Gần đây, cư dân mạng Trung Quốc đùa nhau rằng một thập kỷ trước, ai đó sẽ trở thành đối tượng bị ganh tỵ nếu bỏ ra 3.000 nhân dân tệ (420 USD) mua đôi giày từ người buôn hàng hiệu xách tay.
Tuy nhiên, để thu hút nhiều sự chú ý hiện nay, họ phải nói: “Tôi đặt những món đồ này từ Taobao với giá 30 nhân dân tệ. Chúng thoải mái và siêu bền”, theo Think China.
Thay đổi hành vi
Giữa xu hướng tiết kiệm ở Trung Quốc, các bài đăng chỉ cách “thắt lưng buộc bụng” và sống đơn giản mọc lên như nấm trên mạng xã hội trong 2 năm qua. Thể loại này dần soán ngôi xu hướng ủng hộ lối sống thả trôi để trở thành nội dung phổ biến nhất trên Internet.
“Kiềm chế bản thân và kiếm tiền” trở thành phương châm sống của giới trẻ Trung Quốc, thậm chí còn được in trên áo phông.
Hàng loạt nhóm chống chủ nghĩa tiêu dùng xuất hiện trên mạng xã hội sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Một số trong đó bao gồm “Tìm thấy hạnh phúc bằng cách không chi tiêu”, “Nhóm tiêu dùng thấp”, “Đừng mua gì, chúng ta là người đi ngược lại chủ nghĩa tiêu dùng”,... thu hút hơn 300.000 thành viên kể từ khi ra đời 2 năm trước.
Mục đích duy nhất của các hội, nhóm này là khuyến khích các thành viên không tiêu tiền.
Một nhóm người trẻ ngồi bên ngoài trung tâm mua sắm ở Thượng Hải tháng 9/2022. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Thực tế, những bài đăng hài hước cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức của giới trẻ Trung Quốc về tiền bạc. Dưới ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế bất ổn và triển vọng việc làm thấp, người trẻ xứ tỷ dân đang thận trọng trong việc chi tiêu và có xu hướng tiết kiệm tiền nhiều hơn.
Trước dịch, Li Yue (28 tuổi), nhân viên hành chính tại doanh nghiệp nước ngoài, gần như tuần nào cũng gặp bạn bè và chi ít nhất 500 nhân dân tệ mỗi lần đi chơi. Cô cũng không ngần ngại vung tiền mua các sản phẩm làm đẹp mới nhất qua mạng.
Tuy nhiên, suy nghĩ của Li đã thay đổi từ khi Covid-19 xuất hiện.
Dù thu nhập không giảm, bầu không khí xã hội căng thẳng đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định chi tiêu của cô.
Li từng chi tới 1.000-2.000 nhân dân tệ/tháng, chủ yếu vào mỹ phẩm và quần áo, và gần 100 nhân dân tệ/ngày để đi ăn nhà hàng. Kể từ sau dịch, cô tiết kiệm được khoảng 2.000 nhân dân tệ/tháng bằng cách không chạy theo mốt làm đẹp và thời trang, cũng như nấu ít nhất một bữa ăn mỗi ngày.
Người trẻ xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 trên đường phố Thượng Hải tháng 9/2022. Họ là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế khi đại dịch bùng phát. Ảnh: Aly Song/Reuters. |
Tiết kiệm nhiều hơn
Báo cáo do Viện Kinh tế mới Trung Quốc cùng Alipay phát hành cho thấy chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, số tiền tiết kiệm được trên đầu người của thế hệ sau thập niên 90 nhiều hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo năm 2021 về triển vọng sống của người cao tuổi ở Trung Quốc do Fidelity International và Ant Fortune công bố cũng chỉ ra vào năm 2021, những người trẻ 18-34 tuổi tiết kiệm được 25% tiền lương hàng tháng, hoặc trung bình 1.624 nhân dân tệ/tháng, tăng từ 20% vào năm 2020. Đây cũng là số tiền cao nhất kể từ năm 2018.
Li bắt đầu tiết kiệm tiền một cách tự nhiên vì các hạn chế liên quan đến Covid-19 như lệnh phong tỏa và chuyển sang làm việc tại nhà. Sự thay đổi trong lối sống khiến cô nhận ra rằng trước đây bản thân đã mua sắm lãng phí, trong khi những bất ổn do đại dịch mang lại cũng làm nổi bật tầm quan trọng của việc cắt giảm chi tiêu.
Tiết kiệm vì thế dần trở thành lựa chọn có ý thức và là chủ đề trò chuyện phổ biến của những người lao động trẻ.
“Trước kia, tôi và bạn bè thường thảo luận về thời trang và những mốt mới nhất. Nhưng bây giờ, chúng tôi nói về đại dịch, việc làm và cách tiết kiệm tiền. Gần đây, tôi đọc tin tức về làn sóng nghỉ việc, tỷ lệ tuyển dụng giảm và cạnh tranh gia tăng. Ngoài ra, mức tăng lương sau khi chuyển công tác có thể không cao như vậy nữa nên tôi khá lo lắng cho tương lai của mình”, Li chia sẻ.
Những bất ổn do đại dịch mang lại góp phần làm nổi bật tầm quan trọng của việc cắt giảm chi tiêu ở Trung Quốc. Ảnh: Ed Jones/AFP. |
Thế hệ trẻ đã trở thành nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong tình hình kinh tế khó khăn của Trung Quốc.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc báo cáo rằng tỷ lệ thất nghiệp thành thị của thanh niên 16-24 tuổi vẫn ở mức cao, cụ thể là 18,7% trong tháng 8. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tiêu dùng xã hội cũng suy yếu trong năm nay, có thời điểm giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4 và chỉ phục hồi lên mức tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8.
Các nhà phân tích tin rằng những người tiêu dùng kém của Trung Quốc sẽ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế của đất nước này. Khi đại dịch bước sang năm thứ 3, hành vi của người tiêu dùng xứ tỷ dân có thể đã chứng kiến những thay đổi không thể đảo ngược. Ngay cả sau khi các quan chức nới lỏng biện pháp chống Covid-19, rất khó xảy ra làn sóng “chi tiêu trả thù” lớn như dự đoán.
Li thừa nhận cô và bạn bè vẫn mong muốn theo đuổi lối sống xa hoa, nhưng thực tại đã dập tắt mong muốn này.
Li tin rằng thói quen tiêu dùng của mình sẽ trở lại như trước dịch ngay khi cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, Covid-19 đã phơi bày những bất ổn trong cuộc sống khiến cảm giác bất an này có thể không biến mất hoàn toàn và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu trong tương lai của cô.
Tan Gangqiang, người đứng đầu trung tâm tư vấn tâm lý ở Trùng Khánh, nói rằng xu hướng tiết kiệm tiền hiện nay là cách mà mọi người tự giễu cợt bản thân và giữ bình tĩnh giữa đại dịch. Hành vi như vậy không còn là hiện tượng tạm thời.
Tan chỉ ra rằng thế hệ trẻ là những người đi theo xu hướng nên sẵn sàng chi tiêu nhất. Sự thay đổi thái độ tiêu dùng của họ có thể khiến nền kinh tế rơi vào vòng luẩn quẩn.
Thế hệ trẻ có thu nhập thấp và chi tiêu ít hơn sẽ khó để nền kinh tế phục hồi cũng như các doanh nghiệp tồn tại. Điều này ảnh hưởng trở lại đến thu nhập của thanh niên, dẫn đến tác động lâu dài.