Thí sinh dự thi ĐH năm 2014. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Thay đổi này được quy định tại Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 55 quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH do Bộ GD&ĐT vừa ban hành hôm 21/4.
Trước đó, cuối năm 2012, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 55 quy định tuyển sinh liên thông ĐH, CĐ chính quy bắt buộc phải thi “ba chung” cùng tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy.
Quyết định này từng gây phản ứng mạnh mẽ từ các trường ĐH, CĐ và từ chính thí sinh có nguyện vọng thi liên thông.
Lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ cho rằng, trong hai năm 2013 và 2014, quy mô đào tạo liên thông giảm mạnh chính vì quy định trên Bộ GD&ĐT đưa ra chưa phù hợp.
Thậm chí, người thi vào CĐ, trung cấp cũng sụt giảm trầm trọng vì cánh cửa liên thông sau đó bị khép lại quá chặt, nên không hấp dẫn người học.
Liên thông: Tự chọn tuyển sinh hoặc xét tuyển
Ngày 21/4, PGS, TS Đặng Quang Việt - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT cho biết, Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 4/6. Từ ngày này, các trường tuyển sinh liên thông CĐ, ĐH có thể tự chọn hình thức tuyển sinh hoặc thi tuyển hoặc xét tuyển.
Nếu tổ chức thi tuyển, các trường phải tổ chức đảm bảo thi đủ ba môn, gồm môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề).
Các cơ sở giáo dục ĐH công bố công khai các môn thi trong thông báo tuyển sinh trước kỳ thi ba tháng. Trong khi đó, hình thức xét tuyển sẽ áp dụng cho việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Theo ông Việt, Bộ GD&ĐT cho phép các trường có thể được thực hiện tối đa hai lần tuyển sinh liên thông trong một năm.
“Điều quan trọng là nhà trường phải xây dựng và ban hành Quy chế tuyển sinh liên thông, không trái với các quy định tại Quy chế thi THPT quốc gia, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy (đối với tuyển sinh liên thông chính quy) hoặc Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức vừa làm vừa học (đối với tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học)”- ông Việt nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Việt cũng cho biết, điểm trúng tuyển liên thông ĐH, CĐ theo hình thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia phải đảm bảo đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định chung với tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy.
Với từng ngành cụ thể, tổ hợp môn xét tuyển với tuyển sinh liên thông ĐH, CĐ chính quy sẽ phải trùng với tổ hợp môn thi dùng cho tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy với ngành tương ứng.
Tuy nhiên, điểm trúng tuyển với tuyển sinh liên thông theo hình thức xét tuyển hoàn toàn không bắt buộc phải áp dụng khung chung giống với điểm xét trúng tuyển của tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường không bảo lưu kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong xét tuyển thí sinh liên thông.
Siết chặt hơn kỳ thi do nhà trường tự tổ chức
Dù cho phép trường có thể được lựa chọn phương thức tuyển sinh bằng kỳ thi do nhà trường tổ chức, nhưng Bộ GD&ĐT đã lập “hàng rào chắn” chặt chẽ hơn với kỳ thi này so với trước đây và so với chính dự thảo công bố trước đó.
Ông Việt cho biết với cả môn thi (môn cơ bản, môn cơ sở ngành và môn chuyên ngành hoặc thực hành nghề), thí sinh chỉ được xét trúng tuyển khi đạt điểm mỗi môn thi từ 5 điểm trở lên theo thang điểm 10.
“Ngay trong dự thảo, chúng tôi cũng chỉ mới đưa ra yêu cầu xét trúng tuyển khi thí sinh đạt điểm môn chuyên ngành từ 5 điểm trở lên, nhưng trong quá trình tiếp thu ý kiến góp ý, Bộ GD&ĐT quyết định áp dụng ngưỡng để các trường xác định điểm trúng tuyển khi thí sinh đạt điểm mỗi môn thi phải từ 5 điểm trở lên” - ông Việt nói.
Như vậy, có thể hiểu điểm trúng tuyển tối thiểu với tuyển sinh liên thông từ kỳ thi do các trường tổ chức sẽ không thấp hơn 15 điểm.
Trước thông tin một số trường vẫn lạm dụng chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách cố tình hiểu việc khống chế chỉ tiêu liên thông nằm ngoài tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy hằng năm đăng ký với bộ GD- ĐT, ông Việt cho biết, thông tư mới đã quy định rất chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “cố tình hiểu sai” này.
Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy phải nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của các trường. Cũng như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh liên thông vừa làm vừa học cũng phải nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học của chính nhà trường ấy.
Chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh liên thông chính quy được xác định hằng năm cho từng ngành đào tạo, không vượt quá 20% chỉ tiêu chính quy của ngành đối với các ngành nói chung.
Riêng các ngành về khoa học sức khỏe, việc khống chế tỉ lệ tuyển sinh liên thông được thực hiện chặt chẽ hơn, không vượt quá 15 % chỉ tiêu chính quy của ngành này.