắp nơi đều có những người mua xe bày tỏ sự không hài lòng khi gặp phải tình trạng ép phải mua phụ kiện để sở hữu xe hơi.
Việc bán kèm phụ kiện là chiêu thức của đại lý. Tỷ lệ lãi của phụ kiện là siêu cao thậm chí ngang với lãi của việc bán xe.
Chuyên gia Marketing Hoàng Hà
Tuy nhiên dù không hài lòng, phần đông khách hàng vẫn chấp nhận bỏ thêm tiền để được lấy xe sớm, thay vì chờ đợi tới sang năm 2019 nhận xe, hoặc chọn mua một mẫu xe khác của một thương hiệu xe hơi khác.
Đó là lý do những mẫu xe "bia kèm lạc" nặng nề nhất, vẫn ghi nhận doanh số cao trong tháng 10/2018.
Nhiều nhân viên bán hàng của những mẫu xe "ế ẩm" như Nissan X-Trail, Mitsubishi Outlander hay Toyota Hilux kiên trì thuyết phục khách hàng không mua "bia kèm lạc" mà chuyển sang mẫu xe của mình.
Tuy nhiên nhìn vào doanh số bán ra vào tháng 10, khách hàng có vẻ như sẽ chịu thêm tiền để mua phụ kiện, mua cả sự bực mình, nhưng vẫn không thay đổi quyết định sang một mẫu xe cùng phân khúc nhưng không độn giá.
Việc bán hàng theo kiểu "bia kèm lạc" của các đại lý không chỉ ảnh hưởng tới khách hàng mà còn khiến uy tín của các hãng xe hơi bị sụt giảm trong mắt người tiêu dùng.
Tuy nhiên các hãng xe muốn có các nhà phân phối tốt thì cũng không thể "làm căng" với các đại lý, đặc biệt trong hoàn cảnh nhiều đại lý đã chịu không ít thiệt thòi trong giai đoạn thị trường trầm lắng cuối năm 2017 và không có xe bán trong gần 9 tháng của năm 2018.
Nói về vấn đề này, Tổng Giám đốc Ford Việt Nam - Phạm Văn Dũng chia sẻ: "Đại lý của Ford là đại lý ủy quyền, trên cơ sở mua xe từ nhà máy để bán. Ford khuyến cáo các đại lý bán đúng giá và không khuyến khích tăng giá hoặc bán thêm phụ kiện trong tất cả các trường hợp".
Ông Toshio Kuwahara - Tổng giám đốc Honda Việt Nam, cũng từng chia sẻ về vấn đề bán xe máy cao hơn giá đề xuất: "Bản thân Honda và các HEAD là các pháp nhân độc lập và là đối tác của nhau. Honda Việt Nam chỉ có thể đưa ra mức giá đề xuất và không có quyền ấn định giá cho các nhà phân phối". Câu chuyện đại lý xe hơi của Honda cũng tương tự các HEAD xe máy, khi mà chiếc Honda CR-V đang bán kèm phụ kiện lên tới 70 triệu đồng.
Với diễn biến thị trường như hiện nay, có thể thấy hiện tượng bia kèm lạc sẽ vẫn tiếp diễn như một điều bình thường, chưa có dấu hiệu được cải thiện.